UBND TPHCM không đồng tình nhiều nội dung mà Thanh tra CP kết luận về 6 dự án BOT tại TPHCM, tờ Tiền Phong thông tin:
Về việc ưu ái cho “ông lớn” CII
Đối với dự án xa lộ Hà Nội, giải trình số tiền hơn 3 tỷ đồng quyết toán chưa đúng quy định, UBND TPHCM cho biết, do không có mặt bằng nên trạm thu phí đường Kinh Dương Vương không có nhà điều hành. Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) phải tiếp tục hợp đồng thuê nhà điều hành mà chủ đầu tư trước đây (Công ty Investco – Thanh niên Xung phong) đã thuê để điều hành trạm thu phí.
|
6 dự án BOT sai phạm hơn 2.100 tỷ đồng tại TPHCM vừa được Thanh tra Chính phủ kết luận. Đồ Hoạ: Ngọc Lâm. |
Phần chi phí thuê nhà điều hành nằm ngoài chi phí quản lý và hoạt động thu phí được khoán 8,8%/doanh thu thu phí theo thỏa thuận. Trong các đợt đi khảo sát, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM cũng đồng tình và đề nghị giải quyết chi phí này cho CII.
Về chênh lệch hàng tỷ đồng tiền duy tu, bảo dưỡng giữa thực tế và khoán, UBND TPHCM cho biết, đã giao khoán chi phí duy tu sửa chữa thường xuyên, chăm sóc cây xanh… là 2% tổng doanh thu thu phí. Nhà đầu tư đã chủ động thực hiện việc này với tổng số tiền trên 45 tỷ đồng, nhằm đảm bảo cho công trình luôn được khai thác, sử dụng tốt nhưng chỉ được quyết toán hơn 39 tỷ đồng. Do vậy, khoản chênh lệch 5 tỷ đồng là tiền UBND TPHCM phải thực hiện theo hợp đồng đã ký với nhà đầu tư.
Cũng theo UBND TPHCM, chi phí nhân công (kết luận thanh tra cho rằng, đã quyết toán tăng sai) là thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng, vì năm 2004 mới có quy định về mức lương tối thiểu chung, chưa có mức lương tối thiểu vùng.
Việc giao CII tiếp tục đầu tư mở rộng xa lộ Hà Nội, UBND TPHCM viện dẫn tình hình cấp bách, việc đầu tư, khai thác của CII đã có tính liên tục nên việc công bố danh mục dự án để mời gọi các nhà đầu tư khác là không cần thiết.
Về dự án cầu Bình Triệu 2, giải thích lý do vì sao giao CII mà không kêu gọi đầu tư, UBND TPHCM cho biết, dự án này là công trình chuyển tiếp, trước đây giao cho Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) thực hiện theo hình thức BOT. Sau này, Thủ tướng có công vănchấp thuận cho TPHCM chấm dứt hợp đồng với Cienco 5 và điều chỉnh dự án theo quy định. CII nhanh chóng ứng trước khoản tiền cho UBND TPHCM hoàn trả kinh phí Cienco 5 đã đầu tư và được phép triển khai thực hiện dịch vụ thu phí hộ để hoàn vốn cho khoản tiền đã ứng trước.
Dự án cầu đường Bình Triệu 2 có hạng mục sửa chữa cầu Bình Triệu 1. Trước tình hình cấp bách cần sớm sửa chữa, nâng cao khả năng khai thác cầu cũ này và qua xem xét tính liên tục trong việc đầu tư, khai thác tuyến đường này trong bối cảnh CII đang triển khai dịch vụ thu phí hộ, UBND TPHCM đã giao CII làm nhà đầu tư của dự án. UBND TPHCM cũng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư danh mục dự án kêu gọi đầu tư với đề nghị cho CII đầu tư. UBND TPHCM cho rằng, phương án đấu thầu là không khả thi do đang điều chỉnh dự án và giải quyết các vấn đề tồn tại.
Đối với việc hào phóng tính mức trượt giá 10%/năm (thay vì 5%), UBND TPHCM cho rằng, việc thống nhất giữa thành phố và CII về mức trượt giá 10%/năm là tích cực, vì chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2008 tăng 22,9%.
Đấu thầu không khả thi
Về xây dựng đường kết nối vào cầu Phú Mỹ. Theo UBND TPHCM, dự án được hình thành từ ba dự án đã được phê duyệt đầu tư từ nguồn vốn ngân sách. Do ngân sách thành phố hạn chế, các dự án cần triển khai, hoàn thành đồng bộ với cầu Phú Mỹ nên TPHCM quyết định chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư sang BT (xây dựng – chuyển giao).
Việc TPHCM không tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước và quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư đàm phán hợp đồng Thanh tra Chính phủ kết luận: vi phạm Nghị định số 78/2007/NĐ-CP. Tuy nhiên, UBND TPHCM lại cho rằng, thành phố không sai.
Cụ thể: TPHCM đã vận dụng chính nghị định này để thực hiện việc chỉ định thầu do dự án cần được thực hiện để đáp ứng nhu cầu cấp bách về sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, đảm bảo tính liên tục trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ mà không thể tiến hành đấu thầu lựa chọn. Việc công bố danh mục dự án là không cần thiết.
Theo trình bày của đại diện UBND TPHCM, tại thời điểm ký hợp đồng BT với nhà đầu tư, Luật Đấu thầu và các văn bản quy phạm pháp luật khác không quy định cụ thể việc lựa chọn nhà thầu xây lắp đối với hợp đồng BT. Nhà đầu tư chỉ định nhà thầu xây lắp là phù hợp quy định.
Tại dự án xây dựng (bổ sung) hai nút giao thông (QL 1 – Tỉnh lộ 10; QL 1 – Tỉnh lộ 10B) và lắp đặt dải phân cách giữa làn xe cơ giới và xe thô sơ trên quốc lộ (QL) 1, đoạn An Sương – An Lạc UBND TPHCM không đăng tải thông tin của dự án theo quy định để các nhà đầu tư biết và tham gia mà thực hiện chỉ định thầu UBND TPHCM cho rằng, hai hạng mục này không phải là một dự án độc lập.
“UBND thành phố đã giao nhà đầu tư thực hiện đầu tư bổ sung 2 nút giao thông trên cơ sở chủ trương được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao quyết định các nội dung liên quan và điều chỉnh hợp đồng BOT”, đại diện UBND TPHCM cho hay.
Về việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án khả thi chưa đầy đủ, thiếu chính xác, tính sai, tăng tổng mức đầu tư (dự phòng cho yếu tố trượt giá là 18 tháng nhưng tính cho 24 tháng) là hơn 11,4 tỷ đồng, theo UBND TPHCM tổng mức đầu tư (bao gồm dự phòng phí) là 705 tỷ đồng của dự án đã được UBND thành phố phê duyệt. Chi phí dự phòng được tính theo tiến độ thực hiện dự án là 24 tháng trong điều kiện bình thường, phù hợp năng lực quản lý, thi công theo mặt
bằng chung.
Theo đại diện UBND TPHCM, kể từ khi công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư với 63 dự án vào năm 2012, sau 5 năm TPHCM mới ký kết được 2 hợp đồng đầu tư dự án trong danh mục (cầu Thủ Thiêm 2 và đường nối từ nút giao Gò Dưa đến QL 1). Điều này, chứng tỏ việc huy động nguồn lực xã hội không phụ thuộc vào việc công bố danh mục mà phụ thuộc vào tính khả thi của dự án, phương án tài chính…
Trong một văn bản gửi Thanh tra Chính phủ, UBND TPHCM đề nghị xem xét kết luận giảm giá trị quyết toán dự án gần 500 tỷ đồng.
Liên quan đến kết luận thanh tra nói trên, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình vừa có ý kiến đồng ý nội dung và kiến nghị của Thanh tra Chính phủ. Riêng kết luận nội dung dự án cần thiết phải đầu tư (dự án cầu Phú Mỹ), UBND TPHCM đã báo cáo sự cần thiết và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.