Một ngày sau khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến về việc thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện theo Nghị quyết 33, ngày 8/11, trao đổi với báo chí, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết theo văn bản này, Chính phủ cho phép Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K dừng tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33, thực hiện tự chủ theo Nghị định 60.
PGS.TS Đào Xuân Cơ thông tin, Bệnh viện Bạch Mai là 1 trong 4 bệnh viện đầu tiên của cả nước thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 (nhóm một). Ba bệnh viện còn lại là: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện K. Tuy nhiên, đến nay chỉ có Bệnh viện Bạch Mai và K thực hiện tự chủ tài chính toàn diện. Vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, chuyển sang thực hiện tự chủ (theo Nghị định 60) ở nhóm 2-tức chỉ tự chủ chi thường xuyên.
|
Bác sĩ BV Bạch Mai khám cho bệnh nhân Ảnh: Thái Hà.
|
Ông Cơ thừa nhận tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, tài chính khiến thu nhập của cán bộ, viên chức, người lao động giai đoạn thí điểm tự chủ toàn diện vô cùng khó khăn... Hiện tại, Bệnh viện Bạch Mai đang thiếu trầm trọng thiết bị phục vụ chẩn đoán hình ảnh. “Thiết bị chẩn đoán trong y học hạt nhân và u bướu về con số 0, (như máy Pet CT, cộng hưởng từ, xạ phẫu); máy hiện đại phục vụ phẫu thuật như thiết bị vi phẫu, robot... phải lưu kho hai năm nay vì được xem là tang vật của vụ án... Không có thiết bị phục vụ chụp chiếu, chúng tôi phải chuyển một lượng lớn người bệnh đến bệnh viện khác để chụp Pet, xạ trị... Trước đây tại Bệnh viện Bạch Mai cũng có máy chụp 250 dãy hiện đại nhất Đông Nam Á nhưng hiện nay không còn hoạt động”, ông Cơ dẫn chứng.
Hiện nay, mỗi ngày tại Bệnh viện Bạch Mai có khoảng 800 - 1.000 bệnh nhân được chỉ định nội soi nhưng bác sỹ, kỹ thuật viên không thực hiện được do máy hỏng, xuống cấp. “Chúng tôi đã và đang tích cực mua sắm nhưng nguồn tài chính không cho phép để bệnh viện có thể đầu tư lớn, bởi phải cần hàng nghìn tỉ đồng để mua sắm trang thiết bị. Hiện, 95% máy xét nghiệm tại Bệnh viện Bạch Mai là máy đặt, mượn. Thời gian qua cơ quan chức năng không cho phép dùng máy mượn, máy đặt khiến bệnh viện gặp nhiều khó khăn trong chẩn đoán, điều trị bệnh nhân. Tuy nhiên, Nghị quyết mới vừa được Chính phủ ban hành đã tháo gỡ vướng mắc này”, TS Cơ nói.
“Bạch Mai là bệnh viện hàng đầu cả nước nhưng đang thiếu trang thiết bị y tế phục vụ chẩn đoán cho người bệnh như chẩn đoán hình ảnh, ung thư, tim mạch, nội soi... Bệnh viện hiện không có nguồn tài chính để đầu tư, mua sắm”
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai
“Chảy máu chất xám”
Hai năm qua, nhiều chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên sâu đã rời Bệnh viện Bạch Mai sang khu vực y tế tư nhân. Trong số đó có cả cán bộ cấp cao, có học hàm, học vị, uy tín. Cụ thể, năm 2021, có hơn 200 cán bộ viên chức xin thôi việc; 9 tháng đầu năm 2022, con số này là 105. Cả đội ngũ cán bộ khối hậu cần cũng đã xin nghỉ do áp lực công việc.
“Năm 2022, Bệnh viện Bạch Mai tăng đột biến bệnh nhân nhưng thiếu thiết bị y tế nên nhân viên làm ca kíp, đi từ 3-4 giờ để kịp 5 giờ sáng làm việc. Làm sớm cho bệnh nhân ngoại trú đến hết trưa. Chiều đến đêm dành cho bệnh nhân nội trú. Trừ bệnh nhân cấp cứu nội trú được chụp chiếu ban ngày. Nhưng nhân viên không được thêm thu nhập nên không an tâm làm việc”, ông Cơ nói và cho biết, ngày nào ông cũng nhận được tin nhắn của nhân viên rằng, giám đốc “bắt đi làm từ sáng sớm đến khuya mà không có tiền cho con nộp học ngoại ngữ. Em xin đi làm đúng giờ để ở nhà dạy con”. “Thu nhập tăng thêm hiện nay chỉ bằng 1/2 đến 1/3, thậm chí có khoa chỉ bằng 1/5 mức thu nhập năm 2019. Do đó, nhiều cán bộ đã xin nghỉ. Chúng tôi đã “vận động, hứa hẹn” nhưng vẫn không giữ chân được họ”, PGS.TS Đào Xuân Cơ chia sẻ. Việc mất dần các y bác sĩ giỏi, tạo ra lỗ hổng nguồn nhân lực, bởi bệnh viện không chỉ khám chữa bệnh mà còn phải tạo nhân lực cho các bệnh viện tuyến dưới.