Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986), ông Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư - đây là Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ đổi mới.
Khi sớm thấy những căn bệnh tham nhũng, lãng phí, quan liêu cản trở công cuộc Đổi mới và ẩn chứa nhiều nguy cơ, có thể trở thành “quốc nạn”, là lực cản đối với sự nghiệp phát triển đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã công khai trước công luận “Những việc cần làm ngay” với 31 bài báo từ số đầu tiên ngày 25/5/1987 đến số cuối cùng ngày 28/9/1990 trên báo Nhân Dân.
Bằng một loạt bài báo với bút danh N.V.L trong mục “Những việc cần làm ngay”, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã tạo ra một luồng sinh khí mới trong xã hội: Dân chủ, công khai, nói thẳng, nói thật, đấu tranh chống tiêu cực, làm trong sạch bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước; khuyến khích báo chí tham gia tích cực, mạnh mẽ trên mặt trận chống tiêu cực. Không chỉ được dư luận nhân dân trong nước quan tâm, "Những việc cần làm ngay" của tác giả N.V.L đã có tiếng vang và nhận được sự quan tâm của bạn bè thế giới.
Cách đây 36 năm, nhà báo lão thành Hà Đăng, khi đó là Tổng Biên tập báo Nhân Dân, ông cũng là người trực tiếp chỉ đạo xuất bản 31 bài viết của tác giả N.V.L., không khỏi bồi hồi khi nhớ lại không khí đổi mới, thẳng thắn khi đó.
Nhà báo Hà Đăng khẳng định, những người làm Báo Nhân Dân không bao giờ quên hình ảnh đồng chí Nguyễn Văn Linh trong tư cách một cộng tác viên đã đích thân mang bài báo đầu tiên dưới bút danh N.V.L. đến tòa soạn, mở ra chuyên mục “Những việc cần làm ngay”, nghiêm khắc phê phán những việc làm tiêu cực trong xã hội, từng gây chấn động trong thời kỳ đầu đổi mới.
“Về sau, đồng chí nói lại với các nhà văn, nhà báo: “Tôi không phải nhà văn nghệ, nhà báo, nhưng "ngứa ngáy" quá vừa rồi mới viết Những việc cần làm ngay. Nhiều người hoan nghênh, hưởng ứng nhưng không phải không có những người cho rằng tôi “bôi đen chế độ”… Trả lời một nhà báo nước ngoài hỏi tại sao có lúc N.V.L. không thấy có bài trên báo, đồng chí nói: “Vì những bài báo của N.V.L. chẳng qua cũng như mở máy, nhấn ga cho ô tô chạy. Và cái ô tô đó phải là các nhà báo, là quần chúng… Rồi ra lần lần cũng sẽ có một số bài khác của N.V.L, lần lần cũng phải nhấn ga để cho ô tô chạy với tốc độ nhanh hơn”, nhà báo Hà Đăng nhớ lại.
Theo nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, điều mà “Những việc cần làm ngay” đạt được đã vượt qua kích cỡ những bài báo khi đã nêu lên một phong cách làm việc, phong cách nói đi đôi với làm, đã nói là làm. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi Nguyễn Văn Linh là… “ông Nói và Làm”.
Mang đến sức sống mới cho những người làm báo
Nhớ lại những kỷ niệm về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nhà báo lão thành Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho biết, sau khi đăng những bài đầu tiên trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay”, giới báo chí cả nước rất phấn chấn, bởi trong các bài viết có rất nhiều tư liệu mà người đứng đầu Đảng khóa VI dẫn ra từ các báo.
Với những thông tin trích ra từ các báo, Tổng Bí thư đều đề nghị các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, và qua kiểm tra, các cơ quan báo cáo đều là đúng, đã được xử lý bước đầu.
“Có thể nói, chuyên mục “Những việc cần làm ngay” đã nâng vị thế của báo chí và Tổng Bí thư cũng rất tin cậy báo chí. Những bài viết ký tên N.V.L đã đem đến sự phấn chấn mới, sức sống mới cho những người làm báo”, nhà báo Hồng Vinh nhấn mạnh.
Cũng theo nhà báo Hồng Vinh, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là người rất khiêm tốn, cầu thị, biết lắng nghe. Ông rất tôn trọng đội ngũ giúp việc của mình. Với mỗi bài báo, dù lớn hay nhỏ, ông đều gửi lại cho từng người trong nhóm xem và góp ý kiến. Đặc biệt, với các bài viết trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay”, ông dặn dò nhóm giúp việc: “Đây là việc rất mới mẻ đối với báo chí”, do đó cần theo dõi dư luận xã hội, dư luận trong nội bộ Đảng đánh giá vấn đề này như thế nào. Ông cũng dặn các thành viên trong nhóm giúp việc mạnh dạn phát biểu về những gì chưa đúng, thậm chí có thể đề xuất sửa để ông tiếp thu.
“Sau một năm đăng “Những việc cần làm ngay”, Tổng Bí thư đề nghị nhóm giúp việc tổng hợp ý kiến dư luận, của cả lãnh đạo và xã hội, từ đó rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng. Dư luận xã hội thời điểm đó rất hoan nghênh những bài viết của tác giả N.V. L khi đã đề cập trực diện những thói xa hoa, hối lộ, tham ô, tham nhũng, quan liêu của xã hội”, nhà báo Hồng Vinh nhớ lại.
Theo ông Hồng Vinh, tác giả N.V.L từng khẳng định sẽ kiên trì, đồng hành cùng những người có chung quan điểm thấy rằng “Những việc cần làm ngay” là cần thiết, cấp bách, đồng hành với những ai có tư tưởng chống tham nhũng, tiêu cực.
Ôn lại những câu chuyện và bài học quý về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, theo nhà báo Hồng Vinh cũng chính là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau phải kiên định thực hiện đường lối của Đảng, kiên định bảo vệ Đảng, bảo vệ cái đúng, đấu tranh, ngăn chặn những cái sai.
Nhìn nhận 31 bài báo của tác giả N.V.L, Tổng Biên tập Báo Hà Nội Mới Nguyễn Minh Đức cho biết, những bài báo này đã tạo ra một không khí chính trị đổi mới, rất thẳng thắn, lan tỏa trên phạm vi cả nước thời kỳ đó. Không khí chính trị ấy là tinh thần cơ bản để thực hiện thành công công cuộc đổi mới, giúp người trẻ vững tin hơn vào Đảng để vượt qua những thời điểm rất khó khăn của đất nước.
“Các bài báo của tác giả N.V.L đấu tranh trực diện, phê phán cụ thể, đồng thời lý giải rõ ràng, đề ra giải pháp trước các hiện tượng tiêu cực, sai trái cũng như thông tin về kết quả giải quyết. Vì thế, những người làm báo hôm nay phải soi vào, học tập những bài báo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh để rèn luyện bản lĩnh người làm báo”, nhà báo Nguyễn Minh Đức cho biết.
Theo Tổng Biên tập Báo Hà Nội Mới, khi nói về báo giới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có quan điểm rất rõ ràng: Nhà báo phải bản lĩnh, dám nói thẳng, nói thật, phong cách phải gọn gàng, dễ hiểu. Báo chí phải là diễn đàn của mọi tầng lớp nhân dân, phải có chuyên mục phản ánh được ý của dân, đề đạt nguyện vọng của dân. Cùng với đó, tấm lòng của nhà báo phải trong trắng, tha thiết và hăng say, đồng thời phải cương trực, yêu người làm đúng, ghét bọn làm xấu, làm sai.
“Quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói về những người làm báo rất rõ ràng. Thời gian qua, đa số những người làm báo đã học tập, phấn đấu theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh và những tiền bối đi trước để thực hiện sứ mệnh của mình”, nhà báo Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.