Chiều 9/12, TAND Cấp cao tại TP.HCM cho tiến hành tranh luận vụ Dương Thanh Cường (cựu tổng giám đốc Công ty Bình Phát, Chủ tịch HĐQT Công ty Thanh Phát) lừa đảo và Trầm Bê (cựu phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Nam, nay là Sacombank) cùng đồng phạm cho vay sai gây thiệt hại.
Sau khi kết thúc phần xét hỏi, đại diện VKS phát biểu quan điểm xử lý vụ án có kháng cáo và kháng nghị.
VKS xác định bị cáo Cường biết rõ thông tin về 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang thế chấp tại Agribank chi nhánh 6, nằm trong quy hoạch khu Nam Sài Gòn, không làm dự án được.
Tuy nhiên, Cường vẫn cho công ty Bình Phát lập hồ sơ vay vốn và thực hiện việc gian dối, đem bản chính 23 giấy chứng nhận đang thế chấp bổ sung vào hồ sơ vay tiền tại Sở giao dịch Ngân hàng Phương Nam để được cho vay tiền thông qua ba hợp đồng tín dụng.
Sau đó, Cường không có khả năng chi trả cho Ngân hàng Phương Nam. Đến nay, thiệt hại được xác định 505 tỉ đồng, chưa thu hồi được. Do đó, Cường phải chịu trách nhiệm hình sự đối với toàn bộ hậu quả thiệt hại thực tế xảy ra.
Trước đó, Cường nhiều lần bị tòa án các cấp xét xử về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và chưa được xóa án tích, nay bị cáo lại tiếp tục phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
|
Ông Trầm Bê ban đầu kháng cáo kêu oan sau chuyển sang xin giảm án. Ảnh: H.Y |
Bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Cường 16 năm tù về tội lừa đảo là chưa tương ứng với tính chất mức độ, hành vi và hậu quả mà bị cáo đã gây ra, chưa đủ tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm chung. VKS đề nghị HĐXX chấp nhận kháng nghị tăng hình phạt bị cáo này lên 20 năm tù.
Đối với Trầm Bê, Phan Huy Khang cùng bảy cấp dưới cho vay sai quy định, VKS xác đinh họ đã có những hành vi trái pháp luật, từ đó, tạo điều kiện cho bị cáo Cường chiếm đoạt tài sản của ngân hàng.
Ông Trầm Bê, Phan Huy Khang là người có vai trò chính trong vụ án, các bị cáo còn lại phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức. Bản thân các bị cáo biết rõ hành vi phạm tội của mình có thể gây ra hậu quả cho ngân hàng.
Từ đó, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận kháng nghị tăng hình phạt với ông Bê từ ba năm tù lên 6-7 năm tù, ông Khang từ hai năm sáu tháng lên năm năm sáu tháng tù… Bị cáo duy nhất bị xử phạt một năm án treo trước cũng bị đề nghị tăng án lên 2-3 năm tù giam.
Đối với kháng cáo xin giảm án của các bị cáo Trầm Bê, Khang và đồng phạm, VKS nhận định trong quá trình xét hồ sơ vay vốn đã có nhiều sai phạm, việc kiểm sát nguồn tiền sau khi giải ngân cũng có sai phạm. Hành vi của của các bị cáo vi phạm về quy chế cho vay, Luật Đất đai, sai phạm của các bị cáo đã dẫn tới thiệt hại cho ngân hàng Phương Nam. Cấp sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo là nhẹ, chưa tương xướng nên không có căn cứ xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Ông Trầm Bê biết công ty của Cường không đủ điều kiện để vay vốn nhưng vẫn cấp tín dụng, tạo điều kiện cho bị cáo Cường chiếm đoạt tài sản. Sau bản án sơ thẩm, bị cáo kháng cáo kêu oan nhưng sau đó nhận thức được hành vi của mình nên đã chuyển kháng cáo từ kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt.
Về dân sự, VKS đề nghị HĐXX buộc bị cáo Cường phải trả 185 tỉ đồng đã chiếm đoạt và chín bị cáo ngân hàng còn lại liên đới bồi thường 320 tỉ đồng cho Sacombank, tổng cộng là 505 tỉ đồng.
Trước đó trong phần xét hỏi, ngoài trình bày kháng cáo của các bị cáo, các ngân hàng liên quan đề nghị nhận lại tài sản đảm bảo.
Là bị cáo được xác định vai trò cầm đầu và không kháng cáo nhưng bị cáo Cường cũng có ấm ức là cùng một hành vi ông bị xét xử hai lần. Cụ thể là trước bị tuyên án chung thân về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong vụ án liên quan đến Agribank chi nhánh 6, nay bị xử đề nghị tăng án trong vụ án này. Về dân sự, ông cũng cho rằng "bị ép và thiệt thòi” khi bị án sơ thẩm buộc bồi thường toàn bộ 505 tỉ đồng.
Nhưng khi được hỏi vì sao không kháng cáo, bị cáo này cho rằng đã đi thi hành án, nếu kháng cáo sẽ tiếp tục bị tạm giam, không được tính vào quá trình lao động, cải tạo và không được xem xét giảm thời gian thụ án từ chung thân xuống tù có thời hạn…
Còn ông Bê ngoài xin giảm án thì đề nghị cho thanh lý tài sản để tất toán công nợ.