Hội nghị góp ý dự thảo sửa đổi Luật BHXH do LĐLĐ TP HCM tổ chức đã diễn ra vào chiều 21/3, với sự tham gia của đại diện các LĐLĐ cấp trên cơ sở, cán bộ Công đoàn một số doanh nghiệp (DN) có từ 5.000 lao động trở lên, Hội Luật gia thành phố…
Mạnh tay với doanh nghiệp nợ BHXH
Tại hội nghị, các đại biểu góp ý nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi người lao động (NLĐ), trong đó được quan tâm và thảo luận nhiều nhất là các quy định liên quan đến BHXH một lần và xử lý DN nợ BHXH.
Đề cập đến vấn đề nợ BHXH, ông Nguyễn Duy Minh, cán bộ LĐLĐ Huyện Hóc Môn, cho hay thời gian qua trên địa bàn huyện xảy ra nhiều vụ chủ DN bỏ trốn khi đang nợ lương, BHXH của NLĐ. Để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, LĐLĐ huyện đã đại diện công nhân khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, dù thắng kiện thì số tiền thu được từ việc thanh lý tài sản chỉ thanh toán được một phần lương cho NLĐ, còn khoản nợ BHXH vẫn còn đó. Tình trạng này khiến NLĐ không được giải quyết hưởng BHXH một lần dù sau đó có tiếp tục tham gia. "Theo yêu cầu của cơ quan BHXH, muốn được giải quyết chế độ, NLĐ phải cung cấp được quyết định phá sản của DN. Đây là đòi hỏi vô lý bởi chủ DN đã bỏ trốn thì làm sao có quyết định phá sản. Do vậy, khi sửa đổi Luật BHXH, cần có giải pháp xử lý tình trạng này để bảo đảm quyền thụ hưởng của NLĐ" - ông Minh đề nghị.
Theo ông Phạm Văn Hiền, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP HCM, việc DN nợ BHXH không thể thu hồi không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ mà còn khiến họ mất niềm tin vào chính sách. Do đó, cần bổ sung quy định phong tỏa tài khoản, đình chỉ giấy phép kinh doanh và tiến hành khởi kiện đối với DN nợ BHXH trên 3 tháng để tăng tính răn đe. Đồng tình với ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Phát, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nikkiso Việt Nam (quận 7, TP HCM), cho rằng không nên chờ khi DN nợ BHXH trên 6 tháng mới xử lý mà cần có biện pháp tức thời ngay khi phát sinh nợ vì để càng lâu, nợ BHXH càng nhiều, NLĐ càng thiệt thòi quyền lợi.
Đề cập đến quy định quyền khởi kiện về BHXH, ông Dương Văn Thuận, cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, kiến nghị cần làm rõ là khởi kiện ai, kiện người sử dụng lao động (NSDLĐ) hay cơ quan BHXH? Theo ông Thuận, đối tượng bị kiện là cơ quan BHXH sẽ phù hợp hơn bởi đây là nơi được pháp luật giao trách nhiệm thu, chi BHXH; tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ BHXH đầy đủ, đúng thời hạn và quyền của NLĐ là được nhận các chế độ BHXH đầy đủ, kịp thời, thuận tiện. Vì vậy, trong trường hợp quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ bị ảnh hưởng thì NLĐ có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho Công đoàn hay tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở khởi kiện cơ quan BHXH ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH. "Quan hệ giữa cơ quan BHXH và NSDLĐ là quan hệ hành chính. Nếu NSDLĐ nợ BHXH bắt buộc thì cơ quan BHXH có quyền xử lý vi phạm hành chính hay khởi kiện ra tòa đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH" - ông Thuận bày tỏ.
Công nhân một doanh nghiệp tại quận 12, TP HCM khốn đốn khi chủ doanh nghiệp nợ BHXH bỏ trốn
Chính sách phải ưu việt
Dự thảo sửa đổi Luật BHXH lần này đề xuất 2 phương án giải quyết chế độ BHXH 1 lần cho NLĐ. Phương án 1 là giữ nguyên quy định hiện hành (Nghị quyết 93/2015/QH13); phương án 2, NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu, ghi nhận trên sổ BHXH để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Hầu hết ý kiến tại hội nghị đều thống nhất chọn phương án 1. Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM), cho hay NLĐ tại công ty đồng tình với phương án 1 là giữ nguyên quy định hiện hành. Bên cạnh đó, cần xem xét đến việc giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu còn 15 năm thay vì 20 năm như trước đây. Theo ông Nghiệp, khoản BHXH một lần phần nào giúp NLĐ giải quyết khó khăn trong cuộc sống, do đó nếu giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu còn 15 năm thì trước thời gian đó nếu cần, NLĐ cũng sẽ xin nghỉ để rút BHXH một lần. Điều này khiến NLĐ mất an sinh trong thời gian chờ hưởng chế độ, DN mất lao động và quỹ BHXH cũng bị ảnh hưởng.
Bà Nguyễn Thị Phát chia sẻ hiện nay có nhiều NLĐ đóng BHXH được gần 15 năm hay 20 năm rút BHXH một lần nhưng tuổi đời còn trẻ nên sau đó vẫn tiếp tục đi làm và tham gia tiếp BHXH ở đơn vị mới. Để giữ NLĐ tham gia BHXH lâu dài, liên tục, cách hiệu quả nhất chính là làm cho họ thấy được sự ưu việt của chế độ hưu trí để đưa ra lựa chọn phù hợp chứ không phải tìm biện pháp hạn chế họ rút BHXH một lần.
Theo bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, số tiền rút từ BHXH một lần có thể xem là tài sản của NLĐ. Việc hạn chế hay không cho phép NLĐ nhận BHXH một lần là vi phạm quyền tài sản của công dân. Do vậy, nếu áp dụng phương án 2 là vi hiến. "Do đó, không nên hạn chế rút BHXH một lần mà cần vận động, giải thích, tuyên truyền để NLĐ thấy được tính ưu việt của chế độ hưu trí, từ đó tiếp tục ở lại hệ thống an sinh" - bà Hương đề xuất.