Mới đây, vụ việc người dân bắt được con rắn hổ mang khổng lồ dài 2m, nặng tới gần 20kg ở thôn Đồng Câu, xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã khiến nhiều người lo sợ.
Bắt được rắn nặng gần 20kg
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh người dân dùng kích điện đánh cá để vây bắt một con rắn “khổng lồ” ở xã Ngọc Thanh. Theo hình ảnh từ clip, con rắn này có các vằn trắng, thân to như bắp đùi của người lớn. Nhiều người đã lao vào hỗ trợ bắt con rắn này. Một người dùng nước giội vào thân rắn, người khác dùng kích điện gí vào để nó tê liệt. Ít phút sau, con rắn yếu sức, nhóm người này mới kéo được nó ra khỏi gầm tấm sắt của xưởng gỗ. Khi nhìn thấy cả thân hình dài thườn thượt của con rắn, nhiều người sợ hãi bỏ chạy. Theo người đăng tải clip, con rắn này nặng 20kg và dài tới hơn 2m.
|
Người dân bắt được rắn "khủng" ở Vĩnh Phúc. |
Trao đổi với báo Người Đưa Tin, đại diện Công an xã Ngọc Thanh cho biết, xã đã biết tới sự việc người dân bắt được con rắn khổng lồ ngày 11/12, tại khu vực xưởng gỗ. Đây là khu vực có một số hộ nuôi rắn. Con rắn khổng lồ có thể là rắn nuôi do người dân tự thả ra sau đó được nhóm người dùng kích điện bắt được. “Hiện chúng tôi vẫn đang tiến hành xác minh, làm rõ việc người dân bắt được con rắn này”, đại diện công an xã cho biết.
Nhiều người trong vùng tỏ ra lo sợ nếu không may gặp phải một con rắn khổng lồ tương tự con vừa bị bắt. Đó cũng là tâm lý chung của những người dân xung quanh những hộ làm nghề nuôi rắn độc.
Một luồng thông tin khác cho rằng, con rắn đó của một người đàn bà tên Vũ Thị H. sống ở gần đó nuôi rồi thả ra nhằm đe doạ và “lấy le, lấy số” người dân xung quanh.
Bà H. là “nhà ngoại cảm rởm” đã từng bị đưa lên sóng truyền hình vì những trò buôn thần bán thánh. Công an Vĩnh Phúc cũng đã có những tư liệu đưa lên báo chí để người dân cảnh giác.
Nuôi rắn-nghề làm bạn cùng “thần chết”
Cho tới thời điểm hiện tại, người ta vẫn chưa thể khẳng định được con rắn khổng lồ trên là rắn nuôi hay rắn hoang dã. Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực này khẳng định đó là rắn hổ vô cùng quý hiếm và độc. 1mg chất độc của con rắn này có thể giết chết 160 người trưởng thành.
Những người nuôi rắn nhìn thấy hình ảnh con rắn này cũng phải khiếp sợ. Nếu ai nuôi được con rắn “khủng” tới vậy thì cũng phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm, thậm chí, làm bạn với thần chết.
Ông Nguyễn Văn H. (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), người đã hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc nuôi rắn độc tiết lộ, đây là một nghề mang lại thu nhập cao nhưng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm chết người.
Gia đình ông H. nuôi chủ yếu là rắn độc như hổ mang chúa, hổ trâu... Tuy nhiên, để nuôi được những loại rắn này không hề đơn giản. Khu nuôi rắn phải tách biệt với nơi ở của gia đình và phải xây chuồng bằng gạch cố định, có rào dây thép chắc chắn.
“Muốn nuôi rắn, chúng tôi phải có giấy cấp phép của bên kiểm lâm. Khi chi cục Kiểm lâm đến kiểm tra, thấy đạt yêu cầu và an toàn thì hộ gia đình mới được phép nuôi. Mỗi con rắn sẽ được nuôi trong một chiếc chuồng xây bằng gạch, xung quanh là dây thép, chỉ có đúng một chiếc cửa nhỏ để dọn chuồng và cho rắn ăn… Mỗi lần cho chúng ăn hay dọn chuồng xong, người nuôi phải nhanh tay khóa thật chặt, nếu không rắn sẽ “tìm” đường mà ra”, ông H. chia sẻ.
Rắn thở phì phì dưới gầm giường
Người nuôi rắn không mang rắn từ tự nhiên về nuôi mà thường mua trứng rắn về để nở ra rồi mới nuôi. Thức ăn của rắn là ếch, cóc… Người nuôi phải đi mua những loại thức ăn này.
Khi mua về, họ phải mổ bỏ nội tạng, nhất là mật cóc rồi mới cho rắn ăn. Ngoài ra, sức đề kháng của rắn nuôi không cao nên người nuôi phải tìm cách bổ sung để rắn sống khỏe và tăng cân tốt. Họ phải thêm vitamin và khoáng chất cho rắn bằng cách nhét vitamin B1, B6, B12 vào trong bụng ếch, cóc để cho rắn ăn. Thường thì mỗi lứa rắn được nuôi trong khoảng thời gian từ 3 đến 4 tháng.
Cũng theo ông H. nghề nuôi rắn này rất nguy hiểm, nhiều người như “cược” tính mạng của mình với con vật này.
Dù được nhốt trong chuồng kín nhưng chỉ cần một kẽ hở là rắn có thể “thoát thân”.
“Khi tiếp xúc với rắn, người nuôi phải có găng tay bảo hộ nhưng nhiều người thường không đeo găng tay vì vướng víu. Chính vì thế, không ít người đã gặp nguy hiểm.
Chính bản thân tôi, cách đây không lâu, tôi có dọn chuồng rắn. Vì không có găng tay bảo hộ nên tôi đã bị con rắn hổ mang hơn 2kg trong chuồng lao ra cắn nhẹ vào một đốt ngón tay. May gia đình tôi đã nhanh chóng xử lý và cho uống thuốc giải độc rồi đưa tới bệnh viện cấp cứu. Thế nhưng, tôi vẫn bị tháo một đốt ngón tay đó đi. Không chỉ có tôi, mà nhiều người cũng đã bị rắn “hôn nhẹ” vào tay khi chăm sóc chúng. Nhiều người đã bị thương, bị mất một phần cơ thể”, ông H. kể.
Dù có chuồng trại chắc chắn nhưng ông H. cũng thú thật, công việc này khá nguy hiểm với người dân trong vùng và với cả chính người nuôi. Không ít lần ông “thót tim” với con “vật nuôi” có nọc độc chết người này. Ông vẫn còn nhớ như in lần con rắn hổ mang trốn ra khỏi chuồng. Hôm đó, cả nhà đi tìm khắp các bụi rậm trong thôn xóm mà không thấy nên đành quay về tay không.
“Hôm đó, tầm 2h sáng, con gái tôi choàng tỉnh dậy khi dưới gầm giường có tiếng thở mạnh. Sau đó, con gái tôi lấy đèn pin soi thì thấy con rắn hổ mang đang tìm đường bò lên giường, hoảng quá nó kêu thất thanh.
Vợ chồng tôi bật dậy, bắt con gái tôi ngồi im và tôi nhanh tay vớ lấy bộ đồ nghề ra để bắt rắn thả vào chuồng. Dù có cẩn thận đến mấy nhưng đôi khi những vẫn gặp những trường hợp như thế”, ông H. nói.
Ông H. cho biết thêm, một lần, có người buôn rắn tới lấy hàng. Thấy con rắn hổ trâu nặng hơn 3kg nằm quấn tròn hiền lành. Ai đi qua đi lại nó cũng không đả động, mắt không mở ra nhìn. Tiếp xúc với rắn mấy chục năm trời, người lái buôn hứng lên, muốn biểu diễn. Người này cho con rắn hổ lên quấn quanh cổ như các nghệ sĩ trên ti vi. Nhưng không may, người này chạm vào đuôi- bộ phận nhạy cảm nhất trên thân con rắn. Con rắn này liền siết chặt cổ khiến người đàn ông to khỏe nặng hơn 70kg nằm vật ra đất.
Người nhà ông H. vội vã tới đập chết con rắn và gỡ ông này thoát khỏi vòng siết chắc nịch. Một lúc sau, người đàn ông mới dần hồi tỉnh và được đưa tới cơ sở y tế để cứu chữa. “Đây là “nghề nguy hiểm” và không ít người đã phải trả giá đắt nhưng chúng tôi vẫn phải “làm bạn với rắn” vì miếng cơm manh áo”, ông H. cho hay.