Mới đây, TAND huyện Thanh Trì (TP Hà Nội) đã quyết định thụ lý vụ án dân sự về việc bồi thường thiệt hại theo hợp đồng vận chuyển, giữa nguyên đơn là Công ty TNHH thương mại và vận tải Phương Anh, bị đơn là Công ty cổ phần vận tải biển Vinafaco.
Hồ sơ vụ án, ngày 1/1/2019, Công ty Phương Anh ký hợp đồng thuê Công ty Vinafco vận chuyển hàng hóa từ cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng) đến cảng Bến Nghé (TPHCM). Đến 21h19 ngày 22/12/2023, khi tàu Morning Vinafco, thuộc Công ty Vinafco vận chuyển container di chuyển qua Cù Lao Chàm (Quảng Nam) thì bị rơi 37 container xuống biển, trong đó có 14 container của Công ty Phương Anh.
|
Tàu Morning Vinafco của Công ty của Công ty cổ phần Vận tải biển Vinafco neo đậu tại cảng sau khi xảy ra sự cố. (Ảnh: Báo Đầu tư) |
Ngày 25/12/2023, Công ty Phương Anh gửi thông báo tổn thất và khiếu nại đến Vinafco để thông báo lô hàng hóa đã bị rơi 14 container chứa 42 ô tô mới nguyên chiếc và 1 container hư hỏng nặng chứa 3 ô tô, yêu cầu bồi thường thiệt hại hơn 36 tỷ đồng. Vinafco không thực hiện bồi thường nên Công ty Phương Anh khởi kiện, yêu cầu Vinafco trả cho Cty Phương Anh tổn thất là 45 ô tô bị mất tích và hư hỏng khi vận chuyển (số tiền hơn 36 tỷ đồng và hơn 1,5 tỷ đồng tiền lãi chậm trả).
Đáng chú ý, Vinafco cho rằng, nguyên nhân dẫn đến sự cố rơi các container xuống biển được chuyên chở trên tàu Morning Vinafco là do thiên tai bất khả kháng. Trong khi đó, công ty Phương Anh đưa ra báo cáo giám định đề cập đến tình trạng tàu Morning Vinafco. Theo đó, nguyên nhân dẫn đến tổn thất do thiết bị chằng buộc container trên tàu có tình trạng kém, không bảo đảm việc chằng giữ an toàn cho hàng hóa khi tàu hành trình trong điều kiện thời tiết có sóng gió cấp 6 - 7.
Dư luận đặt ra câu hỏi: Trách nhiệm pháp lý thuộc về ai, công ty vận tải có thể được miễn trách nhiệm nếu chứng minh yếu tố bất khả kháng hay không?
Luật sư Mai Thảo, Phó Giám đốc TAT Law Firm đã trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống về những giải pháp khả thi cho các bên liên quan.
Theo luật sư Thảo, về trách nhiệm của công ty vận tải, theo Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015, công ty vận tải có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho hàng hóa trong quá trình vận chuyển và chịu trách nhiệm bồi thường nếu hàng hóa bị mất mát hoặc hư hỏng. Tuy nhiên, công ty vận tải lập luận rằng sự cố do thời tiết xấu, một sự kiện bất khả kháng và do đó họ không phải chịu trách nhiệm. Để lập luận này được chấp nhận, công ty vận tải cần chứng minh rằng điều kiện thời tiết tại thời điểm xảy ra sự cố thực sự là bất khả kháng và họ đã thực hiện đầy đủ các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho hàng hóa.
Trong pháp luật Việt Nam, bất khả kháng là sự kiện xảy ra khách quan, không thể lường trước và không thể khắc phục dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết. Để được miễn trách nhiệm, công ty vận tải cần cung cấp bằng chứng về tình hình thời tiết vào thời điểm xảy ra sự cố, chẳng hạn như báo cáo khí tượng hoặc dự báo thời tiết, cùng với chứng minh họ đã thực hiện các biện pháp an toàn như cố định hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật tàu, và chỉ ra rằng sự cố xảy ra ngoài tầm kiểm soát của họ.
Nêu ý kiến về quy định bảo hiểm hàng hóa, luật sư Mai Thảo cho rằng, việc mua bảo hiểm cho hàng hóa không phải là yêu cầu bắt buộc theo Bộ luật Hàng hải Việt Nam, trừ khi có thỏa thuận trong hợp đồng vận chuyển. Điều này có nghĩa là, nếu hợp đồng giữa hai bên không có điều khoản về bảo hiểm, người vận chuyển không bắt buộc phải mua bảo hiểm hàng hóa. Tuy nhiên, việc mua bảo hiểm là biện pháp an toàn hợp lý giúp giảm thiểu rủi ro cho cả hai bên trong những tình huống không lường trước.
Phó Giám đốc TAT Law Firm Mai Thảo cho biết, khi xảy ra tranh chấp, các bên nên xem xét lại nội dung hợp đồng vận chuyển đã ký kết để xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên trong việc mua bảo hiểm và bảo vệ hàng hóa. Nếu hợp đồng có điều khoản về bảo hiểm, các điều khoản này sẽ được ưu tiên áp dụng. Trong trường hợp không có thỏa thuận bảo hiểm, người vận chuyển phải chịu trách nhiệm nếu không chứng minh được yếu tố bất khả kháng.
Quá trình giải quyết tranh chấp nên được thực hiện thông qua thương lượng, hòa giải trước khi đưa ra tòa án. Đây là phương thức hiệu quả, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và giữ được mối quan hệ hợp tác giữa các bên. Nếu không đạt được thỏa thuận, tòa án sẽ là nơi giải quyết cuối cùng theo các quy định pháp luật hiện hành.
Để giải quyết vụ việc một cách thỏa đáng, luật sư Mai Thảo cho rằng, công ty vận tải cần cung cấp đầy đủ bằng chứng về các biện pháp đã thực hiện để bảo vệ hàng hóa và chứng minh yếu tố bất khả kháng. Đồng thời, cần xem xét liệu có các sai sót trong quá trình vận chuyển hay không, như việc xếp dỡ hàng hóa không đúng cách hoặc không đảm bảo an toàn cho tàu.
Chủ hàng cần kiểm tra lại hợp đồng và nếu có bảo hiểm, họ nên yêu cầu công ty bảo hiểm tham gia vào quá trình giải quyết bồi thường. Nếu hợp đồng không có điều khoản về bảo hiểm, chủ hàng có thể yêu cầu công ty vận tải bồi thường trực tiếp nếu chứng minh được lỗi thuộc về họ.
|
Luật sư Mai Thảo. |
Vụ việc 42 ôtô rơi xuống biển không chỉ là một sự cố hàng hải nghiêm trọng mà còn đặt ra nhiều vấn đề pháp lý phức tạp. Việc chứng minh trách nhiệm của các bên sẽ phụ thuộc vào các bằng chứng về quy trình vận chuyển, yếu tố thời tiết và thỏa thuận hợp đồng. Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp và giải quyết tranh chấp một cách thỏa đáng, các bên nên tìm đến sự tư vấn từ các chuyên gia pháp lý có kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng hải.
TAND huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã yêu cầu Công ty cổ phần Vận tải biển Vinafco (Công ty Vinafco) cung cấp bổ sung một số tài liệu liên quan tới hợp đồng bảo hiểm giữa Công ty Vinafco và Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Công ty Bảo hiểm Bảo Việt); báo cáo giám định của Công ty cổ phần Giám định và Tư vấn Việt (Vietcontrol). Cùng với đó, phía Tòa án cũng đưa Công ty Bảo hiểm Bảo Việt tham gia vụ án với vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
>>>
Mời độc giả xem thêm video Trách nhiệm nhà trường trong vụ bé gái lớp 2 bị cán tử vong: