Từ Quyết định sai của UBND tỉnh Thanh Hóa (số 1868) do phó chủ tịch tỉnh Vương Văn Việt ký, và sau đó là các hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tâm (đồng chủ tịch công ty Minh Tân), trường trung cấp Văn Hiến bị đình chỉ tuyển sinh và gần như bị bỏ hoang từ năm 2013 cho đến nay. Dù trước đó chỉ trong khoảng thời gian ngắn từ 2009 – 2012, doanh thu ngôi trường này đạt con số hơn 56 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT trường Văn Hiến làm sai hàng loạt... vào tù
Ngày 20/5/2010, Hiệu trưởng trường trung cấp Văn Hiến là ông Nguyễn Văn Lơn có công văn gửi trường Đại học Y Hải Phòng đề nghị đào tạo cho trường 30 bác sĩ đa khoa. Trường Đại học Y Hải Phòng có công văn gửi Bộ GD&ĐT xin chỉ tiêu đào tạo cho trường Trung cấp Văn Hiến và được Bộ GD&ĐT đồng ý nhưng phải đúng quy định, quy chế tuyển sinh.
Ngày 24/11/2010, UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho trường Trung cấp Văn Hiến tuyển sinh. Lúc này ông Nguyễn Đức Tâm – nguyên Chủ tịch HĐQT, Hiệu Phó nhà trường giao cho Lê Xuân Thảo, giáo viên hợp đồng cùng mình đứng ra chiêu sinh.
Ông Tâm đã không báo cáo vụ việc tuyển sinh với Ban giám hiệu nhà trường, mà tự trao đổi với Trần Thành Nhật (giáo viên trường THCS Nam Hà, quận Kiến An, TP.Hải Phòng có công ty riêng đào tạo nguồn nhân lực Nhật Thúy tại Hải Phòng) để cùng tuyển sinh.
Được Nhật hứa và thống nhất, nếu ông Tâm xin được UBND tỉnh Thanh Hóa thì Nhật có trách nhiệm lo xác nhận trên từ Bộ GDĐT (trong đó Nhật gửi Tâm kèm 9 thí sinh của mình).
Sau khi có sự thống nhất, Nguyễn Đức Tâm lập danh sách 30 thí sinh và công văn số 203 nhưng không ký tên mình mà giả mạo chữ ký của Hiệu trưởng Nguyễn Văn Lơn (cắt dán phô tô chữ ký), xin chữ ký của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa để gửi cho Nhật.
Sau đó, Trần Thành Nhật đã giả mạo con dấu của Bộ GD&ĐT rồi gửi lại cho Tâm. Có trong tay danh sách chữ ký và dấu đỏ xác nhận của Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh Thanh Hóa, Tâm đến gặp Hiệu trưởng trường Đại học Y Hải Phòng và được phê vào văn bản chấp nhận đào tạo.
Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận số sinh viên của trường Trung cấp Văn Hiến, trường Đại học Y Hải Phòng phát hiện có nhiều dấu hiệu sai phạm nên đã làm công văn yêu cầu trường Văn Hiến cung cấp các giấy tờ gốc để đối chiếu nhưng không thấy trường trả lời. Trường Đại học Y Hải Phòng đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc.
|
Cáo trạng của Viện kiểm sát tp Thanh Hóa về vụ việc ông Tâm giả con dấu, chữ ký. |
Sau đó, ông Nguyễn Đức Tâm tiếp tục bị điều tra thêm tội danh trốn thuế.
Theo kết luận của cáo trạng ngày 16/6/2015, trong thời gian từ 2009 đến 2012, trường Trung cấp y-dược Văn Hiến có tổng doanh thu từ việc thu tiền học phí, kinh phí đào tạo và các khoản thu khác của học sinh là hơn 56 tỷ đồng. Với chức năng là chủ tịch HĐQT, Nguyễn Đức Tâm không thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ theo quy định mà tự ý bớt doanh thu, chỉ kê khai báo cáo thực hiện nghĩa vụ nôp thuế thu nhập doanh nghiệp với Nhà nước hơn 38 tỷ đồng, không kê khai hơn 17 tỷ đồng.
Căn cứ vào lời khai, bằng chứng cũng như các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ, TAND thành phố Thanh Hóa đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Tâm 3 năm 6 tháng tù giam, truy thu 1,7 tỷ đồng và phạt 1,7 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Ngày 14/1/2013, sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa ra quyết định số 29/QĐ-SGDĐT đình chỉ tuyển sinh đối với các ngành đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp của Trường trung cấp Y dược Văn Hiến.
Ra tù... Chủ tịch HĐQT kiện đòi trường trả nợ
Đầu năm 2018, ông Nguyễn Đức Tâm ra tù, ngay lập tức phát đơn yêu cầu đòi lại trường Văn Hiến để trả nợ ngân hàng. Trong đơn khởi kiện của Tổng công ty Minh Tân – Công ty cổ phần ngày 18/1/2018, ông Tâm đề nghị tòa án buộc ông Đàm Lê Đồng và Vũ Ngọc Kha trả lại tài sản là toàn bộ công trình xây dựng, tài sản gắn liền trên đất, các trang thiết bị tại xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa (nơi đặt trụ sở trường Văn Hiến) cho công ty Minh Tân.
Liên tiếp sau đó, các thành viên HĐQT trường Văn Hiến gửi đơn lên tòa án tỉnh Thanh Hóa yêu cầu phản tố, phủ nhận nội dung đơn đòi trường và gửi đơn tố giác lên Viện kiểm sát tỉnh tố cáo ông Tâm có dấu hiệu của tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản được quy định trong Bộ luật hình sự tại các điều 175 và điều 355.
|
Ngôi trường bỏ hoang từ năm 2013 |
Có thể thấy, trong đơn của Công ty Minh Tân, ông Tâm vẫn vin vào quyết định cũ (đã bị hủy bỏ) trong đó có câu "Trường Trung cấp Văn Hiến là đơn vị ngoài công lập thuộc công ty cổ phần Minh Tân" để đòi quyền sở hữu trường.
Tuy nhiên, sau hàng loạt kiến nghị và khiếu nại của 2 thành viên HĐQT còn lại của trường Văn Hiến, Bộ Lao động, thương binh và xã hội vào cuộc xác minh, chỉ rõ sai phạm bằng Quyết định 619 ngày 27/4/2017, mãi đến năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa mới sửa đổi nội dung trái luật.
Vấn đề là, đơn vị nào đã tham mưu để UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định trái luật làm trường Văn Hiến khốn đốn?
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.