Quốc hội sắp bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ

Google News

Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm và bầu Chủ tịch Quốc hội - Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và nhiều lãnh đạo các cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021.

Trong phiên họp sáng 15/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Dự kiến thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp này là 12 ngày, khai mạc ngày 24/3, bế mạc ngày 8/4 (dự phòng ngày 9/4).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội sẽ dành thời gian thực hiện công tác nhân sự tại kỳ họp tới đây để kiện toàn một số chức danh Nhà nước. Trong đó, công tác nhân sự cần được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng, bảo đảm việc tiến hành tại kỳ họp chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục, đạt được sự đồng thuận cao.
Quoc hoi sap bau Chu tich Quoc hoi, Chu tich nuoc, Thu tuong Chinh phu
 Phiên họp thứ 54 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước và một số báo cáo khác liên quan đến ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV...
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác nhân sự; bầu, phê chuẩn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước.
Theo đó, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm và bầu Chủ tịch Quốc hội - Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Quốc hội cũng sẽ tiến hành bầu, miễn nhiệm lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, bao gồm: Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Tổng Thư ký Quốc hội, một số Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.
Theo chương trình dự kiến được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công tác nhân sự sẽ được Quốc hội tập trung tiến hành từ ngày 30/3.
Quy trình miễn nhiệm và bầu nhân sự cho chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ được tiến hành đầu tiên. Sau khi miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia bằng hình thức bỏ phiếu kín, Quốc hội sẽ thảo luận về nhân sự dự kiến cho chức danh này. Việc bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia cũng được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín. Cùng với quy trình này, Quốc hội cũng miễn nhiệm, bầu một số phó chủ tịch Quốc hội.
Sau khi kiện toàn xong chức danh Chủ tịch và một số phó chủ tịch Quốc hội, Quốc hội bắt đầu miễn nhiệm và bầu Chủ tịch nước. Dự kiến sáng 2/4, các đại biểu Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Chức danh tiếp theo được kiện toàn ngay sau đó là Thủ tướng. Việc miễn nhiệm, bầu Thủ tướng đều được thảo luận kỹ lưỡng trước khi tiến hành bỏ phiếu kín. Ngày 5/4, Quốc hội bầu người đứng đầu Chính phủ mới.
Quốc hội bắt đầu quy trình miễn nhiệm, bầu Phó chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao và một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, Tổng thư ký Quốc hội.
Sau khi có kết quả bầu cử các chức danh nói trên, tân Chủ tịch Quốc hội, tân Chủ tịch nước, tân Thủ tướng Chính phủ, tân Chánh án TAND Tối cao sẽ tuyên thệ trước Quốc hội, cử tri, đồng bào.
Quốc hội tiếp tục kiện toàn bộ máy Chính phủ bằng việc miễn nhiệm, phê chuẩn bổ nhiệm một số phó thủ tướng, bộ trưởng và thành viên Chính phủ.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, để thực hiện nguyên tắc làm việc (quyết định theo đa số) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến chương trình đã bố trí việc miễn nhiệm và bầu nhân sự thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tiến hành theo 3 đợt: Chủ tịch Quốc hội, một số Phó Chủ tịch Quốc hội, một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để luôn bảo đảm số lượng cần thiết thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Trước đó, tại Hội nghị Trung ương 2 khóa XIII, Trung ương đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, là những chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước với số phiếu tập trung rất cao. Bộ Chính trị cũng đã báo cáo xin ý kiến Trung ương trước khi Bộ Chính trị chính thức giới thiệu nhân sự đối với các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
>>> Mời độc giả xem thêm video Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác nhân sự

Nguồn: Truyền hình Nhân dân.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)