Trong 3 năm (1987-1990), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã có 31 bài viết đăng trên Báo Nhân Dân trong mục “Những việc cần làm ngay", phê phán các hành vi quan liêu, vô trách nhiệm, lãng phí, hách dịch, tham nhũng, ức hiếp quần chúng, lợi dụng hộ chiếu ngoại giao để buôn lậu... của một số cán bộ có chức có quyền.
Ông phê phán việc ngăn sông cấm chợ, phê phán cơ chế bất hợp lý gây ra những ách tắc trong sản xuất và phân phối lưu thông.
Nhiều địa phương từ Bắc chí Nam, cả cấp ủy cùng bàn, khuyến khích quần chúng góp phần với báo, đài, cho đi kiểm tra kịp thời và phanh phui ra ánh sáng nhiều vụ việc tiêu cực.
“Những việc cần làm ngay” vẫn còn sống mãi
Nhân dịp 25 năm ngày mất của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (27/4/1998-27/4/2023), 2 nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân là nhà báo Hà Đăng và Hồng Vinh chia sẻ về chuyện “hậu trường” 31 bài báo của cố Tổng Bí thư.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Ảnh: TTXVN |
Nhà báo Hà Đăng từng trực tiếp chỉ đạo xuất bản 31 số báo về “Những việc cần làm ngay” khi còn là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân. Cách đây 37 năm, cuối năm 1986, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, ông Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư, ông được coi là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng thời kỳ Đổi mới.
"Khi đó tôi cũng được bầu làm Ủy viên dự khuyết Trung ương và được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân - cũng là Tổng Biên tập báo Đảng đầu tiên thời kỳ Đổi mới”, ông Hà Đăng nhớ lại.
Ông Hà Đăng chia sẻ: “Theo truyền thống của Đảng ta, Tổng Bí thư luôn có sự chăm sóc đặc biệt đối với báo Đảng - Báo Nhân Dân - tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Những người làm Báo Nhân Dân không bao giờ quên hình ảnh đồng chí Nguyễn Văn Linh với tư cách một cộng tác viên đã đích thân mang bài báo đầu tiên dưới bút danh N.V.L. đến tòa soạn, mở ra chuyên mục Những việc cần làm ngay”.
Ông Hà Đăng nhớ lại, bài báo đầu tiên đó nghiêm khắc phê phán những việc làm tiêu cực trong xã hội, từng gây chấn động trong thời kỳ đầu Đổi mới.
|
Nhà báo Hà Đăng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân chia sẻ: “Những việc cần làm ngay” vẫn còn sống mãi với thời gian” |
Về sau, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có nói lại với các nhà văn, nhà báo: “Tôi không phải là một nhà văn nghệ, nhà báo, nhưng 'ngứa ngáy' quá, vừa rồi mới viết ‘Những việc cần làm ngay’. Nhiều người hoan nghênh, hưởng ứng nhưng không phải không có những người cho rằng tôi bôi đen chế độ”… Tổng Bí thư đã chia sẻ rất thật vào thời điểm đó.
Lần khác, khi trả lời một nhà báo nước ngoài hỏi tại sao có lúc cây bút N.V.L. không thấy có bài trên báo, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khi đó nói: “Về những bài báo của N.V.L. chẳng qua cũng như mở máy, nhấn ga cho ô tô chạy. Và cái ô tô đó phải là các nhà báo, là quần chúng…”.
Ông Hà Đăng bày tỏ, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã trả lời rất khiêm tốn và theo ông “Những việc cần làm ngay” đạt được đã vượt qua khuôn khổ những bài báo khi đã nêu lên một phong cách làm việc, phong cách nói đi đôi với làm, đã nói là làm. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi ông Nguyễn Văn Linh là “ông Nói và Làm”.
“Để đáp lại sự chăm lo đặc biệt của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đối với Báo Nhân Dân, báo đã cử Phó Tổng Biên tập - đồng chí Hữu Thọ làm đặc phái viên bên Tổng Bí thư để vừa giúp việc, vừa nắm bắt được những ý kiến và sự chỉ dẫn của ông đối với tờ báo”, nguyên Tổng Biên tập Hà Đăng kể lại.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc báo Nhân Dân. Ảnh: Tư liệu |
Bản thân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cũng nhiều lần đến thăm Báo Nhân Dân, chính thức và không chính thức khi có những chủ trương mới cần tuyên truyền hay có vấn đề mới nảy sinh mà “báo Đảng cần có thái độ”. Tổng Bí thư cũng trực tiếp duyệt măng-sét sửa đổi của Báo Nhân Dân, đến dự và phát biểu ý kiến tại buổi lễ kỷ niệm lần thứ 40 Báo Nhân Dân ra số đầu (11/3/1991).
“Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh mất vào ngày 27/4/1998, thọ 83 tuổi. Sự ra đi của ông đã để lại cho Đảng, Nhà nước và nhân dân biết bao tiếc thương. Nhưng sự nghiệp đồ sộ của đồng chí, trong đó có “Những việc cần làm ngay” vẫn còn sống mãi với thời gian”, ông Hà Đăng đúc kết.
Kiên định bảo vệ cái đúng, đấu tranh, ngăn chặn những cái sai
Nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Hồng Vinh nhớ lại, bài báo đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gửi đến Báo Nhân Dân khi ông đang giữ chức Ủy viên Ban Biên tập. Sau khi đăng trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay”, giới báo chí cả nước rất phấn chấn, bởi trong các bài viết có rất nhiều tư liệu được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh dẫn ra từ các báo như Đại Đoàn kết, Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới.
“Với những thông tin trích ra từ các báo, Tổng Bí thư đều đề nghị các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, qua kiểm tra thì các cơ quan báo cáo đều đúng, và tiến hành xử lý bước đầu. Từ chuyên mục ‘Những việc cần làm ngay’ đã nâng vị thế của báo chí, khi Tổng Bí thư đã tin cậy báo chí”, ông Hồng Vinh chia sẻ.
Ở trụ sở Báo Nhân Dân khi xưa, gần cổng có mở một bảng tin dán hết các trang báo đó lên, thu hút rất đông nhân dân đến đọc, ngay cả trong khuôn viên báo cũng có những nhóm phóng viên cùng nhau đọc và bàn luận.
“Những bài viết ký tên N.V.L. đã đem lại sức sống mới cho người làm báo”, nhà báo Hồng Vinh nhấn mạnh.
|
Theo Nhà báo Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, những bài viết ký tên N.V.L. đã đem lại sức sống mới cho người làm báo. |
Ông Hồng Vinh từng có thời gian học cùng ông Trần Tình (nguyên thư ký của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) ở trường Nguyễn Ái Quốc. Nhà báo Hồng Vinh đã được ông Tình bật mí nhiều chuyện “bếp núc” khi Tổng Bí thư viết “Những điều cần làm ngay”.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh rất tôn trọng đội ngũ giúp việc của mình, với mỗi bài báo, dù lớn hay nhỏ, ông đều gửi lại từng người trong nhóm xem và góp ý kiến. Tổng Bí thư dặn nhóm giúp việc, “đây là việc rất mới mẻ với báo chí, cần theo dõi dư luận xã hội, dư luận trong nội bộ Đảng đánh giá như thế nào, cần mạnh dạn phát biểu về những gì chưa đúng, thậm chí có thể đề xuất sửa để tiếp thu".
Ông Hồng Vinh kể lại một bài báo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết “phê phán việc vọng ngoại khi nhập từng cái hộp tăm, chai dầu gội, hộp xà phòng… mà không tôn trọng hàng sản xuất trong nước lúc đó”. Bài bào đó kết luận một câu: “Ta về ta tắm ao ta/Dù trong, dù đục ao nhà vẫn hơn”.
“Khi đó mấy anh em đọc bản thảo đã góp ý với Tổng Bí thư nên cân nhắc câu cuối này, bởi nếu nói về nghĩa bóng thì ao nhà dù đục, dù trong vẫn là Tổ quốc, đất mẹ thì ta vẫn tự hào. Nhưng nghĩa đen đang nói một việc cụ thể thì không nên chọn ao đục để tắm mà phải chọn ao nước trong”, ông Vinh kể lại.
Cuối cùng câu đó được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tiếp thu và sửa lại: “Ta về ta tắm ao ta/Khơi trong, gạn đục ao nhà vẫn hơn”.
Sau một thời gian mục “Những việc cần làm ngay” được đăng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có đề nghị nhóm giúp việc tổng hợp các ý kiến khen chê để rút kinh nghiệm.
Ông Hồng Vinh nhớ lại: “Nhìn chung dư luận rất hoan nghênh và đồng tình khi đề cập trực diện vào những thói xa hoa, hối lộ, tham ô, tham nhũng trong xã hội. Trong đó có một ý kiến bằng thư góp ý, người đứng đầu có nên viết vấn đề quá cụ thể như thế không, hay chỉ nên gợi ý, định hướng cho báo chí làm. Và cũng có ý kiến cho rằng, khi Tổng Bí thư đã viết trên báo Đảng – cơ quan lớn nhất của báo chí Việt Nam thì phải tính xem tác dụng với những vụ việc nêu lên có tác dụng hay không.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm cánh đồng lúa HTX Hải Vân, huyện Hải Hậu, tỉnh Hà Nam Ninh tháng 5/1988. Ảnh: TTXVN |
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh sau khi nghe các ý kiến đã rất đăm chiêu và kết luận rằng, chúng ta đã có nghị quyết Trung ương VI lần 2 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng khi coi việc chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, xa hoa là nhiệm vụ cấp bách. Chúng ta nếu chỉ nói cái chung mà không đi vào những vấn đề cụ thể thì không có sức thuyết phục… Tổng Bí thư khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng những ai có chung quan điểm, tư tưởng chống tham nhũng, tiêu cực”.
Nhà báo Hồng Vinh cho rằng, những ý kiến, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là lời nhắc nhở phải kiên định thực hiện đường lối của Đảng, kiên định bảo vệ Đảng, kiên định bảo vệ cái đúng, đấu tranh, ngăn chặn những cái sai.