Xã Hải Thái có hơn 100 người chết và 32 người bị thương trong quá trình đào bới bom mìn, tìm kiếm phế liệu chiến tranh để kiếm tiền lo miếng ăn hàng ngày.
Nghề chết chóc
Chúng tôi đến xã Hải Thái (huyện Gio Linh), nằm ở phía bắc đồi Phu-lơ, nơi người dân sinh ra cái nghề nghiệt ngã nhất tỉnh Quảng Trị, nghề tìm kiếm phế liệu chiến tranh. Mới nghe nói đến nghề này ai cũng rợn mình, vì đến với nghề là phải chấp nhận làn ranh giữa mạng sống và cái chết mỏng như sọi tóc, dù có “nghệ tinh” đến mấy.
|
Quả bom này được cơ quan chức năng mang đi hủy sau khi giành lại nó từ một tay cưa bom. |
Ngồi uống nước chè xanh, ông Nguyễn Văn Hòa, một người trước đây nổi tiếng trong giới tìm kiếm phế liệu chiến tranh, phóng tầm mắt nhìn những thanh niên chạy xe Honda chở theo máy rà tìm phế liệu thẳng hướng vượt rừng để hành nghề, mà trầm ngâm: Cho đến tận bây giờ, nghĩa là hơn bốn mươi năm sau khi đất nước hòa bình, khối lượng bom, mìn và phế liệu chiến tranh còn lại trên mặt đất ở xã Hải Thái, huyện Gio Linh cơ bản đã được dọn dẹp sạch sẽ, bom mìn còn lại chỉ nằm sâu dưới lòng đất.
Ngày ấy, bom mìn chưa nổ và phế liệu chiến tranh nhan nhản nên người dân chúng tôi đã mưu sinh bằng nghề rà phá tìm kiếm phế liệu chiến tranh để bán kiếm tiền. Cái nghề mà có lẽ những người làm từ điển cũng chẳng muốn cập nhật vào làm gì cho nặng đầu.
Cả xã, chẳng ai tự hào với cái nghề chết chóc này. Nhưng khi thiếu đói thì chẳng ai sợ chết đâu, họ bất chấp, làm liều. Bằng lối kể chuyện từ từ pha lẫn chút xót xa, ông Hòa đưa chúng tôi trở về những ngày sống với công việc dọn dẹp, đào bới, buôn bán phê liệu chiến tranh để kiếm tiền lo cuộc sống.
Ông Hòa nói trong một ngàn người đi tìm kiếm phế liệu chiến tranh thì may ra chỉ có một người có nhu cầu buôn bán, kiếm lãi, còn lại tất cả đều lo cho miếng ăn hàng ngày.
Với người nông dân, lo đủ miếng ăn hàng ngày cho gia đình luôn là một nhiệm vụ, trách nhiệm nhưng vô cùng khó khăn. Nên khi bụng đói thì họ không sợ chết, lao đi kiếm cái ăn, bất chấp nguy hiểm. Ngày đó, cả xã Hải Thái không sản xuất nông nghiệp, mà có đất đâu để sản xuất. Muốn có đất cũng như có tiền mua gạo, công việc trước hết phải dọn dẹp bom mìn, khi đất sạch thì sản xuất trồng cây, trong quá trình dọn đất tận dụng vật liệu chiến tranh bán kiếm tiền sinh sống hàng ngày.
Hải Thái ngày đó như một bãi chiến trường ngổn ngang, nhà nhà đi tìm kiếm phế liệu chiến tranh. Bất chấp bom đạn nguy hiểm rình rập, bà con vẫn lao vào chỗ chết để kiếm tiền nuôi sống con người. Nhà ông Hòa có 8 người con, đứa nào cũng theo bố mẹ lên rừng dựng trại đi tìm kiếm phế liệu chiến tranh.
Đứa nhỏ thì xách nước dưới suối về, đứa lớn hơn một tí thì dựng trại nấu cơm để đến giờ trưa cả gia đình nghỉ tay là có cơm ăn ngay rồi tiếp tục quay lại đào bới đất đai, thu lượm phế liệu chiến tranh. Có nhiều khi tối đến không về nhà, gia đình ông cùng bà con, bạn bè ở lại luôn lán trại giữa đồi để ngày hôm sau tiếp tục công việc.
Cứ thế, họ đào bới phế liệu từ quả đồi này đến quả đồi khác. Quanh vị trị đồi Phu- lơ, nơi căn cứ ngày trước của Mỹ đóng quân, nhiều người đã cày nát để tìm kiếm phế liệu. Họ thu gom tất cả từ miếng nhôm, miếng sắt, miếng đồng đến những quả đạn chưa nổ như M79, bom bi, bom tạ, tấn... Tất cả đều được hóa ra tiền, bạc, là gạo cơm của cuộc sống.
Tôi cắt ngang câu chuyện xin hỏi về thông tin các đứa con của ông cho đến bây giờ có cuộc sống như thế nào. Ông Hòa thở phào nhẹ nhõm cho biết khi kiếm được một ít tiền từ những ngày đi đào bới bom mìn, phế liệu, ông mang ra làm vốn nuôi heo kiếm tiền cho các con đi học.
Trong những đứa con của ông bây giờ có hai người thành đạt hơn, người mang tên Anh đang làm chủ tịch xã, người mang tên Thái nay đang giảng dạy tại Đại học Khoa học Huế. Các đứa con còn lại của ông bà không có đứa nào nghèo khó nữa.
Tâm sự của người cưa bom
Tạm biệt ông Hòa, chúng tôi gặp anh Xu, một người nổi tiếng khắp vùng với việc cưa bom. Anh Xu thừa nhận chính cái đói, nghèo, không có việc làm ổn định đã dẫn con người đến nới đối diện thần chết.
Vợ con nheo nhóc, cơm không có ăn, áo không có mặc, ngày ấy, anh Xu như người chán sống. Anh lại lang thang, phiêu bạt như kẻ bất cần đời để đi chơi. Đến khi chán chơi, anh lại lao vào nghề tháo gỡ bom, cưa xẻ bom mìn để được… chết cho sướng thân.
Anh làm tôi rợn cả mình khi kể lại ngày nào trong hành trang của anh cũng có cưa, búa tạ, kìm, những dụng cụ tháo bom. Có hôm anh cưa đến vài quả bom, nhưng chẳng quả nào chịu… nổ để anh lìa khỏi cuộc đời này.
Anh Xu nói ngày đó, bom mìn còn rất nhiều, cũng chẳng mất công đào bới vì nó nằm trên mặt đất nên ai muốn làm gì thì làm, tùy vào khả năng... liều chết của mình.
Anh nhớ lại một hôm, khi đang đi vào vùng nguy hiểm để tháo gỡ bom mìn, người bạn hồi học tiểu học gặp và hỏi, ông còn nhớ “chữ” không, tôi trả lời là có.
Bạn hỏi tiếp, ông có thấy tấm bảng to ở phía đầu kia không? Tôi quay lại nhìn thấy dòng chữ “bom, mìn nguy hiểm, phải tránh xa”, mà ngày nào mình cũng đọc đi, đọc lại nhiều lần, tự nhiên tôi thấy cay xè cả hai con mắt. Thẹn thùng quá, tại sao bạn mình ý thức được tháo gỡ bom mìn là nguy hiểm, huống gì mình biết chữ… Thế rồi, anh bừng tỉnh lại, muốn được sống an bình nên bỏ luôn cái nghề cưa bom.
Chủ tịch UBND xã Hải Thái Nguyễn Dư Anh thừa nhận câu chuyện buồn với nghề tìm kiếm phế liệu cứ dai dẳng trong cuộc sống của nhiều thế hệ. Xã có hơn 100 người chết và 32 người bị thương trong quá trình đào bới bom mìn, tìm kiếm phế liệu chiến tranh kiếm tiền lo miếng ăn, tăng gia sản xuất, xây dựng cuộc sống.
Bây giờ số người tham gia tìm kiếm phế liệu bom mìn không còn nhiều như trước đây nhưng không phải là đã chấm dứt. Chính quyền cũng luôn động viên, khuyến khích bà con bỏ hẳn cái nghề nguy hiểm đó, chuyển sang trồng cỏ nuôi bò, trồng rừng.
Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có gần 7.000 người bị tàn phế do bom mìn của chiến tranh còn sót lại. Trong một lần đến thăm nạn nhân bom mìn ở Quảng Trị, tỉ phú người Mỹ Freeman đã tài trợ 5 triệu USD giúp tỉnh này thực hiện chương trình nhân đạo hợp tác rà phá, tìm kiếm phế liệu chiến tranh còn sót lại, trong đó có địa bàn xã Hải Thái. Trong hơn 200.000 ha đất có bom mìn chiến tranh còn sót lại đến hôm nay chỉ mới có hơn 1.000 ha được dọn dẹp bom mìn, phế liệu chiến tranh để tổ chức tái định cư cho người dân.
Mời quý độc giả xem video: