5 ngày sau buổi chiều mưa oan nghiệt cuốn phăng hàng triệu khối đất đá từ trên núi Pa Ranh, rồi ầm ầm trút xuống vùi lấp cả ngôi làng trong nháy mắt, trời vẫn đổ mưa nặng hạt.
Bầu không khí tang thương, cảnh tượng tang tóc vẫn bao trùm nóc Ông Đề, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Cũng kể từ thời khắc 11 căn nhà bị chôn vùi trong bùn đất, 22 người chết và mất tích, nhiều học trò M’Nông trên rẻo cao Ngọc Linh này lâm vào tình cảnh mồ côi.
|
Vụ sạt lở kinh hoàng khiến 11 ngôi nhà bị vùi lấp, 22 người chết và mất tích. |
Cha mẹ mất, bốn anh em mang phận mồ côi
Đó là hoàn cảnh thương tâm của Hồ Văn Trí, Hồ Văn Trung, Hồ Thị Điệp và Hồ Văn Đệ. Cả bốn anh em đều nằm trong độ tuổi đến trường, trong đó người anh cả Hồ Văn Trí trải qua năm cuối đại học.
Đang chăm cậu em trai út bị thương tại Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My, Trí vẫn đau đáu nghĩ về cha mẹ với niềm day dứt khôn nguôi. Giọng nghèn nghẹn, Trí kể, sáng 29/10, lướt đọc trên báo, cậu bàng hoàng khi biết hung tin cả làng mình bị đất đá vùi lấp.
|
Ba mẹ mất, bốn anh em Trí mang phận mồ côi. |
“Từ ngoài Huế, em chạy xe máy một mạch về quê. Tới đầu đường dẫn vô xã, xe không thể lưu thông do sạt lở nên em chạy bộ suốt một tiếng đồng hồ mới tới nơi.
Chứng kiến nhà cửa của gia đình mình và bà con trong nóc chìm dưới đất đá, em như chết lặng”, Trí sụt sùi.
Thời điểm Trí vừa leo tới ngọn đồi phía sau nhà cũng là lúc người ta đưa thi thể cha mẹ cậu lên từ dưới lớp bùn sâu cả thước. Trí gào khóc tuyệt vọng vì lời hứa với đấng sinh thành giờ đây chỉ còn cô đọng trong sự dang dở.
Nhắc đến đây, khóe mắt của cậu sinh viên năm cuối cứ rưng rưng như chực trào. “Tuần trước về quê, em có nói với ba mẹ rằng chỉ còn vài tháng nữa thôi là em tốt nghiệp đại học.
Ra trường, em sẽ cố gắng tìm công việc ổn định để kiếm tiền phụng dưỡng ba mẹ và lo cho 3 đứa em ăn học. Nào ngờ, chưa kịp báo ơn sinh thành, ba mẹ đã bỏ mấy anh em đi mãi”, Trí bộc bạch.
Vụ sạt lở kinh hoàng không chỉ cướp đi sinh mạng của cha mẹ mà còn khiến cậu em trai út của Trí bị thương ở chân. Nghe bà con thoát nạn kể lại, thời điểm đất đá tràn xuống nhấn sập căn nhà, người em của Trí nhanh chân tháo chạy lên đồi cao nên thoát chết.
“Ngoài cu út đang học lớp 5, em còn cậu em trai đang học cao đẳng nghề và cô em gái học lớp 11. Buổi chiều xảy ra sạt lở, hai em này ở ký túc xá của trường nên thoát nạn. Bây giờ không còn cha mẹ, chúng em sẽ nương tựa nhau mà sống dù biết rằng chặng đường sắp tới sẽ lắm gian nan”, Trí chia sẻ.
Cậu học trò mất 8 người thân
3 ngày qua, trong túp lều dựng trên ngọn đồi sát mép vực hiện trường sạt lở, Hồ Văn Hải (lớp 10, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My) bần thần ngồi dõi theo từng giây từng phút quá trình tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích.
|
Hồ Văn Hải thất thần khi 8 người thân của mình thiệt mạng và mất tích sau vụ sạt lở. |
Cũng như 5 học sinh khác của Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My có người thân bị vùi lấp ở nóc Ông Đề, Hải được thầy cô giáo dành thời gian một ngày để trấn an tinh thần, trước khi đưa về nhà.
“Trưa 30/10, sau khi di chuyển bằng xe máy đến đầu xã, em chạy bộ hơn 10 cây số để vào nóc. Đến nơi, em bủn rủn chân tay khi 11 ngôi nhà trong làng đã đổ sập. Em kêu gào trong tuyệt vọng vì người thân của mình không còn nữa”, Hải khóc nấc.
Trận sạt lở oan nghiệt khiến cha mẹ, hai đứa em nhỏ, anh rể cùng 3 người chú, bác của Hải chết và mất tích. Một nỗi đau quá đỗi khủng khiếp đối với cậu học trò năm nay mới 16 tuổi.
“Đến bây giờ, các chú công an, bộ đội mới tìm thấy thi thể cha em và đưa đi chôn cất ở đồi Quế cách nhà 500m. Mẹ, hai đứa em và những người thân còn lại vẫn chưa được tìm thấy. Ba mẹ và hai em không còn, em không biết mình sẽ sống ra sao”, Hải ngậm ngùi.