Liên quan tới sự cố tại nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, hiện nay các lực lượng lượng chức năng đang mở nhiều hướng tiếp cận hiện trường.
Sáng 14/10, Sư đoàn 372 (tại Đà Nẵng) điều động 2 máy bay trực thăng ra sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) để tham gia tìm kiếm 30 nạn nhân tại Rào Trăng 3 ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền. Cùng với đó, một đội chó nghiệp vụ của trường Trung cấp 24 Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên Phòng sẽ làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3. Hiện lực lượng cứu hộ theo đường hàng không đã tiếp cận được hiện trường song do địa hình phức tạp và thời tiết xấu nên trực thăng chưa thể đáp xuống.
|
Lực lượng cứu hộ theo đường hàng không đã tiếp cận được hiện trường song do địa hình phức tạp và thời tiết xấu nên trực thăng chưa thể đáp xuống. |
Sáng 14/10, Ban Chỉ đạo Sở Chỉ huy tiền phương đóng tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) đã chia thành hai hướng đường thủy và đường bộ tiến vào khu vực sạt lở để đưa những người bị thương và thi thể nạn nhân vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3 ra ngoài.
Hướng đường bộ tiến theo đường 71 đã được khai thông cơ bản, đến gần vị trí xác định có thi thể các nạn nhân và người bị thương để đưa ra ngoài. Sáng 14/10, thời tiết tại hiện trường tương đối thuận lợi, các xe ô tô của đoàn cứu hộ có thể di chuyển để tiếp cận hiện trường. Dự tính đoàn trong sáng 14/10, sẽ lên tới nhà kiểm lâm tại Tiểu khu 67, trạm Kiểm lâm sông Bồ (nơi có đoàn cứu hộ trước đó đã gặp nạn làm 13 người mất tích vào đêm 12/10). Từ đây đoàn sẽ đi gần 15km nữa để đến Thủy điện Rào Trăng 3.
Đến 10h20 ngày 14/10, dù đường sá cách trở nhưng lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được hiện trường điểm sạt lở trạm kiểm lâm 67 và có những phản hồi để Sở chỉ huy tiền phương có đánh giá ban đầu và lên phương án cứu hộ cứu nạn cụ thể. Ngay sau đó, đoàn công tác của Sở chỉ huy tiền phương đã lên xe vào hiện trường.
Hướng đường thủy do lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế triển khai, sử dụng xuồng và ca-nô vượt qua lòng hồ Thủy điện Hương Điền tại xã Hương Bình, huyện Phong Điền để vận chuyển hàng hóa cho công nhân đang tập trung ở Thủy điện Rào Trăng 4 và triển khai đưa những người mắc kẹt tại đây ra ngoài.
|
Các phương tiện vào hiện trường bằng đường bộ. |
Ban Chỉ đạo Sở Chỉ huy tiền phương đã xây dựng phương án chặt chẽ để tìm kiếm 30 người mất tích; cử các lực lượng tinh nhuệ kết hợp với người dân thông thạo địa hình để tiếp cận hiện trường; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt đối với lực lượng tham gia tìm kiếm, hướng tới 3 mục tiêu là khu vực Thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 và Thủy điện A Lin B2; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, lực lượng cơ động đến những vị trí đã được khai thông.
Ban Chỉ đạo Sở Chỉ huy tiền phương chỉ đạo các lực lượng tranh thủ thời tiết không mưa, phấn đấu đẩy nhanh tiến độ khai thông các điểm sạt lở, chậm nhất 10h sáng nay thông tuyến vào khu vực trạm kiểm lâm tiểu khu 67 - nơi được cho là khu vực sạt lở khi lực lượng cứu hộ đang ở đây vào rạng sáng 13/10 làm 13 người mất liên lạc.
Cũng theo Ban Chỉ đạo Sở Chỉ huy tiền phương, sẽ tăng cường thêm phương tiện, lực lượng; trong đó có thêm máy phát điện để có thể làm đêm. Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng cứu hộ.
Trước đó, thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sáng 14/10 cho biết, sau khi nhận được tin báo của người dân vào lúc 12h ngày 12/10/2020 về sự cố sạt lở tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, thuộc địa bàn xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức đi kiểm tra, khảo sát để xác minh, kiểm tra thông tin và có phương án cứu hộ cứu nạn kịp thời, đoàn gồm có 21 người.
Tối ngày 12/10/2020, trên đường di chuyển đến hiện trường, đoàn đã tạm nghĩ tại Trạm quản lý bảo vệ rừng 67. Vào lúc 24h00 ngày 12/10/2020 xảy ra sự cố sạt lở tại khu vực đoàn đang tạm nghỉ, có 8 người thoát ra khỏi khu vực sạt lở, còn 13 người hiện tại mất tích, chưa liên lạc được.
Thông cáo cho biết, sự cố sạt lở tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 đã làm 17 công nhân mất tích.
Tối 13/10, Giám đốc Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 - Nguyễn Đại Thành cho biết, hiện tại phía Công ty đã ghi nhận có 3 trường hợp công nhân của Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 bị tử vong do sạt lở núi vào ngày 12/10. Tuy nhiên, danh tính các nạn nhân chưa thể xác định được do khó tiếp cận hiện trường và thi thể của ba nạn nhân chưa thể đưa ra ngoài.
Nhằm triển khai công tác cứu hộ, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 4 thành lập Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tại khu vực các nhà máy thủy điện trên sông Rào Trăng và đường 71 tỉnh Thừa Thiên Huế do Trung tướng Nguyễn Doãn Anh - Tư lệnh Quân khu 4 làm Trưởng ban và ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế làm Phó Trưởng ban để chỉ đạo công tác triển khai tìm kiếm cứu nạn.
Đồng thời, thiết lập Sở Chỉ huy tiền phương đóng tại trụ sở UBND xã Phong Xuân, huyện Phong Điền; đã huy động mọi lực lượng, phương tiện xe cơ giới, xuồng máy, lực lượng y tế,... với mục tiêu nhanh chóng tiếp cận hiện trường vụ tai nạn của Đoàn công tác và tiếp cận nhà máy thủy điện Rào Trăng 4 để sớm cứu người bị nạn ra khỏi vùng nguy hiểm.
Trong ngày 14/10, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn sẽ tiếp tục sử dụng xuồng cao tốc di chuyển trong lòng hồ thuỷ điện Hương Điền để tiếp tế lương thực, nước uống cho nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 4 và đưa đưa người ra khỏi đây.
Trong khi đó, Bộ Tư lệnh Quân khu đã điều động lực lượng Công binh Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, Lữ đoàn Công binh 414, Sư đoàn 968 tích cực, khẩn trương khắc phục những điểm sạt lở để tiếp cận vị trí các công nhân bị mất tích. Phối hợp với các lực lượng tiếp cận hiện trường bằng đường thủy, đường bộ để tìm kiếm cứu nạn, tiếp tế lương thực, bảo đảm y tế.
Bộ Tư lệnh Quân khu đã phối hợp với Cục cứu hộ cứu nạn Bộ Quốc phòng, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Ban quản lý Thủy điện Rào Trăng, các lực lượng của tỉnh Thừa Thiên-Huế để tổ chức tìm kiếm cứu nạn và phối hợp với Sư đoàn Không quân 372 lên phương án dùng trực thăng cứu hộ, cứu nạn.
Dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, Bộ tư lệnh Quân khu 4 tranh thủ từng giờ, từng phút, không quản ngày đêm, thời tiết mưa gió, dồn hết nhân lực và vật lực phối hợp với các lực lượng triển khai mọi biện pháp nhanh chóng tiếp cận TKCN các nạn nhân bị mất liên lạc, với quyết tâm thực hiện nhiệm vụ cứu hộ-cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn gồm 1.000 người tập trung quyết liệt đẩy nhanh tiến độ bằng mọi biện pháp để thông đường đưa người vào hiện trường triển khai các biện pháp tìm kiếm, cứu hộ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Mưa lũ gây thiệt hại ở miền Trung