Không phải là trường hợp đầu tiên nhưng vụ nổ ở Văn Phú, quận Hà Đông, TP Hà Nội có thể coi là tiếng bom cảnh tỉnh xã hội.
Vụ nổ diễn ra vào khoảng 15h10 chiều 19/3/2016 khiến 4 người chết, 10 người bị thương, 94 căn hộ bị hư hỏng trong đó cóa 36 căn hộ bị hư hỏng nặng. Vật liệu gây nổ được cho là khối kim loại hình trụ (khả năng rất lớn là một quả bom còn sót lại sau chiến tranh) bằng sắt đã hoen gỉ, đường kính khoảng 40-45cm, dài khoảng 80cm, khối lượng ước khoảng trên 100kg.
|
Hiện truờng vụ bom Văn Phú. |
Theo kết quả điều tra ban đầu ông Phạm Văn Cường (SN 1975), quê ở thôn Nam Hùng, xã Nam Hưng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, thuê nhà số 15 - TT19, Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông, TP Hà Nội để hành nghề thu mua phế liệu. Chiều 19/3/2016, ông Cường cắt phá khối kim loại này bằng đèn khò, nhiệt lượng đã kích nổ gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trước vụ nổ kinh hoàng ở Khu đô thị Văn Phú trong cả nước đã từng xảy ra hàng loạt vụ nổ do cưa phá bom mìn sót lại sau chiến tranh. Xin nêu một số vụ tiêu biểu gây hậu quả nghiêm trọng:
- Vụ nổ lúc 9h sáng 13/8/2014, làm hai người trực tiếp cưa bom tử vong tại chỗ là ông Võ Thắng (41 tuổi, ngụ thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) và Nguyễn Tấn An (25 tuổi).
- Vụ nổ lúc 6h ngày 28/5/2015, tại xã Mỹ Lợi B, huyện Cái Bè (Tiền Giang) làm ông Lê Văn Minh (52 tuổi, quê huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương), người cưa bom tử vong tại chỗ.
- Vụ nổ lúc 12h 45 ngày 30/7/2011 cũng do cưa bom, tại khu vực rẫy Đám Rậm, thôn Phú Quý, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi làm hai người chết tại chỗ và một người bị thương nặng.
Nạn nhân của những vụ nổ bom mìn nói trên đều là những người hành nghề buôn bán phế liệu.
Chiến tranh kết thúc đã hơn 40 năm nhưng hậu quả của nó còn nặng nề. Hàng trăm ngàn tấn bom đạn các loại vẫn còn ẩn trong lòng đất. Đây chính là hiểm họa khôn lường khi những quả bom mìn ấy được moi lên trở thành món hời trong buôn bán phế liệu. Ngoài ra, do sự phát triển kinh tế những năm gần đây, phế thải công nghiệp ngày càng nhiều. Đáng chú ý là các loại bình khí công nghiệp hết hạn sử dụng trở thành phế liệu nhưng lại được tái sử dụng mà không cần quan tâm đến tiêu chuẩn an toàn cháy nổ, có thể gây họa bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là trách nhiệm quản lí của các cấp các ngành. Từ vụ nổ ở Khu đô thị Văn Phú cho thấy việc quản lí các chủ vựa buôn bán phế liệu là hết sức lỏng lẻo. Làm sao có thể tưởng tượng được bên cạnh nhà mình, giữa khu dân cư lại có một kho "bom" mà chỉ khi nó phát nổ, gây chết chóc tan hoang thì người ta mới giật mình sửng sốt?
Những kho phế liệu tự phát ấy thường là rất chật chội, bề bộn, đầy ắp các thứ phế thải, có thể gây cháy nổ bất cứ lúc nào vì một sự bất cẩn hay sự cố chập điện… Hiểm họa lớn như vậy nhưng thử hỏi mấy ai quan tâm mặc dù chúng ta có đủ các ban bệ: Cảnh sát khu vực, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cán bộ môi trường, quản lý thị trường, tổ dân phố, đoàn hội… ?
Chỉ khi xảy ra cháy nổ lúc ấy người ta mới nháo nhào tìm cách để đẩy một quả "bom khác - "bom" trách nhiệm ra khỏi tầm gây hại cho mình. Rõ ràng ở đây có vấn đề về trách nhiệm quản lí. Trước hết là chuyện cấp phép hành nghề cho những chủ cơ sở kinh doanh phế liệu. Dường như trong thực tế đây chính là khoảng trống quyền lực của chính quyền để rồi bất cứ ai cũng có thể mở hàng buôn bán phế liệu, miễn là có địa điểm, không cứ mặt phố hay trong hẻm sâu.
Tôi được biết ở các nước công nghiệp, người ta quản lí hoạt động kinh doanh rất chặt chẽ bằng luật pháp. Công dân muốn mở tiệm buôn bán phải thỏa mãn rất nhiều điều kiện như trong vòng bán kính mấy trăm mét không có người khác kinh doanh cùng mặt hàng, rồi các tiêu chuẩn an toàn cháy nổ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường… rất nghiêm ngặt. Trường hợp vi phạm sẽ bị phạt nặng, bị tước giấy phép… Còn ở ta thì sao? Bất cứ ở đâu, trong thành phố, dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ hàng quán mọc lên như nấm, phần lớn chẳng cần xin phép chính quyền.
Từ chỗ lơ là việc cấp phép mà dẫn đến buông lỏng việc quản lí. Quá nhiều cơ quan có trách nhiệm những cuối cùng chẳng ai phải chịu trách nhiệm cả.
Liệu tiếng "bom" Văn Phú đã đủ độ vang để thức tỉnh chúng ta ngộ ra những bất cập trong công tác quản lí nhà nước để rồi lập tức chấn chỉnh ngay việc cấp phép hành nghề đặc biệt là những ngành nghề sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy nổ trong các khu đô thị, khu dân cư?