Nhận tiền “hoa hồng” từ Việt Á, Giám đốc CDC Hà Giang trả giá có đắt?

Google News

Giám đốc CDC tỉnh này và hai thuộc cấp nhận 770 triệu đồng nhận "hoa hồng" của Công ty Việt Á. Vậy những người này có thể sẽ bị xử lý thế nào?

Thanh tra tỉnh Hà Giang vừa hoàn tất kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm COVID-19; cũng như việc sản xuất và kinh doanh kit test của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á trên địa bàn tỉnh.
Làm việc với đoàn thanh tra, ông Nguyễn Trần Tuấn - Giám đốc CDC tỉnh Hà Giang, bà Phan Thị Nga - Trưởng khoa xét nghiệm và bà Tô Minh Huệ - Kế toán trưởng, thừa nhận có nhận tiền mặt của Công ty Việt Á, với tổng số tiền 770 triệu đồng. Toàn bộ số tiền trên đã được Công an tỉnh Hà Giang thu giữ.
Nhan tien “hoa hong” tu Viet A, Giam doc CDC Ha Giang tra gia co dat?
 Ông Nguyễn Trần Tuấn - Giám đốc CDC tỉnh Hà Giang.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay: "Trong kinh doanh, khái niệm tiền "hoa hồng", tiền "lót tay", "bôi trơn" là những khái niệm được dùng khá phổ biến trong thời gian gần đây, đây là khoản tiền ngoài chi phí chính thức trong các mối quan hệ hành chính, kinh doanh thương mại. Tiền "hoa hồng" thường là khoản tiền "quà biếu", "chiết khấu" trong kinh doanh, khoản tiền mà bên bán hàng, bên cung cấp dịch vụ thưởng, tặng, cho bên mua.
Còn tiền "lót tay", "bôi trơn" là khoản tiền thường phát sinh trong mối quan hệ hành chính, đây có thể là "quà tặng", tiền "cảm ơn", cũng có thể là "tiền đưa hối lộ" để công việc được suôn sẻ, thuận lợi, theo ý của người đưa tiền. Trong mối quan hệ hành chính giữa người có chức vụ quyền hạn đối với tổ chức cá nhân thì việc nhận tiền, nhận quà dưới mọi hình thức đều là nhận tiền qua trái quy định. Nếu việc nhận tiền, tài sản đó có kèm theo thỏa thuận thực hiện công việc của người đưa tài sản thì đây là hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ, hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi số tiền, quà, lợi ích vật chất đó trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên".
Nhan tien “hoa hong” tu Viet A, Giam doc CDC Ha Giang tra gia co dat?-Hinh-2
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) 
Luật sư Cường cho biết, đối với vụ án xảy ra tại Việt Á thì đến nay cơ quan điều tra cho biết có đối tượng trong vụ án này đã khai nhận là Công ty Việt Á đã chi phí khoảng 800.000.000.000 đồng để "lót tay" cho nhiều cán bộ ở nhiều địa phương để Việt á được bán kit, test xét nghiệm của Việt Á cho các địa phương này. Đây là tình tiết gây chấn động và có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ thực hư thông tin này. Trường hợp kết quả điều tra có căn cứ cho thấy có việc người có chức vụ quyền hạn đã nhận tiền của Việt Á liên quan đến việc mua kít, test xét nghiệm thì sẽ làm rõ đây là hành vi nhận quà trái quy định (không có sự thỏa thuận từ trước) hay là hành vi nhận hối lộ.
"Dưới góc độ pháp lý thì sự khác nhau giữa nhận quà trái quy định và nhận hối lộ là có sự thỏa thuận giữa người đưa tiền, quà với người có chức vụ quyền hạn trước đó hay không. Việc đưa tiền, quà có thể được thực hiện trước hoặc sau hoạt động nhiệm vụ, công vụ; việc đưa tiền, quà có thể đưa trực tiếp hoặc đưa gián tiếp qua khâu trung gian nhưng trước khi thực hiện nhiệm vụ công vụ thì giữa hai bên đã có thỏa thuận về việc thực hiện công việc theo yêu cầu để hưởng lợi.
Bởi vậy, trong vụ Việt Á trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy họ đã có sự thỏa thuận ăn chia, thỏa thuận chi phí một khoản tiền nhất định để giao dịch mua kit, test xét nghiệm COVID-19 được diễn ra thì đây là hành vi đưa hối lộ và hành vi nhận hối lộ. Cả người đưa hối lộ và người nhận hối lộ đều sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 354 và điều 364 bộ luật hình sự.
Đối với các cán bộ ở CDC ở Hà Giang nói riêng và ở các địa phương khác nói chung trong vụ Việt Á, nếu có căn cứ cho thấy các cán bộ này đã nhận tiền của Công ty Việt Á thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc nhận tiền này được thực hiện như thế nào, có sự "thỏa thuận" về việc đưa tiền hay không. Trường hợp kết quả điều tra có căn cứ cho thấy đã có sự thỏa thuận giữa đại diện của doanh nghiệp với cán bộ ngành y tế về việc nhận tiền để thực hiện công việc theo yêu cầu của Công ty Việt Á (Cho doanh nghiệp này được trúng thầu, bán vật tư phòng dịch cho địa phương) thì đây là hành vi nhận hối lộ", Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp phân tích.
Theo luật sư Cường, ngoài tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tội vi phạm quy định về đấu thầu đã bị khởi tố thì hành vi nhận tiền để thực hiện công việc theo yêu cầu của doanh nghiệp sẽ là hành vi nhận hối lộ, người nhận tiền sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ theo điều 354 bộ luật hình sự. Với số tiền nhận hối lộ từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm phạt sẽ là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Với người đưa hối lộ thì hình phạt theo điều 364 cũng có mức cao nhất đến 20 năm tù. Nếu người đưa hối lộ bị ép buộc, sau đó chủ động khai báo với cơ quan chức năng thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
>>> Xem thêm video: Cận cảnh xưởng sản xuất kit xét nghiệm của Công ty Việt Á

(Nguồn: VTV 24).

Gia Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)