Đi dọn cỏ phát hiện nấm khổng lồ
Hơn mười ngày nay gia đình bà Vũ Thị Luyến bối rối khi phát hiện trong vườn nhà mình có cây nấm khổng lồ to hơn chiếc nón. Ngay sau đó bà đã gọi vào số điện thoại đường dây nóng của Báo KH&ĐS để thông báo sự việc, nhờ báo kết nối với các nhà khoa học để biết rõ về nấm này.
Sáng ngày 20/11 chúng tôi đã về gia đình bà Luyến để mục sở thị cây nấm khổng lồ. Bà Luyến dẫn chúng tôi ra khu đất của gia đình và nói: "Cách đây 38 năm về trước, nơi đây vẫn là một bãi bùn lầy, tôi cùng một người bạn đã ra đây khai hoang, san lấp mặt bằng để cấy lúa. Sau này người bạn đó đi lấy chồng để lại cho mình tôi cai quản khu đất này. Gia đình tôi san lấp mặt bằng trồng các loại cây cối trong vườn.
9 năm về trước vợ chồng tôi bàn nhau mua giống cây măng ở tận huyện Chí Linh về trồng lấy măng củ ăn. Măng đẻ mầm lấy không hết, quá lứa lỡ thì mọc thành những bụi tre um tùm. Mấy năm trước chính quyền xã Tân Hồng cho người ra cưỡng chế khu vực đất gia đình tôi ở, họ cho chặt tre và đổ cát san lấp mặt bằng".
Bà Luyến cho hay, mười ngày trước, đi phát quang cây cỏ trong vườn bà đã phát hiện một cây nấm khổng lồ, lúc đầu bà tưởng rằng đó là cái chậu hoa cảnh người ta ném ở góc vườn. Nhưng khi bà lại gần thì đó là cây nấm. Nhưng lạ kỳ thay cây nấm này có hình dáng lạ thường, kính thước khổng lồ khiến bà và người dân nơi đây kinh ngạc.
Bà Luyến bảo: Khu đất của gia đình tôi trước đây cũng từng trồng nấm, nhưng đó chỉ là nấm cơm để ăn chứ chưa bao giờ nhìn thấy loại nấm khổng lồ như vậy. Khi chúng tôi có mặt tạị gia đình bà Luyến thì cây nấm đó đã được bà đào mang về nhà cất giữ. Vì từ khi gia đình bà phát hiện cây nấm lạ, hằng ngày có nhiều người đến ngắm nhìn, nhiều kẻ muốn lấy cắp cây nấm. Gia đình bà đã mua cả lưới thép B40 về để quây lại, nhưng vẫn không yên tâm nên cuối cùng bà chọn giải pháp an toàn là đào nấm về để bảo quản.
|
Bà Luyến giữ gìn cây nấm như vàng. |
Nấm khổng lồ có phải là thần dược?
Bà Luyến mở cửa dẫn tôi vào nhà, vẻ mặt còn chưa tin tưởng, sợ tôi mạo danh về đánh cắp nấm đi. Vì thế, trước khi cho tôi xem nấm bà phải hỏi cặn kẽ. Tôi thật bất ngờ khi bà Luyến vác một cây nấm khổng lồ trên tay, bà đặt nấm trên cân, cân thử đựợc 13kg. Sau đó bà đặt thước đo chiều cao của cây nấm là 46cm. Chu vi bán kính của nó là 52cm. Theo quan sát của chúng tôi, cây nấm đựợc phân làm ba tầng khác nhau, phần rễ, phần thân và phần ngọn xòe ra như chiếc ô. Đến chiếc nón đặt vào phần đầu của cây nấm cũng bị lọt thỏm.
Theo bà Luyến, cây nấm khổng lồ mọc trên nền gốc của bụi tre bị mục. Thân cây tre mục vẫn còn bám ở rễ cây nấm. Nhưng có điều lạ lùng là cây nấm này không giống bất kỳ loại nấm nào, vừa giống nấm linh chi, vừa giống các loại nấm khác. Hiện tại, bên cạnh của cây nấm khổng lồ vẫn còn một cây nấm con khác. Sợ người dân vào nhổ trộm nên ngày đêm bà Luyến phải trông giữ.
Từ ngày gia đình bà Luyến mang cây nấm khổng lồ về nhà, hằng ngày có nhiều người dân hiếu kỳ đến xem, có người thì bảo đó là loại nấm thần dược, có thể chữa được bệnh ung thư, có người muốn bà nhượng lại để họ đi xét nghiệm. "Từ xưa đến giờ người dân trong vùng chúng tôi chưa nhìn thấy cây nấm nào to như thế này, vì thế khi tôi mang nó về nhà người dân ào ào đến xem. Tôi mang về phơi khô và cất giữ cẩn thận. Vì chưa biết đây là loại nấm gì nên tôi chưa dám sử dụng. Gia đình tôi mong muốn các nhà khoa học nghiên cứu xem đây là loại nấm gì, có thể chữa bệnh được không?", bà Luyến cho biết.
|
Hiện trong vườn nhà bà Luyến vẫn còn một cây nấm nhỏ. |
Có thể là một dạng nấm linh chi
Cầm mẫu vật cây nấm khổng lồ mà chúng tôi mang từ Hải Dương về, ông Ngô Xuân Nghiễn, Trưởng phòng Nghiên cứu nấm ăn, Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật, Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết: "Theo quan sát tôi có thể xác định đây là một dạng nấm linh chi, có mùi thơm đặc biệt. Nó như là một trong những vị dùng trong thuốc Bắc. Tuy nhiên, loại nấm linh chi này có tính dược liệu hay không cần phải đánh giá về mặt hình thái, mang mẫu đi phân tích mới biết được. Giả sử nó là loại nấm linh chi có tính dược liệu cần phải bảo tồn để phát triển nguồn gen quý đó".
Theo ông Nghiễn thì loại nấm này trong rừng rất nhiều, nấm linh chi có nhiều chủng loại khác nhau. Tuy nhiên, nấm linh chi là loại phá gỗ (được mọc và sinh sống nhờ các thân cây gỗ bị mục). Vì thế, cũng có vài loại nấm này có tính dược liệu sử dụng chữa bệnh.
Ông Nghiễn cho hay, nếu cây nấm nhà bà Luyến có tính dược liệu thì cần trải qua nhiều năm nghiên cứu mới có thể sử dụng được. "Năm 1996 chúng tôi phát hiện một loại nấm linh chi có tính dược liệu, sau đó làm đề tài nghiên cứu phân tích đặc tính, định lượng một số nhóm hoạt chất trong nấm đó. Viện Dược liệu cung cấp mẫu linh chi chuẩn, xác định hoạt chất để so sánh với loại cần nghiên cứu. Sau khi nghiên cứu thành công loại linh chi mới, phải đưa vào các cơ quan y tế để thử nghiệm xem sử dụng có hiệu quả không. Nếu có hiệu quả thì các cơ quan Nhà nước mới xác định đó là linh chi gì. Gần chục năm chúng tôi mới nghiên cứu thành công một loại nấm", ông Nghiễn kể.
Ông Nghiễn khuyến cáo, gia đình bà Luyến chưa nên sử dụng nấm đó. Vì chưa xác định thuộc tính của nó, tránh những rủi ro trong quá trình sử dụng. Trước mắt người dân nên bảo quản cây nấm thật tốt để các nhà khoa học có thể nghiên cứu.
Từ xưa trong vùng chưa thấy cây nấm nào to như vậy. Tôi đã đến xem, nhưng không biết đó là nấm gì. Người dân rất mong các nhà khoa học nghiên cứu để tìm ra tên gọi của loại nấm này?
Ông Nguyễn Văn Huân (Trưởng thôn Nhuận Đông, xã Bình Minh, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương)
"Để xác định thuộc tính của cây nấm khổng lồ này, chúng tôi sẽ xin ý kiến của GS.TSKH Trịnh Tam Kiệt, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà nghiên cứu cứu phân loại hàng đầu của nước ta về nấm. Chúng tôi sẽ mang mẫu của cây nấm cho ông Kiệt phân tích. Nếu xác định nó thuộc loại nấm quý, có thể sử dụng làm dược liệu thì chúng tôi sẽ tổ chức xuống tận nơi để lấy mẫu nghiên cứu".
Ông Ngô Xuân Nghiễn (Trưởng phòng Nghiên cứu nấm ăn, Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật, Viện Di truyền Nông nghiệp)