Theo chân 'thợ đụng' ngày giáp Tết

Google News

Có mặt ở những “chợ lao động” ngày cận Tết mới thấy hết sự tác động ghê gớm của dịch COVID-19 đối với lao động tự do.

Đầu giờ sáng, dưới cái lạnh tê buốt cứa da, cắt thịt của ngày cuối năm, trong góc đường đầu cầu Lủ (Đại Kim, Hoàng Mai), gần chục lao động (phần lớn là người Nam Định, Hà Tây cũ) phong phanh đứng nép vào nhau, kiên nhẫn đợi khách. Dưới vỉa hè, xe lam, quốc xẻng, máy móc… sẵn sàng chờ việc.
Theo chan 'tho dung' ngay giap Tet
Nhóm lao động ùa ra khi có khách tìm đến 
Thấy chúng tôi đến gần, người đàn ông trung niên chạy đến: “Chú em cần làm gì? Bốc vác, chuyển đồ, khoan phá bê tông hay dọn nhà?”. Thấy tôi ngập ngừng, người này tiếp tục trấn an: “Em yên tâm, ở đây bọn anh tiêm đủ hai mũi vắc xin lâu rồi!”.
Giới thiệu là phóng viên, muốn tìm hiểu viết bài, ánh mắt anh chùng xuống mệt mỏi. Tôi giơ máy ảnh định chụp, người đàn ông gần 50 tuổi xua tay: “Có gì hay đâu mà chụp, 3 ngày nay chưa kiếm được đồng nào? Giờ có ai đến thuê, kiếm năm chục lấy tiền ăn trưa, tôi biết ơn lắm!”.
Trò chuyện một hồi, anh Quỳnh (quê ở Phú Xuyên, Hà Nội) kể, anh vốn là bệnh binh, còn chút sức khỏe, sau mấy năm gom góp được gần 30 triệu đồng, anh quyết định sắm cho mình một chiếc xe lam lên phố làm ăn. Những lúc không chở hàng, ai thuê làm gì anh đều nhận, rồi gọi anh em trong nhóm làm chung.
Sau nhiều năm có mặt ở góc cầu này chờ việc, anh Quỳnh cho hay: “Mấy năm trước, cứ đến thời gian này là đều việc vì ai cũng muốn dọn dẹp nhà cửa, mua cây, thay đồ đạc mới đón Tết. Việc đều nên có đồng sắm sửa Tết. Hai năm nay dịch COVID-19 thì thưa hẳn, có ngày không kiếm được đồng nào. Anh em không có việc bỏ về quê phân nửa, còn lại bám trụ Hà Nội từ ngày thực hiện giãn cách. Biết nguy hiểm nhưng anh em vẫn cố gắng mưu sinh”.
Theo chan 'tho dung' ngay giap Tet-Hinh-2
 
 
Tranh thủ lúc không có khách, anh Quỳnh thay bình nước, lau chùi chiếc xe đã bạc màu, kể tiếp, hai vợ chồng anh sinh được 2 người con, thu nhập gia đình phụ thuộc vào vài sào ruộng ở đồng chiêm trũng. Con càng lớn, gia đình càng khó, anh quyết định đầu tư xe lên Hà Nội làm ăn.
“Cháu lớn cũng đang học đại học ở đây, cháu bé ở nhà với mẹ. Hai bố con ở trên này nhưng ở thuê trọ ở hai nơi khác nhau cho tiện làm việc, học hành của cháu. Tiền nhà trọ, tiền ăn của hai bố con mỗi tháng cũng hết 6, 7 triệu đồng, chưa kể cháu thứ hai học ở quê. Bình quân mỗi tháng gia đình cũng tốn chục triệu đồng. Năm nay dịch bệnh, cháu lớn không phải đến trường nên trả phòng trọ, bớt chút ít chi phí. Nhưng công việc của tôi kém hẳn, thu nhập ngày có ngày không”, anh Quỳnh chia sẻ.
Anh Hoàng Đình Việt 47 tuổi (quê ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa) cho biết, có mặt ở đây gần chục năm, chưa năm nào anh thấy khó khăn như năm nay. Đây là thời điểm nhiều việc nhất trong năm. Những năm trước chỉ cần chăm chỉ, mỗi thợ kiếm tiền triệu mỗi ngày. Giờ thì mỗi ngày kiếm vài chục nghìn đồng là khó. Hai hôm nay nhóm anh chưa kiếm được đồng nào.
Cũng giống hoàn cảnh của anh Quỳnh, hai vợ chồng anh Việt sinh được 2 người con. Vợ và cháu nhỏ của anh ở nhà nuôi mấy nong tằm, không đủ ăn. Anh quyết định ra Hà Nội làm và nuôi đứa con đang học đại học.
“Phòng thuê hơn 1 triệu/tháng, có hai anh em ở, công việc thất thường trưa tối nên không nấu nướng, tiện đâu ăn đấy”, anh Việt cho biết.
Theo anh Việt, công việc của những “thợ đụng” như anh không có mức thu nhập bình quân hàng tháng. Thu nhập của mỗi người phụ thuộc vào việc mà người đến thuê làm. Khách đến chọn ai thì cần phải biết việc gì, như thế nào để tính toán số người cần hoàn thành và đưa ra giá. Giá đưa ra cũng rất “mở” vì khi đến thực tế mới quyết định được.
“Chuyển một cái tủ lạnh giá khác chuyển một cái tủ gỗ, chuyển mấy bao xi măng giá khác chuyển vài bao chất thải”, anh Việt nói và cho biết, có khách thuê là anh em lên đường, không cứ buổi trưa, tối.
Vừa dứt câu chuyện, một vị khách rà xe máy tấp vào lề đường. Nhóm lao động ùa ra như chim vỡ tổ, nhao nhao hỏi với ánh mắt đầy hy vọng. Nhưng rồi vị khách này chỉ lấy số điện thoại để liên lạc khi cần, rồi nhanh chóng vọt xe đi. “Cứ đà này, anh em chúng tôi tính độ dăm hôm nữa là khăn gói về quê”, anh Việt buồn bã.
Quá trưa, nhóm lao động rủ nhau đi mua cơm về phòng trọ ăn. Mỗi người một suất cơm 20.000 đồng với lưa thưa vài miếng đậu, miếng thịt, ít lạc rang muối, chút rau và một hộp canh “đại dương” (chủ yếu là nước, lõng bõng rau, miễn phí).
Theo chân nhóm lao động về căn nhà trọ tồi tàn ẩm thấp ngay gần chợ Mai Động (Hoàng Mai). Một người tên Lưu (quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa) dẫn chúng tôi vào trong căn gác ọp ẹp, tối thui, đặc mùi ẩm mốc rộng chừng 12m2, giới thiệu: “Đây là đại bản doanh của 8 anh em chúng tôi. Gia sản của mỗi người là một chiếc chiếu, cái chăn và vài bộ quần áo lao động. Ngày không có dịch chỉ tối anh em mới về tắm giặt nghỉ ngơi. Bây giờ dịch bệnh, hàng quán chỉ bán mang về nên có thêm buổi trưa. Chủ trọ thu mỗi người 300.000 đồng/tháng, điện chỉ dùng buổi tối đến 22 giờ thì cắt. Mùa hè thì nóng còn mùa đông thì ấm cúng lắm”, anh Lưu hóm hỉnh.
Đang ăn dở hộp cơm, điện thoại anh Lưu réo vang. Quay sang cậu em bên cạnh: “Có việc rồi, có người thuê giải phóng đống vữa ở đường Kim Ngưu, tiền công 2 trăm nghìn đồng. Vội vã ăn hết hộp cơm, anh giục cậu em đứng dậy vác xẻng đi ngay.

Theo Đức Anh/ Tiền Phong

>> xem thêm

Bình luận(0)