Bảo lãnh ký thác cho hợp đồng đầu tư
Trong vụ việc sai phạm tại Ngân hàng Đông Á có 21 bị can bị đề nghị truy tố 2 tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Trong đó ông Trần Phương Bình (nguyên tổng giám đốc DAB) bị đề nghị truy tố cả 2 tội danh trên.
Ngoài hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản diễn ra suốt 8 năm (từ đầu năm 2007 đến 2014) với số tiền bị chiếm đoạt là 1.160 tỉ đồng, ông Bình còn bị truy tố hành vi cố ý làm trái khi cho 3 tổ chức và 5 cá nhân vay 1.671 tỉ đồng và xuất quỹ chi 77,782 tỉ đồng để sử dụng, chi 1.508 tỉ mua tài sản của nhóm Công ty cổ phần vốn Thái Thịnh (Công ty Thái Thịnh), thu khống 1.072 tỉ đồng để trả nợ cho các khoản vay và mua 20,3% vốn góp tại Công ty TNHH xây dựng và phát triển đô thị Thái An (Công ty Thái An).
Theo kết luận điều tra, ngày 8/12/2007, Công ty Thái Thịnh ký hợp đồng hợp tác đầu tư trị giá 100 triệu USD với 2 công ty thuộc Vương quốc Anh là Vietnam Intrastructure Limited (VIHL) và Vinland Espero Limited (VNL) để mua cổ phần hoặc vốn góp tại 11 công ty mục tiêu.
Để hợp tác, Công ty Thái Thịnh sẽ cầm cố toàn bộ cổ phần, vốn góp của mình tại các công ty này để ngân hàng đảm bảo việc hoàn trả 100 triệu USD. Thời hạn của hợp đồng là 12 tháng và có thể được gia hạn thêm 12 tháng theo quyết định của VNL và VIHL.
Ngày 20/12/2007, DongA Bank ký hợp đồng ký thác và quản lý tài khoản để bảo đảm cho Công ty Thái Thịnh về khả năng hoàn trả 100 triệu USD tiền tài trợ và lãi tương ứng cho VNL và VIHL khi chấm dứt hợp đồng mà Công ty Thái Thịnh không có khả năng thu xếp đủ tiền để hoàn trả.
Ngày 28/12/2007, VNL chuyển 35 triệu USD và VIHL chuyển 65 triệu USD vào tài khoản của 2 đơn vị này mở tại DAB. Được sự đồng ý của cả 2 đơn vị trên, DAB đã giải ngân 100 triệu USD (tương đương 1.602 tỉ đồng) để Công ty Thái Thịnh sử dụng 982 tỉ đồng mua 100% vốn góp tại Công ty TNHH Hiệp Phú Gia, 477 tỉ đồng để mua cổ phần tại Công ty Lâm Viên, 110 tỉ đồng để mua cổ phần tại Công ty Nhật Quang (cả 3 công ty này đều nằm trong nhóm công ty mục tiêu), 32 tỉ đồng còn lại để thanh toán tiền phí quản lý tài khoản cho DAB.
Ngày 8/12/2008, hợp đồng trên hết hạn, VNL và VIHL không gia hạn hợp đồng và yêu cầu Công ty Thái Thịnh hoàn trả 100 triệu USD, Công ty Thái Thịnh không có khả năng hoàn trả. Và sau khi mua lại dự án Richland Hill, ông Bình chỉ đạo DAB cho Công ty TNHH Hiệp Phú Gia và Công ty TNHH Bách Việt vay 669 tỉ đồng để tiếp tục đầu tư vào dự án này.
Quá trình trả nợ các khoản vay trên, ông Bình đã chỉ đạo cấp dưới thu khống tổng số 1.072 tỉ đồng để trả 619 tỉ đồng tiền gốc và 430 tỉ đồng tiền lãi cho 27 khoản vay liên quan đến việc mua tài sản của Công ty Thái Thịnh và những khoản khác. Đến nay, các tổ chức và cá nhân trên còn nợ DAB tổng số 2.130 tỉ đồng.
Sợ bị kiện nên phải trả nợ thay!
Theo lời khai của ông Bình, thời điểm đó Công ty Thái Thịnh đang sở hữu một số dự án bất động sản có giá trị cao nằm ở vị trí "vàng", vì DAB đã ký hợp đồng bảo đảm cho 100 triệu USD mà Công ty Thái Thịnh nhận và khi hết hạn hợp đồng, Công ty Thái Thịnh không có tiền trả, vậy nên ông Bình lo lắng VNL và VIHL khởi kiện cả Công ty Thái Thịnh và DAB ra tòa án quốc tế.
Ông Bình cũng lo lắng rằng nếu bị khởi kiện thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của DAB và cũng có thể những sai phạm của DAB sẽ bị phát hiện. Do vậy, để có 100 triệu USD trả nợ, ông Bình đã nhờ một số tổ chức, cá nhân làm thủ tục vay tiền của DAB để mua cổ phần của Công ty Thái Thịnh góp vốn tại doanh nghiệp khác. Ông Bình sẽ chịu trách nhiệm trả lãi và gốc cho các khoản vay trên.
Để có tiền giúp Công ty Thái Thịnh trả 100 triệu USD, ông Bình còn chỉ đạo cấp dưới cho 1 cá nhân và 1 pháp nhân là Công ty Sơn Trà Điện Ngọc vay tổng cộng 661 tỉ đồng để mua 6 lô đất ở phường Mỹ An (Q.Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) và sử dụng vào một số việc khác. Khi trả nợ, ông Bình lại chỉ đạo nhân viên thu khống hơn 622 tỉ đồng để quỹ DAB bị âm số tiền này.
Tháng 10/2010, ông Trần Phương Bình chỉ đạo Công ty Sơn Trà Điện Ngọc bán 6 lô đất ở phường Mỹ An cho Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") với giá 697 tỉ đồng. Số tiền có được, ông Bình sử dụng để mua cổ phần của DAB.
Như vậy, kể từ năm 2007, các hành vi sai phạm của ông Bình và các nhân viên dưới quyền đã bắt đầu xảy ra, nhưng tất cả các sai phạm này đều không được phát hiện. Việc DAB âm quỹ, hụt tiền và vàng chỉ được phát hiện vào năm 2015 khi Thanh tra Ngân hàng Nhà nước vào cuộc. Các sai phạm này của ông Bình và cấp dưới mới được khởi tố, điều tra.