Nước mắt của thuộc cấp Trần Phương Bình

Google News

Lời khai các thuộc cấp của ông Trần Phương Bình và dàn lãnh đạo Ngân hàng Đông Á tại tòa cho thấy họ bị áp lực không hề nhỏ trong công việc.

Ngày 11-12, phiên tòa xét xử vụ thất thoát 3.608 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DAB) bước sang ngày làm việc thứ chín. Các luật sư (LS) tiếp tục bào chữa cho các bị cáo vốn là thuộc cấp của ông Trần Phương Bình (cựu tổng giám đốc DAB) và Nguyễn Thị Kim Xuyến (cựu phó tổng giám đốc DAB).
“Ăn cơm chúa phải múa cho đẹp”
Các bị cáo có vai trò sau hai nhân vật này trình bày rằng họ không biết mình đang giúp sức gây thiệt hại cho DAB mà chỉ nghĩ là đang làm công việc cho DAB. Họ chỉ thực hiện hành vi theo lệnh của ban giám đốc và không nhận được bất cứ lợi ích gì. Những lời trình bày nghẹn lại khi các bị cáo này nhắc về những đóng góp cho ngân hàng suốt nhiều năm cống hiến, việc làm dẫn đến sai phạm là do quá tin tưởng cấp trên…
Còn các bị cáo vốn là thành viên ban kiểm soát DAB thì có chung ý kiến rằng do hưởng lương của bị cáo Bình trả, là nhân viên của ngân hàng nên bị áp lực từ lãnh đạo. Công việc của họ có nhiều áp lực theo kiểu “ăn cây nào rào cây nấy”, “ăn cơm chúa phải múa cho đẹp”…
Nguyễn Thị Kim Loan (43 tuổi, cựu trưởng phòng kinh doanh hội sở DAB) bị truy tố tội cố ý làm trái với các hành vi kinh doanh ngoại hối và vàng tài khoản trái phép, gây thiệt hại cho DAB 938 tỉ đồng nên phải liên đới chịu trách nhiệm.
Vừa gạt nước mắt, bị cáo vừa trình bày rằng không biết mình đang giúp sức gây thiệt hại cho DAB vì chỉ làm theo lệnh của cấp trên. Từ năm 1999 đến 2007, bị cáo làm nhân viên kinh doanh ngoại tệ và không liên quan đến kinh doanh ngoại hối. Do chỉ là nhân viên nên Loan không thể biết được DAB có hay không có giấy phép kinh doanh ngoại hối và kinh doanh lỗ hay lời…
LS bào chữa cho Loan cho rằng việc kinh doanh ngoại hối thua lỗ không có sự tham gia của bị cáo này. Nghĩa là hậu quả này có trước khi Loan thực hiện hành vi được xem là phạm tội, đó là ký khống vào một phiếu thu. Loan lập phiếu này là căn cứ vào giấy đề nghị thanh toán do phòng kinh doanh đầu tư hoặc phòng nguồn vốn lập đã được phê duyệt và có sẵn. Đến nay, công an kết luận không có hồ sơ nhập với hải quan sân bay và hồ sơ lưu nhập của lô này tại DAB vẫn chưa tìm thấy. Từ đó, LS đề nghị HĐXX xem xét…
Nuoc mat cua thuoc cap Tran Phuong Binh
Bị cáo Phạm Văn Phước (thứ hai từ phải qua) và các bị cáo tại tòa ngày 11-12. ảnh: HOÀNG GIANG
Giám đốc 56 tuổi ân hận vì đã sai
Bị cáo Phạm Văn Phước (56 tuổi, nguyên tổng giám đốc Công ty CP Lương thực Nam Định) bị đề nghị 10-12 năm tù về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt của DAB 9,2 tỉ đồng. Thiệt hại này thể hiện trong việc bị cáo nhận chuyển nhượng 462,7 m2 đất và tài sản trên đất tại 52 Quang Trung (phường Bà Triệu, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) làm trụ sở DAB Chi nhánh Nam Định.
Phần luận tội của VKS xác định ông Trần Phương Bình, bà Xuyến và các nhân viên dưới quyền đã xuất quỹ chi sai nguyên tắc (ngoài hợp đồng), lập chứng từ thu khống, tiếp nhận điều chuyển khống 9,2 tỉ đồng này. Nhưng không biết đã giúp sức để bị cáo Phước chiếm đoạt tài sản của DAB, không được hưởng lợi và ăn chia từ hành vi chiếm đoạt của Phước nên chỉ phạm vào tội cố ý làm trái.
542 nhân viên thoát tội
542 nhân viên tại 219 đơn vị kinh doanh của DAB (47 chi nhánh, 172 phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm) có hành vi thỏa thuận, nhận tiền và chi lãi ngoài cho khách hàng. Tuy nhiên, đánh giá tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi cũng như vị trí, vai trò của những người này là thấp, không đáng kể, làm theo chỉ đạo, họ chỉ là nhân viên làm công ăn lương, không có lợi ích gì nên CQĐT đã không xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ.
Cụ thể là đầu năm 2013, DAB có chủ trương đầu tư trụ sở làm việc tại TP Nam Định, Trần Phương Bình ủy quyền cho Trần Huy Nam đàm phán với công ty của bị cáo Phước về việc chuyển nhượng 462,7 m2 đất nêu trên. Hai bên thống nhất giá 19,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo quy định thì việc chuyển nhượng tài sản này phải qua đấu thầu, công ty của bị cáo Phước tổ chức đấu thầu và DAB Chi nhánh Nam Định trúng thầu với giá 10,9 tỉ đồng.
DAB Chi nhánh Nam Định cần trả cho công ty của bị cáo Phước thêm 9,2 tỉ đồng theo nội dung đã thống nhất, nếu không công ty của Phước sẽ hủy bỏ việc chuyển nhượng tài sản này. Nghe Nam báo cáo, ông Bình chỉ đạo bà Xuyến xuất quỹ chi 9,2 tỉ đồng để trả. Ngày 24-3-2014, Nam chuyển 7 tỉ đồng cho Phước để trả tiền chuyển nhượng tài sản nêu trên nhưng trên chứng từ vẫn ghi là nhận 9,2 tỉ đồng (Nam giữ lại 2,2 tỉ đồng).
Khi đối chất, Nam không thừa nhận lời khai của bị cáo Phước. Theo CQĐT và VKS, không đủ căn cứ xác định Nam đồng phạm với Phước lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản nhưng có dấu hiệu đồng phạm với Bình về tội cố ý làm trái.
Tại tòa, bị cáo Phước thừa nhận hành vi phạm tội, xin xem xét giảm nhẹ hình phạt vì thực tế đã dùng 7 tỉ đồng để đưa vào bù các khoản lỗ của công ty mình. Ngoài ra, gia đình bị cáo đã khắc phục được 100 triệu đồng. Trong phần tự bào chữa, ông Phước nói rất hối hận về việc làm sai trái của mình.
Ai chỉ đạo đưa 13,9 triệu USD cho Vũ “nhôm”?
Bị cáo Kim Loan còn bị cáo buộc có hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại cho DAB 497 tỉ đồng trong việc mua 13,9 triệu USD cho Trần Phương Bình đưa cho Phan Văn Anh Vũ. Tuy nhiên, Loan cho rằng phòng kinh doanh và bị cáo không nhận bất cứ chỉ đạo nào của ông Bình về việc lấy VND ở ngân quỹ để mua USD. Việc điều vốn là thuộc trách nhiệm của phòng ngân quỹ. Việc để ngoài sổ sách 10,020 triệu USD, Loan hoàn toàn không tham gia và không biết. Việc mua bán ngoại tệ chỉ là công việc thường ngày của phòng kinh doanh.
Theo PHƯƠNG LOAN/PLO

>> xem thêm

Bình luận(0)