Tại Đại hội XII, Đảng ta nhận định nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, Đảng viên chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà có mặt, có bộ phận nghiêm trọng hơn. Đây là nguy cơ trực tiếp dẫn đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Không phải đến Đại hội XII vấn đề suy thoái tư tưởng đạo đức mới được Đảng Cộng sản Việt Nam đề cập tới, mà ngay từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII năm 1994. Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI cũng đã chỉ ra “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống”.
Đến Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Đảng nhận định, nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân.
Nhận định đúng thực trạng diễn biến suy thoái ở mức nghiêm trọng, Nghị quyết đã “điểm mặt, gọi tên” 27 biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và nhấn mạnh, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với trọng tâm là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.
Trong 27 biểu hiệu suy thoái, Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ ra rất rõ tình trạng tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức; tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh. Mắc bệnh "thành tích", háo danh, phô trương, che dấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; "chạy thành tích", "chạy khen thưởng", "chạy danh hiệu"… cũng là các biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống.
Vụ án Trịnh Xuân Thanh là vụ án điểm, con đường sa ngã của ông là cả một quá trình suy thoái không cứu chữa được. Sự biến chất của Trịnh Xuân Thanh bắt đầu “bùng phát” bằng những biểu hiện chơi trội khác người khi ông ta ở cương vị Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Đó là việc ông này đi lại bằng chiếc xe hạng sang Lexus 570 giá trị hơn 5 tỷ đồng.
Biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống qua vụ Trịnh Xuân Thanh còn thể hiện rõ ở việc "chạy thành tích", "chạy khen thưởng", "chạy danh hiệu". Mặc dù để xảy ra tình trạng thua lỗ nặng gần 3.300 tỷ đồng ở Tổng công ty PVC, nơi ông Trịnh Xuân Thanh từng giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt (2007- 2013) nhưng Trịnh Xuân Thanh vẫn được bổ nhiệm Phó Chủ tịch tỉnh.
Trong những sai phạm của Trịnh Xuân Thanh có sự tiếp tay, dung túng của những cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan. Với sự bao che, dung túng này, hàng loạt cá nhân, đơn vị có liên quan này đã bị Ủy ban kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị xem xét xử lý kỷ luật.
Trong thời gian qua, một số vụ án nghiêm trọng đã được đưa ra xét xử, nhiều sai phạm của các cá nhân, tập thể cũng đã được xử lý nghiêm, trong đó vụ Trịnh Xuân Thanh là một trong những điển hình đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ trong việc phòng, chống tham nhũng, xử lý sai phạm của Đảng và Nhà nước. Tinh thần quyết tâm hành động chống tham nhũng, không né tránh, không vùng cấm và những kết quả đạt được đang thắp sáng niềm tin và được cán bộ, đảng viên và nhân dân ủng hộ.
Trong phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vừa diễn ra, Tổng Bí thư nhấn mạnh “đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào. Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, không ai đứng ngoài. Và không thể đứng ngoài được”.
Quyết tâm của người đứng đầu cao nhất của Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị như một lời khẳng định mạnh mẽ: Cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chắc chắn sẽ thành công.