Sát hại cụ ông 87 tuổi: Nghi phạm thoát án nếu tâm thần?

Google News

(Kiến Thức) - Thời điểm gây án, Mạnh mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất hoàn toàn khả năng nhận thức, điều khiển hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Vụ án đặc biệt nghiêm trọng vừa xảy ra tại Hưng Yên khi một ông lão 87 tuổi bị nam thanh niên hàng xóm chém tử vong đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Đáng chú ý, nghi phạm Đào Đức Mạnh (SN 1988, trú tại thôn 2, xã Thuần Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) không có mâu thuẫn với nạn nhân Nguyễn Tường H. (SN 1932) là hàng xóm. Tuy nhiên, nghi phạm có dấu hiệu bị thần kinh nên dẫn đến vụ án trên.
Dư luận quan tâm, trong trường hợp nghi phạm bị mắc bệnh tâm thần gây nên vụ án mạng trên thì theo quy định của pháp luật sẽ xử lý như thế nào?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho hay, những người có tiền sử bệnh tâm thần ở và những người mắc bệnh tâm thần là những mối hiểm họa cho những người xung quanh, nếu không được kiểm soát tốt, họ có thể gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của những người xung quanh và chính những người trong gia đình những người này.
Sat hai cu ong 87 tuoi: Nghi pham thoat an neu tam than?
 Lực lượng công an khống chế nghi phạm Mạnh.
Trong vụ án mạng nam thanh niên sát hại ông hàng xóm ở Hưng Yên, nếu đối tượng gây án có tiền sử bệnh tâm thần hoặc người có biểu hiện trầm cảm, thần kinh không ổn định, nghi ngờ có dấu hiệu tâm thần hoặc mắc bệnh khác làm mất, hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi, cơ quan điều tra cần thực hiện các thủ tục để giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để trưng cầu giám định tâm thần theo quy định pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, đối tượng gây án sẽ được bàn giao cho bệnh viện tâm thần trung ương để kiểm tra sức khỏe, theo dõi trong một khoảng thời gian nhất định, với sự tham gia của các giám định viên, các bác sĩ tâm thần để xác định mức độ bệnh tật, khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của đối tượng. Kết luận của cơ quan thẩm định sẽ làm căn cứ để giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.
Nếu kết quả giám định tâm thần cho thấy trước, trong và sau khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, đối tượng Mạnh đã mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác làm mất hoàn toàn khả năng nhận thức, điều khiển hành vi thì đối tượng này sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Trong trường hợp, kết quả giám định tâm thần cho thấy đối tượng này không mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc kết quả giám định cho thấy đối tượng này chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thì đối tượng này vẫn bị chi cứu trách nhiệm hình sự nhưng khi xét xử tòa án sẽ xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt bởi nguyên nhân khách quan tác động đến hành vi của đối tượng.
Còn trường hợp đối tượng thực hiện hành vi do nóng này, cục súc hoặc do tự mình sử dụng các chất kích thích như rượu, ma túy dẫn đến ảo giác và thực hiện hành vi phạm tội thì đối tượng này vẫn hoàn toàn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi do mình gây ra.
“Trong vụ việc xảy ra tại Hưng Yên, nếu đối tượng có tiền sử bệnh tâm thần hoặc có biểu hiện mắc bệnh tâm thần, có bất thường trong giao tiếp, cơ quan điều tra sẽ tiến hành trên cầu giám định tâm thần với đối tượng này, làm căn cứ giải quyết vụ án theo quy định pháp luật. Nếu kết quả giám định tâm thần cho thấy đối tượng không mắc bệnh hoặc chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức thì đối tượng này sẽ bị xử lý về tội giết người theo quy định tại điều 123 Bộ luật Hình sự với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là có tính chất côn đồ, phạm tội với người già”, Luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật thì hành vi xâm hại tính mạng, sức khỏe... của người khác bị xử lý hình sự khi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm, trong đó có dấu hiệu về mặt chủ thể: chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội phải có năng lực hành vi dân sự, phải đủ điều kiện về tuổi và khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình, khi đó mới xác định được lỗi của người đó, làm cơ sở để buộc tội.
Khi một người bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi thì mọi hành vi do người đó thực hiện đều không có lỗi - Không thỏa mãn điều kiện dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm.
Bởi vậy, bất cứ hậu quả nào xảy ra thì cũng không thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm nên về mặt lý luận thì không đủ cơ sở để xử lý hình sự đối với các trường hợp này.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)