|
Chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng |
Chuyện gì xảy ra nếu dịch bệnh quay lại?
Về tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho rằng vẫn xảy ra phổ biến, chưa được giải quyết dứt điểm. Điều này dẫn đến thực tế đau lòng là bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc theo đơn của bác sĩ. Có nơi do vật tư y tế cạn kiệt phải chuyển viện các bệnh nhân phẫu thuật thông thường; máy móc, thiết bị hư hỏng cũng không thể sửa chữa.
“Gần đây, Bộ Y tế ban hành Thông tư 08, nhưng lại không hướng dẫn thủ tục làm hồ sơ như thế nào sau khi bãi bỏ Thông tư 14. Thành thử các cơ sở y tế lại quay về thực hiện theo Nghị định 98, tức là phải có 3 báo giá, nên thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn chưa đến hồi kết”, ông Phước nói.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) đánh giá, trong cơ chế đấu thầu được Quốc hội thảo luận vừa qua cũng chưa thấy điểm nào để gỡ rối. Bà lo ngại, nếu có dịch bệnh tương tự xảy ra sẽ lại “tiếp tục thiếu”. “Dịch bệnh thì thiếu vắc xin, bây giờ bình thường thì các cơ sở y tế điều trị tiếp tục thiếu thuốc, thiếu vắc xin thì biết bao giờ tình trạng này mới khắc phục được?”, bà Lan đặt câu hỏi.
Bà Lan đề nghị báo cáo cần cân bằng giữa “xây” và “chống”. “Tuy nhiên, phần “xây” làm rất chậm và chỉ tập trung phần “chống”, làm tôi liên tưởng đến một bệnh nhân thập tử nhất sinh, như đất nước chúng ta trong cơn đại dịch. Song thay vì bồi bổ để nâng cao thể trạng bệnh nhân thì tập trung từng đoạn, cắt bỏ phần hoại tử rồi cho dùng thuốc nặng, kết quả chắc chắn bệnh nhân sẽ chết”, bà nói. Bà đề nghị việc giám sát phải đi vào thực tế rằng trong tương lai, dịch bệnh có thể quay trở lại, sẽ đối phó tốt hơn, bảo vệ được người dân, bớt người chết. “Cứ e dè, sợ hãi, tự làm khó mình như thế, không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi dịch bệnh quay trở lại, nhất là hiện nay không chỉ có COVID-19 mà còn nguy cơ khác”, bà Lan nói.
|
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan
|
Giải trình những vấn đề đại biểu nêu ra, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, để giải quyết căn cơ việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trình Quốc hội sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật Giá. Bộ Y tế đang hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế… Bộ trưởng Y tế nhận định, với các giải pháp tích cực, đến thời điểm này cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu thuốc phục vụ khám bệnh, chữa bệnh. “Bộ Y tế mong muốn nhận được sự đồng hành để tháo gỡ vấn đề liên quan đến tâm lý sợ mua sắm, sợ đấu thầu bằng những chính sách, giải pháp mang tính chất pháp lý đầy đủ và căn cơ”, bà nói.
Cơ sở y tế liên tục bị doanh nghiệp đòi nợ
Về công tác phòng, chống dịch, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia khống chế thành công đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng có những sai phạm nghiêm trọng. Thậm chí, có những sai phạm xảy ra trong những lĩnh vực hiếm khi có sai phạm như nghiên cứu khoa học, nghiệm thu, chuyển giao công nghệ, với những cú lừa ngoạn mục của Cty Việt Á trong tổ chức cơ sở sản xuất, test kit. “Thật đau đớn, thật đáng lên án và sự trả giá là quá đắt, quá lớn”, ông Trí nói.
Bày tỏ sự đồng tình việc xử lý thật nghiêm khắc những người đã tham ô, tham nhũng trong hoạt động phòng, chống dịch COVID- 19, tuy nhiên, ông Trí cũng đề nghị xem xét “thật có lý, có tình, thật công bằng với những ai có sai sót nhưng không phải vụ lợi mà vì để kịp thời chống dịch vì lợi ích cộng đồng”. “Chúng ta nên chấm dứt sớm việc này để xã hội ổn định, cán bộ vững lòng thực hiện những công vụ mới”, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị. Trong khi đó, đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho rằng, với những việc chưa từng có tiền lệ thì không tránh khỏi thiếu sót. “Nếu chúng ta áp dụng chính sách pháp luật trong thời bình để giải quyết, để đánh giá những quyết định trong “thời chiến” thì thật không công bằng”, ông Phước nói. Ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan tập trung chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở; tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách hướng dẫn giải quyết những tồn tại.
|
Đại biểu Dương Văn Phước.
|
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) bày tỏ trăn trở trước những bất cập, lỗ hổng của các quy định pháp luật và những vấn đề tồn tại khác. Theo ông, khi đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đi giám sát chuyên đề trên, một bác sĩ kể rằng, trong quá trình phòng, chống dịch, đội ngũ y sĩ, bác sĩ của đơn vị đã cố gắng hết sức mình, động viên nhau, làm mọi cách để có thuốc, ôxy, sinh phẩm để cứu bệnh nhân, vì sinh mệnh con người là quý nhất. Thời điểm đó, xã hội xem họ là những “anh hùng áo trắng”. Tuy nhiên khi hết dịch, nhiệm vụ chiếm nhiều thời gian, tâm trí và công sức nhất của các bác sĩ, nhà quản lý y tế là viết báo cáo giải trình cho cơ quan chức năng…
“Vị bác sĩ này cũng cám ơn Trung ương đã ban hành kịp thời những hướng dẫn xử lý, phân hóa đối tượng nên rất nhiều trường hợp không vướng vào vòng lao lý. Vị bác sĩ nói thêm rằng, nếu chỉ đạo trên có sớm hơn thì hay biết bao nhiêu”, ông Thông kể lại. Ông thông tin thêm về một nỗi lo khác của các cơ sở y tế là làm sao trả nợ cho doanh nghiệp những vật tư y tế, ôxy, thuốc men đã mượn để chữa trị bệnh nhân. “Bây giờ, các doanh nghiệp liên tục đòi nợ nhưng không có cơ sở để hoàn trả”, ông Thông nói.