"Người nhỏ nhất hành tinh" ở Vĩnh Long
Về huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long), chỉ cần hỏi về “người tí hon” hay “người nhỏ nhất hành tinh” thì hầu như ai cũng biết đó là Nguyễn Thị Trúc Ly (14 tuổi). Họ chỉ rành rọt đường đến nhà Ly ở tổ 7, ấp An Hòa, xã Trung Thành Tây. Nơi đây, cách trung tâm TP. Vĩnh Long chừng khoảng 40km, nằm sâu hút cuối con lộ bê tông nông thôn.
Chúng tôi có mặt tại nhà bà Nguyễn Thị Hà (69 tuổi, bà ngoại Ly) khi trời đã xế chiều. Ngồi trong căn nhà nhỏ nhìn ra bầu trời chạng vạng nhá nhem, bà Hà buồn bã kể: Năm 2001, bà gả con gái út Nguyễn Hòa Bình cho một thanh niên ở xã lân cận tên Nguyễn Văn Si. Một năm sau đó, Bình có mang và sinh bé gái đầu lòng (tức Ly – PV) trông rất kháu khỉnh nhưng chỉ cân nặng 0,8kg. Cháu nhỏ thó như con cá lóc, đứng cạnh lon sữa bột loại 1kg chỉ nhỉnh hơn một chút.
Thấy thể trạng cháu Ly khác thường, ai cũng lo lắng về sức khỏe và khuyên gia đình nên đưa Ly vào bệnh viện nuôi dưỡng, hoặc gửi cho nhà chùa chăm sóc nhưng bà Hà nhất quyết không chịu.
Suốt một năm đầu, mẹ Ly phải tự vắt sữa cho con bú vì miệng cháu quá nhỏ. Đến năm 3 tuổi, Ly mới bắt đầu tập đi, bập bẹ nói chuyện nhưng lại mắc bệnh triền miên, gia đình phải chạy khắp nơi vay mượn tiền đưa cháu đi chữa trị hết bệnh viện này đến bệnh viện khác nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm.
Năm lên 6 tuổi, thân hình Ly vẫn không phát triển, bé xíu như người tí hon. Thấy vậy, gia đình không dám cho cháu đến trường học vì sợ các bạn xô ngã rồi giẫm đạp lên người nguy hiểm.
Mỗi lần Ly đòi đi chợ thì bà đều bế cháu, đựng vào chiếc giỏ xách rồi đặt lên xe đạp chở đi. Ly đi đến đâu thì dòng người hiếu kỳ đông nghịt đến đó vì tò mò muốn được tận mắt xem “người nhỏ nhất hành tinh”.
|
Ly tỏ ra khó chịu khi bị mọi người trêu chọc. |
Chị Trần Thị Chính (44 tuổi, con dâu bà Hà) cho biết thêm: “Trước đó, các bác sĩ ở Bệnh viện 115 (TP. HCM) chẩn đoán bé Ly bị hở van tim bẩm sinh, nhưng gia đình không có điều kiện nên đành chịu. Hằng ngày, mẹ chồng tôi thường xuyên chở Ly trên chiếc xe đạp cũ vào chùa xin làm công quả, sống qua ngày”.
Một cán bộ xã Trung Thành Tây cho biết, gia đình bà Hà thuộc diện chính sách, hàng tháng được hưởng tiền trợ cấp. Ngoài ra, chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện, hỗ trợ thẻ khám bệnh miễn phí cùng nhiều chương trình trợ giúp khác hàng năm của xã.
Cậu bé tý hon ở Quảng Ngãi
Bé Đinh Văn K'Rể ở xã Sơn Ba (Sơn Hà, Quảng Ngãi) chỉ cao 50 cm, nặng 3 kg nên dân làng thường gọi là "Cậu bé tí hon".
|
Anh Đinh Văn An ôm con trai tí hon đi trong làng Gò Da, xã Sơn Ba. |
Anh Đinh Văn An (cha của K'Rể) kể, do nhà cách xa trung tâm xã Sơn Ba nên hai con trai anh lần lượt chào đời ở nhà bà mụ trong thôn Gò Da. "Đứa đầu sinh ra cao lớn bình thường, đến nay đã 7 tuổi. Đứa thứ hai lúc ra đời bé hơn gang tay, đến nay 5 tuổi chỉ nặng 3 kg, cao 50 cm, cả ngày chỉ ăn được vài muỗng cơm", anh An kể.
Do cơ thể tí hon nên hàng ngày bé K'Rể thường nằm trong địu vải của cha lúc lên nương rẫy hoặc dạo chơi khắp bản. Bé chưa biết nói, chỉ khóc, cười, đi chập chững vài bước là trượt ngã. "Ban đầu dân làng thấy con mình ai cũng tránh xa, giờ thì quen rồi, thương nó nhiều lắm", chị Đinh Thị Pia (mẹ K'Rể) bộc bạch.
Cậu bé 9 tuổi cao chưa đầy 80cm
Còn cháu Đinh Văn Khít đến nay đã 9 tuổi nhưng chỉ cao 78cm và nặng 8kg. Lúc Khít chào đời, ông Đinh Văn K'Tểnh (cha của Khít) tuổi đã gần 60. Theo các chuyên gia Nhi khoa ở các bệnh viện lớn trong nước, nhiều khả năng hai bé nói trên mắc hội chứng Seckel hay còn gọi là tật "người lùn, đầu chim".
Đây là hội chứng hiếm gặp trên thế giới, là bệnh di truyền gen lặn trên nhiễm sắc thể số 3 và số 18. Hội chứng dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh với những đặc trưng như vóc dáng thấp bé, cân nặng lúc sinh thấp, kích thước đầu rất nhỏ (não nhỏ), trán thụt vào, mắt to, tai đóng thấp, mũi nhô ra có hình như mỏ chim và cằm tương đối nhỏ.