|
Công đoàn Bộ Công Thương bán dưa ủng hộ nông dân miền Trung. Ảnh: Mai Thạch |
Đắng lòng dưa hấu
Chiều 10/4, các xe chở hàng hoa quả, phần nhiều là thanh long, dưa hấu đã tiếp cận sát biên giới, không còn cảnh xếp hàng dài ngày trên các tuyến đường dẫn đến khu kiểm hóa Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn). Tại cửa khẩu Tân Thanh, cùng với việc giao thương thông suốt, các mặt hàng dưa, thanh long đã bán được giá cao hơn.
Dưa đẹp, xuất bán tại Pò Chài, Trung Quốc, có giá 2,1 tệ (tương đương 7.300 đồng/kg); dưa xấu, giá gần 4.000 đồng/kg. Để giải phóng nhanh, nhiều chủ hàng đã bán buôn cả xe dưa với giá 1 vạn tệ (trên 34 triệu đồng).
Trao đổi với phóng viên, ông Phùng Quang Hội - Chi cục trưởng Hải quan Tân Thanh cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến dưa bị ách tắc, thối hỏng phải bỏ đi là bởi nhiều doanh nghiệp, thương nhân Việt đã quen thói làm ăn manh mún, không có hợp đồng ràng buộc về giá cả theo quy định thương mại quốc tế. “Dưa hấu là mặt hàng truyền thống buôn bán chủ yếu qua cặp cửa khẩu Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc). Thêm nữa, hàng của ta phải bốc, dỡ, sang xe ở bên kia biên giới với phương tiện thô sơ, mất rất nhiều thời gian”, ông Hội nói.
Để giải quyết bài toán này, theo ông Hội, công tác quản lý, dự báo và định hướng của các cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp là Bộ NN& PTNT, Bộ Công Thương cần sát sao hơn nữa. Chính phủ cần quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng khu vực cửa khẩu Lạng Sơn, như kho bãi chứa hàng hóa, kho sơ chế bảo quản nông sản, bãi đỗ phương tiện.
“Các doanh nghiệp, thương nhân cần thay đổi phương thức kinh doanh, từ buôn bán theo kiểu bạn hàng truyền thống, kinh doanh tiểu ngạch sang phương thức kinh doanh chính ngạch có hợp đồng ngoại thương theo thông lệ quốc tế. Có như vậy mới hy vọng giảm thiểu được rủi ro khi xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc”, ông Hội nói.
Nếu bộ nào cũng đi bán dưa!
Trước đó, sáng 9/4 tại trụ sở 54 Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Công đoàn Cơ quan Bộ Công Thương phối hợp Cục Xuất nhập khẩu đã tổ chức chương trình mua 14 tấn dưa hấu nhằm giúp người dân miền Trung vượt qua khó khăn. Chương trình diễn ra trong không khí náo nức, tưng bừng.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hoa, Vụ trưởng, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan Bộ Công Thương cho biết: “Việc mua dưa là lời nhắn nhủ các cơ quan, ban ngành, cần có trách nhiệm, giải pháp đồng bộ cho người nông dân trong bối cảnh năm nào vải thiều, thanh long, chuối xanh, dưa hấu cũng bị ách tắc, bị ép giá khi xuất khẩu. Nếu 26 bộ ngành khác cùng vào cuộc sẽ giúp ích rất nhiều cho bà con”.
Việc Công đoàn Bộ Công Thương tổ chức mua dưa cho nông dân, nhìn ở góc độ quản lý, sẽ thấy nhiều bất cập. Không ít ý kiến cho rằng, việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu ổn định, có chiến lược giúp bà con tiêu thụ sản phẩm luôn là bài toán khó, là trách nhiệm chính của Bộ Công Thương, nhất là khi tình trạng này đã xảy ra từ nhiều năm nay.
Với trách nhiệm của mình Bộ Công Thương phải sớm cùng Bộ NN&PTNT xây dựng kế hoạch sản xuất dài lâu, tổ chức mạng lưới tiêu thụ, có các chiến dịch quảng bá sản phẩm của người nông dân Việt ra nước ngoài. Cùng đó, các bộ cũng cần xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế biến, giúp tiêu thụ hàng hóa cho nông dân.
Bài toán quy hoạch
Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, dưa hấu cũng như nhiều nông sản khác, đang mắc ở khâu lưu thông, phân phối. Dưa trồng nhiều ở một số tỉnh Nam Trung bộ như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, với tổng diện tích vài chục nghìn héc-ta. “Số lượng dưa như thế không hẳn là nhiều, vì nhu cầu tiêu thụ trong nước lớn, thị trường Trung Quốc cũng hút hàng mạnh” - ông Quảng nói.
Vấn đề là khâu tổ chức tiêu thụ, điều phối hàng hóa trong nước cũng như lên biên giới. Ở trong nước, ngoài các thành phố lớn, khu công nghiệp, còn có thể đưa dưa về những vùng nông thôn trồng ít dưa này tiêu thụ.
Với thị trường Trung Quốc, cần làm việc với nước này để hai bên phối hợp, tăng khả năng thông quan, mở rộng thêm kho bãi. Có thể hình thành các tổng kho, lưu giữ hàng hóa. “Năm nào dưa cũng tắc, vậy có thể điều tiết số lượng đầu xe của các tỉnh lên cửa khẩu, tránh gây ùn ứ như hiện nay”- ông Quảng nói.
Ông Đoàn Xuân Hòa, nguyên Phó Cục trưởng Chế biến Nông- Lâm-Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho rằng, câu chuyện năm nào cũng xảy ra ùn tắc dưa ở cửa khẩu là do không thiết lập được chuỗi sản xuất và tiêu thụ.
Lâu nay, thương lái thường tìm đường xuất đi Trung Quốc vì đây là thị trường béo bở, trong khi chúng ta chưa chú trọng thiết lập kênh tiêu thụ ở siêu thị, chợ đầu mối, bán lẻ nội địa. Trung Quốc là thị trường rất lớn về hoa quả tươi.
Do vậy, cần thiết lập khu thương mại biên giới, thuận tiện cho tiêu thụ nông sản, nhất là hoa quả tươi. “Nên bớt đi những đề án lằng nhằng, tập trung vào việc cụ thể sẽ tốt hơn”- ông Hòa nói.
Gần 80% dưa hấu trong nước đã tiêu thụ hết
Trao đổi với báo chí chiều 10/4, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, ông Võ Văn Quyền cho biết, tính đến thời điểm này, ước tính khoảng gần 80% lượng dưa hấu ở nhiều địa phương đã được tiêu thụ. Cá biệt có Bình Định đã cơ bản tiêu thụ hết.
Đến nay, dù lượng dưa đổ về qua cửa khẩu Tân Thanh khá lớn, dẫn đến ùn tắc, nhưng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, lượng dưa ùn ứ đã nhanh chóng giảm xuống.
Để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu hàng nông sản nói chung, mặt hàng dưa hấu nói riêng, các cơ quan chức năng phía Việt Nam đã có nhiều cuộc thảo luận với Trung Quốc. Hiện phía Trung Quốc đã quyết định dành riêng một kho bãi tại cửa khẩu cho mặt hàng dưa hấu Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đã thông tin đến doanh nghiệp về sức chứa của cửa khẩu Tân Thanh cũng như khuyến cáo thương lái không ồ ạt đưa dưa hấu lên cửa khẩu.