Luật Cảnh sát biển Việt Nam được Quốc hội thông qua gồm 8 chương, 41 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2019.
Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, luật quy định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.
Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.
|
Các đại biểu biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát biển. Ảnh: Quochoi.vn |
“Trong bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, Hải quân là nòng cốt; trong bảo vệ biên giới quốc gia trên biển, Bộ đội Biên phòng là nòng cốt; trong thực thi pháp luật trên biển, cảnh sát biển Việt Nam là nòng cốt; mỗi lực lượng đều được pháp luật quy định nhiệm vụ, chức năng cụ thể phù hợp với vị trí, vai trò của mình; đồng thời có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và quy định về việc phối hợp hoạt động (khoản 2 Điều 22), nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật”, ông Võ Trọng Việt nói.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam, có ý kiến cho rằng, quy định cảnh sát biển Việt Nam có nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia là rất rộng, bao trùm lên nhiệm vụ của Hải quân và các lực lượng khác; đề nghị quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của cảnh sát biển Việt Nam trong thu thập thông tin, phân tích đánh giá, dự báo tình hình để đề xuất chủ trương, giải pháp trong việc bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên các vùng biển Việt Nam.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, Cảnh sát biển Việt Nam là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia và là một trong những lực lượng được giao nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển; có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng khác để phát huy sức mạnh tổng hợp trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Do đó, dự thảo Luật quy định Cảnh sát biển Việt Nam có nhiệm vụ thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để đề xuất chủ trương, giải pháp, phương án bảo vệ an ninh quốc gia là phù hợp, không chồng chéo với Hải quân và các lực lượng khác.
Có ý kiến cho rằng, quy định đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật trên biển và quy định Cảnh sát biển Việt Nam có quyền tuần tra, kiểm tra, kiểm soát là chồng lấn lên chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Kiểm ngư.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết Cảnh sát biển Việt Nam và Kiểm ngư Việt Nam đều có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, phù hợp với vị trí, vai trò của mình theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Hơn nữa, dự thảo Luật đã quy định về nguyên tắc phối hợp xử lý hành vi vi phạm pháp luật trên biển liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều lực lượng để xử lý kịp thời, hiệu quả vi phạm pháp luật trên biển, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong quản lý, bảo vệ biển, đảo. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Luật cũng xác định ngày 28 tháng 8 hằng năm là Ngày truyền thống của Cảnh sát biển Việt Nam.
1. Biểu quyết thông qua Luật Chăn nuôi:
Với 93,61% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Chăn nuôi. Theo đó, Luật có 8 chương, 83 điều. Phạm vi điều chỉnh của Luật chăn nuôi quy định về hoạt động chăn nuôi, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi, quản lý nhà nước về chăn nuôi. Nội dung Luật chăn nuôi quy định cụ thể về công tác quản lý giống và sản phẩm giống vật nuôi; Thức ăn chăn nuôi; Điều kiện cơ sở chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi;Chăn nuôi động vật khác; Đối xử nhân đạo với vật nuôi; Quản lý nhà nước về chăn nuôi. Luật chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.
2. Biểu quyết thông qua Luật Trồng trọt:
Chiều 19/11, với 455 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành chiếm 93,81% tổng số đại biểu, Quốc hội đã chính thức thông qua thông qua Luật Trồng trọt. Luật gồm 7 chương, 85 điều, Luật Trồng trọt quy định về hoạt động trồng trọt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt. Luật Trồng trọt sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.
3. Biểu quyết thông qua Luật Đặc xá (sửa đổi):
Với 451 đại biểu tán thành, chiếm 92,99% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, Quốc hội chính thức thông qua Luật Đặc xá.
Luật Đặc xá (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV gồm 06 chương, 39 điều. Luật Đặc xá (sửa đổi) quy định về nguyên tắc, thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.
4. Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học:
Với 408 đại biểu tán thành, chiếm 84,12% tổng số đại biểu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đã sửa đổi, bổ sung 37 Điều của Luật Giáo dục đại học. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.