Mặt cầu Thăng Long sẽ có độ bền trên 10 năm?

Google News

Ngày 30/7, tại Hà Nội, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) tổ chức giới thiệu giải pháp công nghệ sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Đây là công trình đặc biệt nhận được sự quan tâm lớn của các nhà khoa học cũng như cộng đồng, nhất là về giải pháp công nghệ.

GS.TS Tống Trần Tùng, nguyên giảng viên trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội nêu rõ: Hiện kết cấu cầu Thăng Long vẫn ổn định, chỉ hư hỏng lớp phủ bên trên. Cũng cần nhắc lại, năm 2005, chúng ta đã có sai lầm trong giải pháp sửa chữa, cào bóc lớp 3 phân mặt cầu để thảm lại là “lợi bất cập hại”. Sau đó cũng chỉ là những giải pháp cầm cự, như đến năm 2009 việc sửa chữa bằng kết cấu bê tông ASPHALT không dính bám, chống thấm không phù hợp tại Việt Nam. Chỉ có 6-7 cm, khi xe nặng chạy và lớp mặt này không chịu lực hoàn toàn nên nhanh xô. Các sửa chữa về sau thực chất là vá víu để đảm bảo sự êm thuận cho các phương tiện giao thông.
Mat cau Thang Long se co do ben tren 10 nam?
 Thí nghiệm công nghệ sửa chữa cầu Thăng Long.
“Với phương pháp neo đinh để cố định các điểm trên bản mặt cầu như giải pháp sẽ được áp dụng tới đây, hy vọng sẽ có hiệu quả cao, đáp ứng được mục tiêu sửa lần này là phải tạo ra dính bám giữa lớp phủ với bản mặt thép, tăng cường độ cứng khung, kết cấu chịu lực nhằm kéo dài tuổi thọ của cây cầu”, ông Tùng đánh giá.
Về phía nhà thầu, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cho biết: Công nghệ thảm lớp bê tông tính năng siêu cao (UHPC) đang được các nước châu Âu, châu Mỹ sử dụng nhiều. Công nghệ UHPC có ưu điểm là phù hợp với mặt cầu bản thép.
Cụ thể, lớp bê tông thảm có cường độ chịu nén cao, đặc biệt là có khả năng uốn dẻo, kéo giãn mà không bị rách. So với trước đây, lớp bê tông đã thảm trên mặt cầu Thăng Long thường đông cứng sau khi thảm, khi mặt cầu có rung lắc thường bị nứt, rách. Nhưng với các ưu điểm của công nghệ UHPC sẽ phù hợp với cấu tạo bản thép và thực trạng vận hành hiện nay của cầu Thăng Long.
Và vấn đề tuổi thọ của mặt cầu sau lần sửa chữa này cũng đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) thông tin: công nghệ được lựa chọn để sủa chữa mặt cầu Thăng Long đã được áp dụng ở nhiều nước như: Hà Lan, Bỉ, Đức, Pháp, Mỹ, Trung Quốc. Đây là dự án có độ khó, phức tạp và là công trình đường bộ duy nhất của đất nước được xây dựng từ những năm 1974 và hoàn thành năm 1985. “Phương pháp sửa chữa lần này sẽ sử dụng đinh neo để neo bản mặt thép với lớp bê tông tính năng siêu cao (UHPC) có cường độ chịu nén lên đến 120 - 150 Mpa phía trên, cường độ này gấp 3 - 4 lần bê tông thông thường. Do đó, việc sửa chữa cầu Thăng Long lần này sẽ thành công với tuổi thọ trên 10 năm”, ông Sỹ khẳng định.
Theo Đại Đoàn Kết

>> xem thêm

Bình luận(0)