Sửa cầu Thăng Long: Giáo sư Việt đi đâu hết cả rồi?

Google News

 Mời chuyên gia sang sửa chữa mặt cầu Thăng Long!!! Chẳng lẽ Việt Nam không làm nổi cái việc sửa mặt cầu?

Để thực hiện sửa chữa mặt cầu Thăng Long, Tổng cục Đường bộ mời chuyên gia Nga để hỗ trợ hợp tác. Và để chuyên gia hợp tác được, phải chuyển tài liệu cho họ nghiên cứu trước, đồng thời phía Nga sẽ tổ chức đoàn đi khảo sát tình hình thực tế.
Ngoài ra, theo dự kiến cũng phải mời chuyên gia Trung Quốc sang vận hành một số máy móc.
Không có người giỏi thì mời chuyên gia nước ngoài, đành phải vậy thôi. Nhưng càng nghĩ càng thấy khó hiểu quá.
Sua cau Thang Long: Giao su Viet di dau het ca roi?
Ảnh minh họa 
Cầu Thăng Long được khởi công xây dựng năm 1974 và chính thức khánh thành vào ngày 9.5.1985. Đã 35 năm trôi qua, chẳng lẽ Việt Nam không đào tạo ra được đội ngũ kỹ sư, chuyên gia cầu đường có thể sửa chữa được cái mặt cầu đã xây cách đây chừng đó năm. Quá vô lý.
Trong rất nhiều năm, du học sinh Việt Nam học ở Liên Xô cũ, sau này là Nga, nghiên cứu sinh ngành xây dựng cầu đường không ít, vậy thì nay họ đi đâu?
So với thời đại này, công nghệ xây cầu Thăng Long đã quá lạc hậu. Chẳng lẽ giáo sư, tiến sĩ của Việt Nam không thể cải tiến để xử lý tốt hơn hay sao? Công nghệ ngày nay tiến quá xa, sao lại bó tay trước cái mặt cầu xây theo công nghệ của 35 năm trước.
Vậy thì 4.0, vậy thì cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vậy thì "Make in Việt Nam" chỉ là câu khẩu hiệu.
Và bi kịch phụ thuộc chuyên gia là ở chỗ, không có họ thì việc không chạy. Thi công thảm bê tông mặt cầu Thăng Long phải có sự có mặt của đoàn chuyên gia nước ngoài mới có thể triển khai, nhưng chuyên gia chưa có mặt tại Việt Nam do dịch COVID-19, hiện nay hàng ngày vẫn phải họp trực tuyến.
Đi thực tế hiện trường ngày 31.8, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể được báo cáo, theo kế hoạch, ngày 5.9 một số nhân sự chuyên gia bắt đầu tới Việt Nam, sau đó thực hiện cách ly 14 ngày theo quy định và dự kiến ngày 20.9 mới có mặt trực tiếp tại hiện trường để triển khai công việc.
Ông Thể cho rằng, không thể cứ làm việc trực tuyến mãi, không thể “ngồi chờ” chuyên gia, phải có con người cụ thể trên công trường.
Đúng là không thể ngồi chờ, bởi vì theo kế hoạch phải thông xe trước ngày 31.12.2020. Nhưng "mắc kẹt" ở chỗ, chuyên gia Trung Quốc thì chưa sang, còn chuyên gia Việt lại không đảm đương được. Thật khó cho Bộ trưởng Thể trong ca này.
Hãy coi chừng, đừng để sau khi sửa xong, một thời gian sau báo chí lại đưa tin "Mặt cầu Thăng Long hỏng là do... thời tiết", như đã từng là tin "hot" cách đây 10 năm.
>>> Mời các bạn xem thêm video: Kiểm soát chặt việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long ở Hà Nội

Nguồn:Truyền hình Vĩnh Long TH


Theo laodong.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)