Sáng 9/4, hàng chục tấn dưa hấu vùng lũ được tập kết tại một showroom ô tô ở phố Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã bán hết trong vài tiếng. Những người đăng ký đầu tiên và mua nhiều được ưu tiên lấy trước. Do danh sách người đăng ký mua vượt xa số lượng dưa nhập về trong ngày nên rất nhiều người đến sau phải ra về.
Dự định ủng hộ 150 kg dưa cho bà con vùng lũ Quảng Nam nhưng chị Khánh Chi (Nguyễn Trãi, Hà Nội) đặt mua đến lần thứ 4 vẫn chưa được. Chị cho biết, hai lần đầu chị đến trực tiếp điểm bán ở phố Trần Duy Hưng và Nguyễn Xiển nhưng đều hết hàng. Lần thứ 3, vì chưa đăng ký trước nên chị không được mua. Đến sáng 9/4, khách hàng này ra điểm tập kết dưa hấu thiện nguyện ở phố Nguyễn Xiển để đăng ký thì được hẹn sáng hôm sau đến lấy.
Hai lần mua đầu, chị Chi khá buồn khi các điểm bán dưa lẻ “cháy hàng” một cách đột ngột. Tại điểm tập kết dưa Nguyễn Xiển, tình nguyện viên nhất định không bán và yêu cầu phải đăng ký trước. Chưa hài lòng về cách làm việc của đội tình nguyện, chị Chi nói: "Muốn thể hiện lòng tốt mà khó quá! Sau 4 lần đi mua không được, hào hứng trong tôi vơi dần. Tại sao các bạn tình nguyện viên không thông báo sớm để chúng tôi không mất công đến".
|
Nhiều khách đến 3-4 lần nhưng không mua được dưa hấu từ thiện. Ảnh: Ngọc Lan. |
Biết được thông tin, vợ chồng bác Nguyễn Thị Hòa (Nguyễn Xiển, Hà Nội) ra từ sáng sớm 8/4 để
mua dưa ủng hộ. Tuy nhiên, điểm tập kết chỉ còn khoảng 10 quả song đã có khách đặt mua. Hai bác được hẹn lịch vào 7h sáng 9/4.
Đúng hẹn, vì lo hết dưa nên vợ chồng bác Hòa lại tất tưởi đến sớm hơn. Vừa mừng thầm khi nhìn đống dưa to chất cao thì bác Hòa được thông báo không bán lẻ. Hơn 10 tấn dưa tại điểm tập kết đã được bán hết từ trước. Hai khách hàng này lại được yêu cầu đặt trước, nếu muốn mua dưa.
Bác Hòa chia sẻ, chưa hài lòng về việc đội tình nguyện không bán lẻ mà cũng không thông báo rõ ràng cho người mua. "Nhưng dù sao, số lượng dưa hấu lớn mà bán hết nhanh như vậy cũng rất phấn khởi. Thông qua hoạt động này, mới thấy người Hà Nội rất đoàn kết, giữ được truyền thống lá lành đùm lá rách", bác Hòa nói.
Là khách hàng mua đơn hàng lớn nhất (1,4 tấn dưa) ngày 9/4, chị Nguyễn Phương, một nhân viên ngân hàng cho biết, chị đã đặt đến lần thứ 3 mới mua được.
Ban đầu, chị Phương chỉ dự định mua lẻ vài quả về cho gia đình, ủng hộ bà con vùng lũ. Nhưng đặt mua 2 lần trên Facebook, chị đều không mua được. Biết được nhiều người cũng trong tình trạng trên nên chị Phương nảy ra ý tưởng gom hàng. Chỉ sau một buổi sáng kêu gọi, chị đã nhận được hơn 50 đơn hàng của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, với tổng số dưa lên đến 4 tấn. Tiền mua dưa (giá 5.000 đồng/kg), cộng thêm chi phí vận chuyển, mua bao tải dứa, túi bóng…sẽ chia theo đơn hàng.
Khi đặt cho đội tình nguyện, chị Phương được hẹn 6h30 sáng 9/4 đến lấy hàng. Dù là ngày trong tuần nhưng vì làm từ thiện nên chị xin nghỉ buổi sáng. Khi chờ gần 3 tiếng tại điểm tập kết dưa, đội trưởng đội tình nguyện thông báo, do số lượng người đặt quá tải nên đơn hàng của chị phải chia làm 3 đợt.
|
Nhiều khách hàng vui mừng vì mua được dưa từ thiện. Ảnh: Ngọc Lan. |
Anh Đặng Như Quỳnh - người đứng đầu nhóm tình nguyện cho biết, dưa hấu sau khi chuyển về sẽ được di chuyển đến một số địa điểm ở Hà Nội bán. Người mua rất đông nên lượng hàng bán được khá nhanh. Ngày 9/4, đội tình nguyện đã bán hết 18 tấn dưa. Số đơn hàng còn nợ khách lên đến vài chục tấn.
Giải thích lý do không bán dưa với số lượng nhỏ lẻ tại Nguyễn Xiển, anh Quỳnh cho biết, chỗ tập kết là nơi phân phối dưa đến các điểm bán lẻ và một số đơn hàng lớn ở Hà Nội. Bán nhỏ lẻ sẽ không kiểm soát được các đơn hàng hẹn trả trong ngày. Ngoài ra, dưa vùng lũ vận chuyển xa dễ hỏng nên mỗi chuyến chỉ nhập về số lượng nhất định. Khi nào bán hết, đội tình nguyện sẽ nhập tiếp. Việc này sẽ tránh tình trạng nhập về ồ ạt, không bán được, ảnh hưởng đến hoạt động quyên góp cho bà con Quảng Nam.
Anh Quỳnh cũng đưa ra giải pháp, người mua lẻ hay mua nhiều cũng nên đăng ký trực tiếp với tình nguyện viên hoặc qua Facebook. Khi có dưa, đội sẽ giao tận nơi hoặc hẹn đến lấy tại điểm tập kết. Anh chia sẻ, khó khăn trong khâu vận chuyển nên mỗi lần xe chỉ về được 15-20 tấn. Trong khi, danh sách đặt mua dưa hiện tại đã lên đến vài trăm tấn. Việc nhiều người đến mua phải bỏ về là không tránh khỏi.
“Dù là công việc thiện nguyện nhưng đội tình nguyện đã phải chịu sức ép khá lớn từ khách hàng, dư luận. Việc làm của chúng tôi xuất phát từ tấm lòng nên mong mọi người hãy bình tĩnh”, anh Quỳnh nói.
Cũng theo anh Nguyễn Văn Kiên, một thành viên trong đội tình nguyện, hiện nay nhóm từ thiện đã tiếp tục đặt mua 40 tấn dưa của bà con nông dân Quảng Nam về bán. Dự kiến, 2 ngày cuối tuần dưa sẽ về đến nơi.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (36 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, nguyên nhân khiến khách hàng bức xúc vì không mua được dưa hấu từ thiện là do hoạt động này mang tính chất tự phát, khâu tổ chức chưa chuyên nghiệp. "Tuy nhiên, người mua dưa nên suy nghĩ tích cực, việc mua được hay không không quan trọng, chỉ cần chúng ta xuất phát từ cái tâm thiện", chị Phương nói.
Bên cạnh đó, chị góp ý, trong các hoạt động thiện nguyện có ý nghĩa như thế này, đội tình nguyện nên phối hợp cùng các cơ quan đoàn thể có vai trò về nông nghiệp, xúc tiến thương mại để được hỗ trợ, tránh tình trạng "vỡ tổ" như hiện giờ.