Chẻ dọc que thử test nhanh HIV và viêm gan B, mỗi mẫu máu chỉ được sử dụng 1 nửa que thử nhằm ăn bớt vật tư; Trộn máu của 4 người khác nhau vào rồi thử chung một lần cho ra kết quả 4 người giống hệt nhau (nếu 1 trong số 4 người bị HIV thì cả 4 người sẽ có kết quả dương tính hoặc ngược lại, người có HIV có thể nhận kết quả là không bị).
Những thông tin sốc trên tưởng như không thể xảy ra trong thực tế lại vừa được VTV 24 phát giác tại khoa Vi sinh, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Ngay bản thân ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng phải nói rằng: “Cả bệnh viện đều choáng váng khi tiếp nhận thông tin này qua kênh truyền thông”.
Không chỉ ông Hưng mà có lẽ toàn ngành y tế cũng vô cùng ngạc nhiên bởi nền y khoa thế giới cũng không thể nào có kiểu “ăn bớt” nguyên vật liệu y tế một cách bất lương đến vậy.
Một bác sĩ khác đã phải thốt lên rằng, trong cuộc đời mấy chục năm làm nghề, ông chưa từng thấy ở đâu chẻ dọc que thử test nhanh HIV, viêm gan B ra làm 2 để thực hiện. Khi 1 que thử được chẻ dọc thành 2 que, thì kết quả đúng sai không thể biết được.
Phải khẳng định luôn hành vi chẻ dọc dụng cụ xét nghiệm không chỉ không đúng quy trình xét nghiệm, có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm mà còn vi phạm nghiêm trọng y đức của một số cán bộ y tế của bệnh viện này khi coi thường sức khỏe, tính mạng của những người nghi nhiễm bệnh hiểm nghèo như HIV, viêm gan B.
|
Hình ảnh nhân viên y tế chẻ đôi que thử HIV, viêm gan B. Ảnh cắt từ clip VTV. |
Không ai có thể lường trước được nếu kết quả sai lệch, những người mắc các căn bệnh trên không được phát hiện kịp thời, không chỉ ảnh hưởng đến quá trình điều trị mà còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho nhiều người khác.
Một bộ kit xét nghiệm HIV gồm 100 que thử chỉ có giá là 3 triệu đồng theo giá thị trường, nếu có việc “nhân bản” que thử để trục lợi thì cứ 200 bệnh nhân mới bớt ra được 3 triệu đồng mà khiến các cán bộ y tế bất chấp lương y, bất chấp khoa học, bất chấp tính mạng của 200 người và hàng nghìn người khác khi kết quả xét nghiệm của bệnh nhân rất có thể không đảm bảo chính xác do được phân tích trên những que thử đã bị cắt làm đôi. Thật là hành vi táng tận lương tâm của những người được coi như là “từ mẫu”.
Sự bớt xén trong bất cứ ngành nghề gì cũng là sự bất lương nhưng sự “cắt xén vật tư y tế” trong ngành y như trên thì thật là đê tiện. Có cán bộ, bác sĩ nào khi hành động như trên nghĩ đến mỗi một bệnh nhân đến bệnh viện xét nghiệm HIV, viêm gan B đều mang trong mình sự lo lắng, thậm chí tuyệt vọng trước nguy cơ nhiễm các bệnh hiểm nghèo trên.
Có ai nghĩ số tiền họ chi trả cho việc xét nghiệm trên để được khám theo một quy trình nghiêm ngặt để cho ra kết quả chính xác chứ không phải kết quả 50/50, thậm chí sai lệch tình trạng bệnh tật của họ.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh khi cho ý kiến về hành vi trên đã phải nói rằng, đạo đức nghề nghiệp là một phạm trù trong hệ thống đạo đức xã hội.
Ngành y là ngành đặc thù, cán bộ y tế mang sứ mệnh cứu người và thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Chǎm sóc sức khoẻ cho mọi người là nghề cao quý. Khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ y tế phải nghiêm túc thực hiện lời dạy của Bác Hồ. Phải có lương tâm và trách nhiệm cao, hết lòng yêu nghề, luôn rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức của thầy thuốc. Không ngừng học tập và tích cực nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn. Sẵn sàng vượt qua mọi khó khǎn gian khổ vì sự nghiệp chǎm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Do vậy, vụ việc xảy ra tại khoa Vi sinh, của Bệnh viện Xanh Pôn là không thể chấp nhận được. Nó đã phản ánh sự xuống cấp về đạo đức, y đức của những cán bộ y tế khi bất chấp các quy định của ngành y khi phương pháp xét nghiệm này, mỗi ngày có hàng chục bệnh nhân ra về với kết quả trên tay mà không hề biết rằng chỉ có một nửa số vật tư y tế được sử dụng để các kỹ thuật viên làm xét nghiệm. Trong khi đó, số tiền xét nghiệm lại vẫn phải đóng đủ theo quy định.
Đáng chú ý, mới đây Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn giải thích cho rằng, bệnh viện đang sử dụng 2 hình thức test xét nghiệm nhiễm HIV và viêm gan B là xét nghiệm theo hình thức đấu thầu của bệnh viện, loại thứ 2 là test xét nghiệm của công ty Lục Tỉnh cung cấp và cho biết, video ghi lại cảnh nhân viên của khoa vi sinh cắt đôi que thử xét nghiệm là mẫu test tặng của công ty Lục Tỉnh. Đây chỉ là thử nghiệm riêng của khoa, độc lập và không phải test xét nghiệm thường quy cho bệnh nhân và không trả cho người bệnh.
Tuy nhiên, giải trình trên không được Sở Y tế Hà Nội chấp nhận và Sở yêu cầu phải làm rõ, xử lý nghiêm khắc.
Như lời GS.TS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương khi trao đổi với báo chí cho rằng, việc chẻ đôi que thử chắc chắn là sai.
Bởi nhà sản xuất khi sản xuất ra công cụ test kit nhanh (bộ dụng cụ để xét nghiệm) đã phải tính toán rất kỹ, mẫu mã phải trải qua rất nhiều khâu, qua hàng vạn thử nghiệm, thử nghiệm trên lâm sàng rất nhiều mới có thể đưa ra thị trường.
Thanh test thử dày, rộng, dài bao nhiêu, lượng kháng thể tích hợp để phát hiện kháng nguyên thì phải bao nhiêu mới phát hiện được mầm bệnh, tất cả đều được tính toán kỹ lưỡng. Cắt tuỳ tiện là không thể được, giảm đi một phần khả năng phát hiện được, kết quả xét nghiệm không thể chính xác.
Bởi như thế trong trường hợp kết quả xét nghiệm là dương tính cũng có thể đúng với điều kiện lượng kháng nguyên trong mẫu máu gấp đôi. Còn nếu nồng độ kháng nguyên thấp thì chắc chắn không thể phát hiện được, gây hiện tượng âm tính giả. Điều đó có nghĩa là đã bỏ lọt những trường hợp dương tính, đã bị nhiễm bệnh, nhưng vẫn trả kết quả là âm tính.
Ngay việc trộn chung 4 mẫu máu khác nhau cho vào chung một giếng trong xét nghiệm miễn dịch bán tự động (ELISA) thì càng sai nghiêm trọng hơn. Theo đó, nếu kết quả trả ra là âm tính thì cả 4 bệnh nhân đều âm tính, nếu dương tính thì làm lại. Nếu thực sự như vậy thì nguy cơ bỏ sót gấp 4 lần.
Xét nghiệm ELISA không khuếch đại gene lên hàng triệu lần như xét nghiệm PCR nên việc trộn 4 mẫu máu như vậy là làm sai hoàn toàn. Việc áp dụng máy móc rất nguy hiểm. Kết quả âm tính giả sẽ rất nhiều.
Như vậy có thể thấy, việc các y bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn chẻ dọc dụng cụ xét nghiệm không chỉ không đúng quy trình xét nghiệm, có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm nhưng dư luận yêu cầu các cơ quan chức năng cần làm rõ hành vi trên để tiết kiệm hay trục lợi, cần đánh giá số que thử xét nghiệm nhập vào, số người bệnh sử dụng và xem số que thử xét nghiệm bị gian lận, cắt đôi là bao nhiêu.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, để xem xét trách nhiệm của những cá nhân có liên quan cần thiết có sự vào cuộc của Cơ quan điều tra làm rõ các sai phạm xảy ra, động cơ, mục đích thực hiện hành vi vi phạm.
Đây là hành vi của những cá nhân có chức vụ, quyền hạn được phân công thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác khám chữa bệnh trong bệnh viện.
Nếu có căn cứ xác định những cá nhân này vì động cơ vụ lợi hoặc cá nhân đã lợi dụng công việc được giao gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân thì sẽ có dấu hiệu phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 BLHS.
Do vậy sự việc trên trách nhiệm không dừng lại ở việc đình chỉ với ba cán bộ gồm Thạc sĩ, bác sĩ Chu Thị Loan, Phó phụ trách khoa Vi sinh y học; bà Trần Thanh Lam, cử nhân xét nghiệm, kỹ thuật viên trưởng khoa Vi sinh y học; bà Phạm Thị Thùy Linh, cử nhân xét nghiệm y học, lao động hợp đồng công tác tại khoa Vi y sinh mà còn cần phải xem xét trách nhiệm lãnh đạo bệnh viện ở vai trò quản lý chung.
Việc “cắt xén” xảy ra trong ngành y tế không phải là hiếm. Mới đây, vụ án liên quan đến việc ăn bớt thuốc, vật tư y tế của người bện xảy ra tại bệnh viện Nhi Nam Định, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nam Định đã quyết định khởi tố, bắt giữ bà Trần Thị Huyền (44 tuổi, Trưởng phòng điều dưỡng Bệnh viện Nhi Nam Định) để điều tra, làm rõ về hành vi Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trước đó, Công an tỉnh Nam Định đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Trần Thế Tiến (31 tuổi, Điều dưỡng trưởng Khoa hô hấp) và Đặng Thị Liên (38 tuổi, Điều dưỡng viên Khoa hô hấp).Công an tỉnh Nam Định cũng thực hiện biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 điều dưỡng viên khoa hô hấp là Nguyễn Thị Thanh Thủy (35 tuổi) và Bùi Thị Huế (32 tuổi). Các đối tượng trên đã có hành vi bớt xén thuốc, vật tư y tế của người bệnh để tuồn ra ngoài bán hòng trục lợi.
Bởi vậy, vụ việc ở Bệnh viện Xanh Pôn, cơ quan điều tra cần vào cuộc làm rõ có việc trục lợi để cắt xén nguyên vật liệu y tế hay không? Nếu có việc trục lợi cần xử lý nghiêm các cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.
Mời độc giả xem video Gian lận xét nghiệm HIV tại Bệnh viện Xanh Pôn: