Chấp nhận bị thiệt hại kinh tế
Những ngày tháng 6, 7, 8, hàng chục địa phương phải giãn cách xã hội ở mức cao nhất, trong đó có những trung tâm sản xuất lớn như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội,... Hơn 10.000 ca nhiễm mỗi ngày đã gây áp lực lớn lên hệ thống y tế, sức khỏe người dân, áp lực cho hoạt động sản xuất, sinh kế người dân bị ảnh hưởng.
Giãn cách xã hội khiến kinh tế bị thiệt hại nặng nề, sản xuất kinh doanh đình trệ. Đơn cử tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP.HCM, “tâm dịch” Covid-19 của cả nước và cũng là địa phương bị thiệt hại nhất, số liệu của Ban quản lý Khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM cho thấy, chỉ còn 637 dự án đủ điều kiện hoạt động (tỷ lệ 45,11%) với 53.254 người lao động “3 tại chỗ”/288.161 người lao động (chiếm tỷ lệ 18,48%). 775 dự án tạm dừng hoạt động sản xuất (tỷ lệ 54,89%).
|
Người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề vì giãn cách
|
Về kim ngạch xuất khẩu, với 637 dự án hoạt động, công suất của doanh nghiệp chỉ đạt trung bình từ 30-40% đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt sản xuất, trong đó có hoạt động xuất khẩu. Lũy kế kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm chỉ là 3,586 tỷ USD, đạt 100,9% so với cùng kỳ.
So với tháng 6, thì kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp giảm đáng kể (KCX Tân Thuận, kim ngạch xuất khẩu tháng 6/2021 đạt 203,576 triệu USD; tháng 7/2021 đạt 111,485 triệu USD, giảm 45,24% so với tháng 6).
Trên bình diện cả nước, số liệu của Tổng cục Thống kê công bố vừa qua chứng tỏ nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề thế nào.
Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo kinh tế tháng 9 cũng đánh giá: Việc phải kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại nghiêm ngặt nhằm kiềm chế dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất công nghiệp bị gián đoạn và tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực (giảm trên 30% so cùng kỳ năm trước).
Tuy nhiên, giãn cách xã hội ở mức cao nhất khi dịch bệnh bùng phát là chủ trương đúng đắn, giúp dịch bệnh dần được kiểm soát. Nếu không làm vậy, hệ thống y tế vốn mỏng manh của Việt Nam sẽ không thể chịu nổi thêm, số người thiệt mạng vì dịch bệnh sẽ lớn hơn nhiều con số trên 15.000. Kéo theo đó là sự sụp đổ của nền sản xuất, của kinh tế. Như vậy, nếu không giãn cách, cả y tế và kinh tế đều kéo nhau “lâm nguy”.
Nhìn Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và cả Hà Nội vẫn duy trì được sản xuất trong khi đại dịch hoành hành ở phía Nam cho thấy giãn cách đúng lúc là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ kinh tế và sinh kế người dân. WB cũng nhận xét về chỉ số sản xuất công nghiệp như sau: Thực tế, có sự khác nhau giữa các vùng miền, trong đó các trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo lớn ở miền Bắc vẫn tăng trưởng hai con số, trái ngược với sự sút giảm sản lượng mạnh ở các tỉnh miền Nam, nơi các nhà máy bị đóng cửa.
Đã thấy ánh sáng
Việc “hy sinh” sản xuất kinh doanh tại một số tỉnh thành đã được đền đáp bằng việc tình hình được kiểm soát. Những "vùng đỏ" bắt đầu “xanh hóa" trở lại, biến thành vùng xanh, nhiều tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ rục rịch những kế hoạch tái thiết sau dịch bệnh.
Ngân hàng Thế giới cho rằng: Quá trình phục hồi kinh tế năm 2021 sẽ phụ thuộc vào khả năng Chính phủ có thể kiểm soát đợt dịch này một cách hiệu quả trong tháng 9, để các hoạt động kinh tế có thể phục hồi vào quý IV. Chiến dịch tiêm vắc-xin là ưu tiên cấp thiết. Để thúc đẩy nền kinh tế, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ các hộ gia đình giúp phục hồi tiêu dùng tư nhân, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ.
|
Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, từ quý IV chuyển sang trạng thái bình thường mới
|
Tại Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt trong tháng 9, từ quý IV chuyển sang trạng thái bình thường mới, dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2021 có khả năng đạt 3,5-4%.
Dự báo này tương đồng với kịch bản được Viện Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra vào cuối tháng 7 và thấp hơn mục tiêu 6,5% trong năm nay. Nếu GDP đạt mức tăng trưởng 3,5-4%, đây sẽ là năm thứ hai Việt Nam không hoàn thành kế hoạch tăng trưởng GDP. Năm 2020, GDP tăng trưởng 2,92% do chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Chí Dũng cho hay, nhằm thúc đẩy tăng trưởng những tháng cuối năm nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là các địa phương tập trung thực hiện tốt phòng chống dịch, không để bùng phát trở lại.
"Kết quả tổng thể của nền kinh tế năm 2021 sẽ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng Chính phủ có thể kiểm soát đợt dịch đang diễn ra một cách hiệu quả trong tháng 9, để các hoạt động kinh tế có thể quay lại trong quý IV. Ưu tiên đặt ra là đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc xin để bao phủ ít nhất 70% dân số trưởng thành", Ngân hàng Thế giới khuyến nghị.
Như vậy, các biện pháp mở cửa dần nền kinh tế, mà các địa phương đang xây dựng, cần phải tiến hành thận trọng và xem xét kĩ đến tiến độ tiêm vắc xin. Bởi đến lúc này, chỉ có vắc xin mới là giải pháp căn cơ nhất để tiến tới “bình thường mới”, giúp giảm số ca bệnh và người tử vong. Mọi sự vội vàng và lơ là chủ quan sẽ khiến tình hình lại vượt tầm kiểm soát.