Tộc người 'bí ẩn nhất thế giới', chuyện chưa kể

Google News

Những năm 1958 - 1959, trong chuyến tuần tra biên giới, một tổ Công an vũ trang Cà Xèng (nay là Biên phòng) phát hiện một nhóm “người rừng”, thoắt ẩn, thoắt hiện giữa hệ núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng, gần biên giới Việt - Lào, thuộc địa phận Quảng Bình. Họ sinh sống trong các hang đá, mái đá, lấy vỏ cây làm khố, săn bắt, hái lượm để sinh sống qua ngày - đó là tộc người Rục.

“Người tiền sử” còn sót lại
Việc tình cờ phát hiện một tộc người “lạ” giữa Phong Nha - Kẻ Bàng lúc ấy của tổ tuần tra Công an vũ trang trở thành mối quan tâm đặc biệt không chỉ của chính quyền sở tại mà cả các nhà khoa học.
Chiến dịch tiếp cận, vận động tộc người “lạ” hòa nhập cộng đồng với đầy đủ ban ngành đã được chính quyền tỉnh Quảng Bình ngày đó triển khai nhanh chóng.
Toc nguoi 'bi an nhat the gioi', chuyen chua ke
Khi chưa được phát hiện, người Rục sống trong hang đá giữa mênh mông núi đá của đại ngàn Trường Sơn. 
Theo các ghi chép còn sót lại: Tộc người Rục lúc đó có 34 người, gồm 11 nam, 23 nữ, 4 em nhỏ và một già làng tên Vịp. Mặc dù chỉ chừng ấy con người, nhưng người Rục lại chia thành nhiều nhóm nhỏ, sống rải rác trong các hang đá, rèm đá, có nhóm cách nhau cả vài ngày đường. Đàn ông Rục vai đeo ống tên, tay cầm nỏ, đàn bà lưng đeo gùi, tóc dài búi lệch một bên, cứ thế lang thang trong rừng, đời này qua đời khác. Họ rất nhút nhát, ít nói, ngôn ngữ đơn giản, dùng tiếng hú để gọi nhau khi cần thiết, gặp người lạ là bỏ chạy hoặc lảng tránh. Người Rục chưa có ý niệm về ngày tháng, về thời gian, nên không ai biết tính tuổi của mình.
Những con người ấy kiếm sống chủ yếu bằng săn bắt, hái lượm. Nguồn hái lượm là thu nhặt các loại hoa quả và thú nhỏ trong rừng để làm thức ăn. “Cơm” của người Rục là bột của cây báng. “Khi gặp được loài cây này, người Rục đẵn lấy từng khúc rồi ngâm xuống dưới suối, sau đó vớt lên, bổ và cắt ra từng miếng nhỏ rồi bỏ vào cối để giã. Họ giã những miếng cây ấy cho đến khi nào có được một ít bột thì dùng bột ấy nấu ăn, giống như một loại bánh đúc mà người xưa vẫn nấu. Ngoài những thứ hái lượm ấy ra, họ còn vào rừng săn bắn thú. Loài thú mà người Rục bắt được thường là khỉ, sau đó là lợn rừng. Nghề săn bắt, hái lượm trở thành nguồn sống chính của họ và do vậy, nhà nghiên cứu người Pháp Gioc - giơ Bu - Darel gọi họ là “những người ăn khỉ và ăn cây” khi vào năm 1962, ông lên vùng đất này để nghiên cứu” - nhà nghiên cứu Trần Trí Dõi viết trong cuốn “Thực trạng kinh tế và văn hóa của 3 nhóm tộc người đang có nguy cơ bị biến mất”.
Người Rục vốn thích sống trong hang đá, nhưng thi thoảng cũng có một số gia đình lại dựng lều lợp bằng lá chuối, ít ngày sau lá úa vàng, lại bỏ đi nơi khác. Họ không ưa đổi chác, không muốn giao tiếp, làm quen với bất kỳ người lạ nào. Rồi họ dùng vỏ cây để đóng khố cho đàn ông, đắp váy cho đàn bà.
Định danh cho “người em út”
Theo các nhà nghiên cứu, thì người Rục vốn không có tộc danh, không có họ, nhưng ngôn ngữ và văn hóa lại có phần tương đồng với tộc người Sách, một tộc người cũng sống ở vùng núi giáp biên giới Việt - Lào thuộc huyện Minh Hóa (Quảng Bình).
Nhà nghiên cứu văn hóa các tộc người ở Quảng Bình, ông Đinh Thanh Dự cho rằng: Người Rục không phải chỉ được phát hiện lần đầu tiên vào những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, mà các tộc người bản địa đã biết về người Rục từ rất lâu, trong đó tộc người Sách rất gần gũi với người Rục. Trước năm 1945, cha ông là Đinh Cường và chú ruột của ông là Đinh Hương khi đi rừng, đến Báng Xang, Bó Rọ (huyện Minh Hóa) thì gặp người Rục. Nhưng bà con lảng tránh, không muốn tới gần. Dù vậy, hai cụ vẫn nói chuyện với họ bằng tiếng Sách, tiếng Nguồn, dù không hiểu được mấy. Chính vì thế, ông đã ao ước đến một lần được gặp họ, vậy mà phải ba mươi năm sau, ao ước ấy mới được thực hiện.
Nếu tính về tuổi xã hội, trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Rục (Thượng Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình) được ví như người em út. Họ được Đảng, Nhà nước “chăm sóc” nhiều hơn trong quá trình hòa nhập cộng đồng. Đến nay, người Rục đã rời hang đá hơn 60 năm nhưng vẫn còn lắm gian truân để họ có thể hòa nhập cộng đồng.
Toc nguoi 'bi an nhat the gioi', chuyen chua ke-Hinh-2
Người Rục lấy săn bắt, hái lượm để sinh sống qua ngày. 
Theo nhà nghiên cứu Trần Trí Dõi, người đã nhiều lần đến vùng đất định cư của người Rục sau khi rời hang đá, tên Rục của tộc người Rục là do chính người Sách đặt cho họ. “Cái tên Rục mà chúng ta biết đến là do người Sách gọi để chỉ nhóm người khác với nhóm người của mình, mang tính địa phương rõ nét… Sự phân biệt ấy chính là căn cứ vào đặc điểm nơi cư trú. Nhưng nơi người Rục sinh sống thường là những vùng núi đá vôi điển hình. Nơi đây thường có những con suối chui xuống lòng đất và đương nhiên có những nơi nước trồi lên từ lòng đất đá. Trong ngôn ngữ của họ, những nơi, những chỗ nước chui xuống hay trồi lên ấy là những rúk đák (núi đá). Những người được người Sách gọi là Rục ấy là những người thường sống ở nơi có nước trồi lên như vậy. Do đó có thể hiểu cách gọi là người Rục là để chỉ người sống ở rục nước phân biệt với người Sách là những người ở thành bản, thành làng. Khi gọi như vậy, trong ý thức của người Sách có sự phân biệt ngấm ngầm theo hướng không xem họ “ngang hàng” với mình” - Trần Trí Dõi.
Năm 1960, sau khi được vận động rời hang đá về định cư ở thung lũng Cu Nhái, người Rục được các nhà dân tộc học ghép vào nhóm dân tộc Chứt và lấy họ Cao làm họ của mình. Nhà nghiên cứu Trần Trí Dõi: “Trong danh mục chính thức của Nhà nước thể hiện ở Quyết định số 121 - TCTK của Tổng cục Thống kê ngày 2/3/1979, nhóm người này có tên chính thức là dân tộc Chứt. Tên gọi này là tên gọi mà một số nhà nghiên cứu mới đặt cho họ. Theo những tài liệu hiện có, tên gọi này chỉ mới có từ năm 1973, khi người ta tiến hành khảo sát để xác định thành phần các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam. Các tác giả này giải thích rằng, các tộc người có tên gọi là Mày, Rục, Sách tự nhận mình là người Chứt với nghĩa là “những người sống ở núi đá”. Từ việc xác định như vậy, các nhà nghiên cứu này gọi chung cả ba nhóm ấy là người Chứt. Và tên gọi này trở thành tên gọi chính thức khi Tổng cục Thống kê công bố Quyết định 121, gộp chung cả ba nhóm này với người A Rem và Mã Liềng thành một “dân tộc” thống nhất…”.
Về họ của người Rục, nhà nghiên cứu Trần Trí Dõi nhận định: “Với họ Cao của người Rục, rõ ràng chúng ta chỉ thấy tác động của người Sách họ Cao đến người Rục mà thôi. Hay nói một cách khác, giữa người Rục và người Sách có một mối quan hệ đặc biệt khiến cho việc lấy họ tương đối thuần nhất trong nhóm Rục”.
Theo H.Nam/TP

>> xem thêm

Bình luận(0)