Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) soạn thảo Dự thảo Nghị định mới, về nghệ thuật biểu diễn với một số điểm mới, nhất là về các cuộc thi sắc đẹp. Trong đó, cơ quan quản lý không giới hạn số lượng, quy mô cuộc thi sắc đẹp trong nước; Bỏ quy định cách gọi danh hiệu hoa hậu hay hoa khôi; Người đẹp đi thi quốc tế không nhất thiết phải lọt top 3 cuộc thi trong nước thay vì chỉ cần có giấy mời và đáp ứng yêu cầu của ban tổ chức cuộc thi quốc tế…
|
Theo dự thảo, Cục Nghệ thuật Biểu diễn sẽ không tiếp tục cấp phép cho các cuộc thi trong nước. |
Với dự thảo này, nhiều người cho rằng đây như một cuộc cách mạng, cởi trói cho các cuộc thi sắc đẹp khi trước đây đã có nhiều hạn chế được nhắc đi nhắc lại trong thời gian dài.
Như một số cuộc thi sắc đẹp phải tổ chức chui với lý do không thể xin cấp phép, quá trình cấp phép mất nhiều thời gian và thủ tục rườm rà, điều kiện khắt khe cũng như không nằm trong danh sách được cấp phép. Hay, nhiều người mẫu, người đẹp đi thi “chui” ở các cuộc thi quốc tế nhưng lại đạt giải thưởng cao, được ghi nhận.
Với việc “cởi trói” này, sẽ giúp các đơn vị tự do tổ chức, từ đó phát hiện, huấn luyện đào tạo được nhiều người đẹp góp phần vào tôn vinh cái đẹp, tham gia các đấu trường quốc tế, đưa danh sách Việt Nam lên vị trí cao hơn.
Đánh giá về việc “cởi trói” cho các cuộc thi lần này của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, nhà văn Trần Ninh Hồ cho rằng, dự thảo là động thái nhằm tiến đến lược bỏ bớt các thủ tục hành chính, giúp thông thoáng trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật nói chung và các cuộc thi sắc đẹp nói riêng. Đây là xu hướng chung đã được Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ ban ngành áp dụng.
Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ cấp phép cũng thấy rằng, khi cấp giấy phép, giới hạn cuộc thi hay đồng nghĩa sẽ phải có nhiều điều kiện kèm theo như nội dung, chủ đề, người tham gia, mục tiêu… Qua đó, các cơ quan chức năng sẽ giám sát, quản lý các cuộc thi để không đi trái với thuần phong mỹ tục, đạo lý, văn hóa nước nhà.
“Đối với các cuộc thi nước ngoài, bỏ các điều kiện, cấp phép cho người đi thi có thể phù hợp. Vì mỗi tiêu chí đánh giá của các cuộc thi, đất nước, con người đều khác nhau. Vì thế, dù cô này là hoa hậu đẹp ở trong nước nhưng khi ra nước ngoài lại thất bại. Ngược lại, nhiều người mẫu đi thi “chui” lại đạt giải cao do phù hợp tiêu chí cuộc thi”.
Tuy nhiên, ở góc độ bỏ điều kiện, cấp phép và không giới hạn các cuộc thi trong nước, nhà văn Trần Ninh Hồ lại cho rằng thời điểm này chưa phù hợp. Như đã phân tích, đơn vị cấp phép đồng nghĩa cũng chịu trách nhiệm trong việc tổ chức các cuộc thi. Khi bỏ giấy phép, tức họ không còn vai trò, không thể đánh giá hay giám sát các hoạt động.
Đồng quan điểm, Nhà văn Dương Thuấn cũng cho rằng, việc tháo bỏ các điều kiện của các cuộc thi tại thời điểm này chưa thực sự phù hợp.
Bởi, trước khi bỏ giấy phép, chúng ta cần có một bộ quy chuẩn dành riêng cho các cuộc thi một cách đầy đủ. Bộ quy chuẩn này sẽ nêu rõ những việc không được làm, ai không được tham dự, các tiêu chí đánh giá ra sao…
|
Nhiều danh hiệu cuộc thi sắc đẹp có thể bị kinh doanh và biến thành tệ nạn xã hội như vấn nạn bán dâm, mại dâm bị phanh phui thời gian qua. |
Điều này nhằm tạo nên khuôn khổ của mỗi cuộc thi, tránh ảnh hưởng đến văn hóa, truyền thống cũng như các sai phạm đáng tiếc.
Ngoài ra, hai nhà văn Dương Thuấn và Trần Ninh Hồ cũng nhấn mạnh, khi “mở cửa” cho các cuộc thi đồng nghĩa ban tổ chức sẽ phải tự xây dựng các chương trình nhằm nâng cao uy tín, thu hút tài trợ, nhận được nhiều đăng ký dự thi, bán vé tốt… Theo thời gian, các cuộc thi sẽ tự đào thải bởi chính việc họ làm.
Tuy nhiên, mặt trái của các cuộc thi sẽ có điều kiện bộc lộ hơn khi không có giấy phép. Như, sẽ có hiện tượng biến cuộc thi sắc đẹp thành nơi kinh doanh sắc đẹp, xem cuộc thi như điểm chọn vợ, mua bán danh hiệu và lợi dụng danh hiệu để trục lợi cá nhân hay vi phạm pháp luật…
“Chúng ta đã chứng kiến giai đoạn qua nhiều người lợi dụng các danh hiệu hoa hậu, hoa khôi, á hậu, người đẹp, người mẫu để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như bán dâm giá cao, kinh doanh phạm pháp… Vì thế, nếu bỏ giấy phép khi chưa có bộ quy chuẩn sẽ có nguy cơ vỡ trận” – nhà văn Dương Thuấn nhấn mạnh.
Các nhà văn đồng tình việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức thuận lợi trong các hoạt động biểu diễn nghệ thuật và tổ chức các cuộc thi nhưng điều này không có nghĩa buông lỏng quản lý, không giám sát, tự các đơn vị trôi nổi theo kiểu “mạnh ai nấy sống” để rồi dẫm đạp lên các giá trị truyền thống, văn hóa là điều không nên.