Những phao cứu sinh này không bị mất cắp mà chúng tôi tạm thu lại để làm việc với nhóm tình nguyện. Họ chủ động treo phao lên cầu mà chưa làm việc và chưa có sự thống nhất với đơn vị quản lý. Việc thu này diễn ra ngay sau khi nhóm tình nguyện lắp đặt hôm 15/5", bà Thủy thông tin với phóng viên Dân trí chiều 19/5.
Theo bà Thủy, đơn vị hoàn toàn ủng hộ hoạt động treo phao cứu sinh trên cầu với hi vọng giúp đỡ các nạn nhân đuối nước. Tuy nhiên, nhóm tình nguyện cần làm việc với ban quản lý hay chính quyền địa phương trước khi thực hiện.
"Sau khi thu những chiếc phao cứu sinh, chúng tôi đã mời trưởng nhóm tình nguyện lên làm việc, tuy nhiên người này bận công tác nên lại hẹn vào đầu tuần tới", bà Thủy nói thêm.
|
Đại diện đơn vị quản lý cầu Chương Dương, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy cho biết, số phao cứu sinh trên các cây cầu này không phải bị lấy mất mà là do đơn vị tạm thu giữ (Ảnh: Trần Thanh) |
Về việc những chiếc phao cứu sinh có được lắp đặt lại trên các cây cầu hay không? Bà Thủy cho hay: "Đơn vị sẽ thống nhất báo cáo với Sở Giao thông vận tải Hà Nội để cho triển khai thực hiện, bởi đây là việc làm hữu ích".
Trước đó, một lãnh đạo phường của quận Long Biên cho biết đã nắm bắt được hoạt động treo phao cứu sinh trên cầu Long Biên của một nhóm tình nguyện viên.
Theo vị này, việc treo phao trên cầu liên quan mảng văn minh đô thị. Nếu đảm bảo an toàn, có người trực chốt khi có tình huống xấu, rồi thả phao cứu người thì đó là hành động đẹp. "Tuy nhiên, phường cũng cần kiểm tra và xác minh thêm vì nhóm này chưa làm việc với chúng tôi", vị lãnh đạo nói.
Trước đó, ngày 19/5, trao đổi với PV Dân trí, anh Nguyễn Ngọc Khánh - Chủ nhiệm CLB Bơi Khám phá, nhóm lắp đặt hàng chục chiếc phao cứu sinh trên các cây cầu bắc qua sông Hồng ở Hà Nội - cho biết, sau gần một tuần lắp đặt phao cứu sinh trên cầu Nhật Tân và cầu Chương Dương thì đến nay nhiều chiếc phao đã "không cánh mà bay".
Theo anh Khánh, việc mất phao là điều có thể xảy ra, thế nhưng các thành viên của nhóm anh luôn hướng đến điều tích cực và hiện dự án treo phao cứu sinh vẫn đang hoạt động có hiệu quả.
Anh Khánh chia sẻ rằng, mọi người phản ứng rất tích cực với những chiếc phao cứu sinh được lắp dọc trên các cây cầu ở Hà Nội trước đó. Về việc mất phao, anh Khánh cho hay: "Mất lần một thì chúng tôi lại lắp lần hai, mất lần hai thì chúng tôi lại lắp lần ba. Tôi nghĩ rằng sau này mọi người sẽ không còn lấy phao nữa, bởi đây là những chiếc phao cứu sinh, giúp những người không may bị đuối nước hay có ý định tự tử".
Nói về dự án lắp đặt phao cứu sinh dọc các cây cầu trên sông Hồng từ Lào Cai đến Thái Bình, anh Khánh cho biết, hiện nhóm đã lắp được khoảng 100 chiếc phao, dự kiến đến cuối tháng 7/2022 sẽ lắp đặt xong toàn bộ.
|
Trước đó trên cầu Nhật Tân, nhóm anh Khánh đã lắp đặt khoảng 6 chiếc phao cứu sinh, tuy nhiên hiện nay trên cầu này cũng không còn cái nào. |
Theo đại diện nhóm lắp đặt phao cứu sinh, mục đích của việc lắp đặt phao này là để gián tiếp giúp những người bị đuối nước, những người muốn cứu người đuối nước có phương tiện để cứu người. Đặc biệt, thời gian này đã vào mùa mưa lũ, có nhiều người không may gặp nạn trên sông và có cả những người mất niềm tin vào cuộc sống, suy nghĩ dại dột...
>>> Mời quý vị độc giả xem thêm video: Lắp phao cứu sinh trên các cầu bắc qua sông Hồng