Những “bóng hồng” ở đơn vị đặc công tinh nhuệ

Google News

Khi ra bãi tập, các nữ chiến sĩ đặc công của Lữ đoàn đặc công 1 thuộc Binh chủng đặc công lại can trường, dũng cảm và mau lẹ, ra đòn chiến đấu dũng mãnh.

Không phân biệt nam, nữ
Đang là mùa đông nhưng cái nắng oi nồng vẫn đổ xuống sân cỏ ở Lữ đoàn đặc công 1 thuộc Binh chủng đặc công. Trung úy Lê Thị Thu Huyền, Lữ đoàn đặc công 1 tháo bỏ cái mũ đặc chủng trong bài luyện tập bắn súng Uzi chống khủng bố, cho biết: “Như là vừa xông hơi ấy anh ạ, nhưng bọn em quen rồi. Luyện tập theo thời gian, chứ không chọn thời tiết được, mưa nắng cũng vẫn tập bình thường”. Xem Huyền cùng đồng đội nam biểu diễn ở cự ly gần khó mà phân biệt được trong những bộ quân phục bịt kín kia, đâu là chiến sĩ nữ, đâu là chiến sĩ nam.
 

Nữ bộ đội đặc công tập luyện. 
Vừa trải qua bài tập võ, Trung uý Lê Thị Huyền Gấm kể: “Hồi đầu chúng em cũng thấy khá khó khăn với điều kiện tập luyện khắc nghiệt, nắng cũng mệt, mà mưa thì khó chịu kiểu khác. Hồi đầu bọn em sợ nhất lúc leo lên nhà cao tầng tập luyện bài giải thoát con tin, nhưng rồi được các anh chỉ huy và đồng đội động viên nên cũng vượt qua hết. Còn bây giờ bọ em đã thuần thục, có thể tham gia mọi lúc, mọi nơi và bất cứ khi nào đơn vị cần”.
Đại uý Nguyễn Chí Thanh - Chính trị viên Đội 7, Lữ đoàn đặc công 1, người trực tiếp chỉ huy thực hiện công tác huấn luyện cho biết, với chiến sĩ nam khoẻ mạnh phải tập luyện thường xuyên trong thời tiết khắc nghiệt đã khó, với chị em càng khó khăn gấp bội phần. “Hồi đầu, khi mới nhận nhiệm vụ huấn luyện chị em, tôi phải tìm hiểu tâm, sinh lý của chị em khá kỹ, rồi mới áp dụng kỹ thuật cho huấn luyện. Với chị em khi nhận nhiệm vụ, cơ bản đã hiểu và ý thức rõ công việc của mình, nên dần dần cũng đạt yêu cầu”- Đại uý Nguyễn Chí Thanh nói.
Chấp nhận vất vả
Trung úy Lê Thị Thu Huyền Lữ đoàn đặc công biệt động 1 tích cực luyện tập bắn súng Uzi bài 2 chống khủng bố. Ảnh: K.G 
Đại tá Đỗ Bá Quang - Phó Chủ nhiệm Chính trị Binh chủng Đặc công chia sẻ: Là bộ đội đặc công nam đã rất vất vả, với nữ bộ đội đặc công sự vất vả lớn hơn gấp nhiều lần. Chị em không chỉ làm công tác phục vụ hậu cần cho đơn vị, mà còn phải tham gia huấn luyện, diễn tập. Có thể nói, ở đâu có bộ đội đặc công nam huấn luyện, chiến đấu ở đó có bóng dáng nữ bộ đội đặc công xuất hiện.
"Ở nhà gánh vác vai trò làm vợ, làm mẹ, nhưng khi đi huấn luyện, chị em vẫn phải đảm bảo đủ thể lực, khối lượng của các bài tập trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Chị em cũng lộn nhào, múa đao kiếm, gậy, côn, bắn súng, leo trèo giải thoát con tin, chống khủng bố, bạo loạn... như một chiến đấu viên nam”.
Đại tá Đỗ Bá Quang
Bên cạnh những nỗ lực, cố gắng với tinh thần thép, các nữ đặc công vẫn còn không ít khó khăn. Đại uý Nguyễn Thị Hương Liên - Chủ tịch Hội Phụ nữ Lữ đoàn đặc công 1 tâm sự: “Chị em ở đơn vị hiện còn gặp rất nhiều khó khăn, đa số chị em phải thuê nhà ở. Nhiều chị dù lấy chồng cùng đơn vị nhưng ít khi vợ chồng cùng ăn bữa cơm nhà với nhau vì luôn phải trực chiến, đi công tác”.
Với đặc thù là đơn vị chiến đấu, nhưng mỗi khi về đến nhà, trút bỏ bộ quân phục của bộ đội đặc công trên người, các chị em ngay lập tức khoác lên mình trọng trách của một người mẹ. Mái ấm trong mỗi gia đình lại êm đềm, ấm áp.
Mời quý độc giả xem video căn cứ quân sự của Nga ở Bắc Cực (nguồn Youtube):
Theo Khánh Gia/Dân Việt

Bình luận(0)