Nhiều vướng mắc được tháo gỡ
Theo lãnh đạo nhiều bệnh viện, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã “cấp cứu” kịp thời cho các bệnh viện, tháo gỡ và giải quyết nhiều vấn đề rất thiết yếu, nhất là những bệnh viện tuyến cuối, có nhiều xét nghiệm chuyên sâu, có máy đặt, máy mượn…
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, ngay sau khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 được ban hành, trong tuần này bệnh viện sẽ thực hiện theo hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn, đồng thời xem xét đến việc phẫu thuật cho các bệnh nhân thuộc diện mổ phiên trở lại bình thường. Trước đó, do thiếu vật tư y tế, hóa chất nên từ 1/3, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã phải hạn chế mổ phiên và chỉ ưu tiên mổ cấp cứu.
|
Ảnh minh họa. |
Còn theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Nghị quyết 30 với việc cho phép kéo dài thời gian và thí điểm đặt máy mượn khi các cơ sở y tế trúng thầu hóa chất vật tư để phục vụ cấp cứu, điều trị; cho phép tháo gỡ trong đấu thầu vật tư, khi đồng ý các gói thầu báo giá dưới ba nhà thầu… đã tháo gỡ cho Bệnh viện Bạch Mai.
Trong khi đó, Nghị định 07 cho phép tự động gia hạn giấy phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành thiết bị và sinh phẩm chẩn đoán, đẩy nhanh cấp số đăng ký trang thiết bị, như vậy các doanh nghiệp sẽ nhập được hàng vào và bệnh viện mua sắm được, tránh được tình trạng hàng đã trúng thầu nhưng kẹt ở sân bay, ở cảng.
Ông Nguyễn Tường Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), thành viên soạn thảo Nghị quyết 30 cho biết, Nghị quyết có nhiều điểm mới, tháo gỡ cơ bản những vướng mắc của các cơ sở y tế hiện nay.
Cụ thể, Nghị quyết quy định với các hợp đồng được ký trước ngày 5/11/2022 sẽ tiếp tục thực hiện theo thời hạn của hợp đồng. Còn với các hợp đồng được ký từ ngày 5/11/2022 được tiếp tục thực hiện đến khi có văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này (không còn thời hạn đến 5/11/2023), bao gồm cả các hợp đồng được ký theo hình thức mua sắm trực tiếp.
Nghị quyết 30/NQ-CP cho phép thay đổi xác định giá các gói thầu trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế. Với những trang thiết bị, vật tư y tế cùng chủng loại nhưng có nhiều nhà phân phối, Nghị quyết 30/NQ-CP cho phép chủ đầu tư xem xét, quyết định việc giao Hội đồng Khoa học của đơn vị thực hiện việc xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị. Trên cơ sở tính năng, cấu hình kỹ thuật do Hội đồng Khoa học xây dựng, đơn vị tổ chức lấy báo giá.
Nghị quyết 30/NQ-CP cũng cho phép các cơ sở y tế được sử dụng các trang thiết bị y tế đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các trang thiết bị y tế liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh. Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị y tế này được quỹ BHYT thanh toán.
Một điểm mới khác của Nghị quyết 30/NQ-CP, sau khi trúng thầu hóa chất theo máy đóng (hóa chất chỉ sử dụng được với máy đó, không sử dụng được với máy khác) thì nhà sản xuất sẽ đưa máy vào cơ sở khám chữa bệnh thực hiện theo hóa chất đó. Nếu cơ sở khám chữa bệnh đã có máy mà trúng thầu hóa chất của máy đó thì được tiếp tục sử dụng, còn nếu không trúng thầu thì đưa máy về.
Dù Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã giải quyết được những khó khăn trước mắt mà các bệnh viện gặp phải, nhưng về lâu dài vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ để cơ sở y tế hoạt động bình thường.
Vẫn còn những bất cập cần giải quyết
Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hừng Đông cho biết, những vướng mắc liên quan mua sắm vật tư, thiết bị y tế, dược đều nằm ở bệnh viện công lập. Những đơn vị sự nghiệp công lập phải chịu sự điều chỉnh của rất nhiều Luật như Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật quản lý tài sản công, Luật Dược…
Tuy nhiên, để sửa đổi các luật này, thẩm quyền là Quốc hội. Trong khi đó, để sửa luật, Quốc hội cần phải có kế hoạch đưa vào, ví như năm 2023, sửa luật gì, xây dựng luật gì thì phải có kế hoạch từ năm 2022, thậm chí là kế hoạch xa hơn. Do đó, việc sửa luật, thời gian và quy trình không phải làm được ngay.
Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan vật tư, thiết bị y tế, thuốc là những hàng hóa đặc thù, vượt ra ngoài những khuôn khổ thông thường. Vì vậy, sửa luật tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế là vấn đề rất khó.
Theo luật sư Huế, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế đã được cảnh báo từ mấy năm trước nhưng đến nay chưa được chấm dứt mà vẫn tiếp tục, thậm chí trầm trọng trong thời gian gần đây.
Luật sư Huế cho rằng, có nhiều vướng mắc cần phải giải quyết để tháo nhiều nút thắt, trong đó có nguyên nhân, khách quan và chủ quan.
Trong các vướng mắc, thời gian dài khó khăn do dịch bệnh, một số doanh nghiệp cung cấp vật tư, thiết bị y tế đóng cửa không hoạt động nữa, các doanh nghiệp về lĩnh vực này cũng giảm đi nhiều. Cùng với đó, do dịch bệnh, hàng hóa bị khan hiếm, thậm chí có nhiều doanh nghiệp sợ không dám làm, dẫn đến tình trạng có những gói thầu mời không có nhà thầu tham gia. Một vấn đề cần nhìn thẳng, trước đây là nhiều doanh nghiệp cung cấp thuốc, vật tư, thiết bị y tế với giá rất cao. Bây giờ làm chuẩn chỉ lại, nếu bán giá thấp sẽ tạo ra sự so sánh nên họ không dám làm.
Một vướng mắc khác, trong Luật Đấu thầu, trong mảng mua sắm trang thiết bị y tế không phải mảng lớn, gần như không có bất cập nhưng bất cập ở các văn bản dưới luật. Cụ thể là các thông tư hướng dẫn mua sắm của Bộ Tài chính và chính các quy định mua sắm của Bộ Y tế tạo ra các rào cản.
Một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ, còn mâu thuẫn, chồng chéo nhau ví như Thông tư 14 hướng dẫn Nghị định 36 về quản lý trang thiết bị y tế nhưng khi Nghị định 98 thay thế Nghị định 36 nhưng vẫn dùng thông tư 14. Ngay thông tư 68 của Bộ Tài chính mới được sửa đổi nhưng cũng chứa nhiều vấn đề rất bất cập, không giải quyết quyết được quy định xây dựng giá gói thầu.
Ví dụ, quy định phải có 3 báo giá để xây dựng giá gói thầu là bất cập. Trang thiết bị y tế là hàng hóa đặc biệt, nhiều loại chỉ có một nhà sản xuất thì không thể có 3 báo giá. Quy định về thẩm định giá, trong khi cũng không có căn cứ để xây dựng giá cơ sở, không có so sánh khi chỉ có một đơn vị duy nhất sản xuất. Nên đơn vị thẩm định giá thường sẽ từ chối yêu cầu này…Ngoài ra, quy định đưa ra giá trúng thầu trong thời gian gần nhất là 90 ngày, dịch bệnh các gói thầu không có nên không thể có gói thầu trong 90 ngày để so sánh, đây cũng là bất cập. Do đó, cần sửa gấp các Luật Đấu thầu, Thông tư 68 của Bộ Tài chính, Thông tư 14 của Bộ Y tế.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hàng chục thiết bị y tế tiền tỷ mua về rồi 'đắp chiếu' ở Hải Dương
Nguồn: Truyền hình Báo PLVN