TPHCM đang khởi động chiến dịch tiêm vắc xin từ nay đến 15/9, để sớm đạt độ phủ vắc xin cao, chuẩn bị cho chính sách cấp “thẻ xanh vắc xin”. Thẻ xanh vắc xin cũng đã được các địa phương Đồng Nai, Bình Dương công bố áp dụng để chuẩn bị trở lại cuộc sống "bình thường mới".
Nhiều người đã tiêm 2 mũi vắc xin kỳ vọng chính sách cấp thẻ xanh vắc xin để họ sớm trở lại cuộc sống bình thường mới, làm kinh tế.
|
Nhiều người tiêm 2 mũi vắc xin, nhiễm - khỏi COVID-19 muốn trở lại cuộc sống bình thường mới. |
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, PGS. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, việc nới lỏng giãn cách, mở cửa kinh tế trở lại ở các thành phố lớn là biện pháp cấp bách hiện nay khi nhiều nơi đã tạo ra các “vùng xanh”, việc đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin cũng rất quan trọng.
Đối với những trường hợp tiêm vắc xin ngừa COVID-19, tỷ lệ mắc COVID-19 thấp hơn. Do đó, những người tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 cần tạo điều kiện để họ đi lại, bán hàng, lao động… Bởi, trường hợp tiêm đủ 2 mũi vắc xin nguy cơ nhiễm bệnh thấp.
“Công nhân, người lao động, người bán hàng, công chức, viên chức tiêm đủ 2 mũi vắc xin, có mã số tiêm chủng cần được cho đi làm. Với những trường hợp tiêm 1 mũi có thể để họ làm việc cùng nhau vì người tiêm 1 mũi vắc xin nguy cơ nhiễm bệnh còn cao”, PGS. TS Nguyễn Huy Nga nêu ý kiến.
PGS. TS Nguyễn Huy Nga dẫn ví dụ ở nước Mỹ, những người tiêm đủ 2 mũi vắc xin có thể đi lại an toàn tại nước này, song họ vẫn đeo khẩu trang tại nơi công cộng. CDC Mỹ cho biết, nghiên cứu gần đây về hiệu quả của vắc xin COVID-19 cho thấy, nguy cơ mắc bệnh với những người đã tiêm vắc xin là thấp hơn và họ có thể đi lại mà không cần cách ly hay xét nghiệm virus.
Bên cạnh đó, PGS. TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, nguy cơ nhiễm bệnh của những người đã tiêm 2 mũi là rất thấp nhưng vẫn còn một tỷ lệ nhỏ vẫn có thể nhiễm vi rút SARS-CoV-2 và lây cho người chưa được tiêm. Do đó, khuyến cáo mọi người đã tiêm vắc xin vẫn phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, đến nơi công cộng đông người, trong phòng kín, trên các phương tiện giao thông công cộng. Khi nghi ngờ bị nhiễm COVID-19 hoặc tiếp xúc gần không đeo khẩu trang với F0 nên đi xét nghiệm.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho rằng, việc tiêm ngừa COVID-19 để khó mắc bệnh, nếu mắc bệnh không nặng và không tử vong. Nhiều người tiêm ngừa COVID-19 để vừa phòng bệnh vừa phát triển kinh tế. Ông cho rằng, cần xem xét các yếu tố để sống chung cùng COVID-19 và phát triển kinh tế, hoà nhập, chứ không thể mãi giãn cách xã hội.
Nói về người nhiễm - khỏi COVID-19, bác sĩ Khanh cho biết, người mắc bệnh và đã khỏi là người có miễn dịch tự nhiên. “Người ta hay nói những người này là miễn dịch cộng đồng sau nhiễm. Những người này sống và làm việc với nhau, nhóm này là nhóm có miễn dịch cộng đồng” - bác sĩ Khanh nêu ý kiến.
Theo bác sĩ Khanh, cần có hướng dẫn cụ thể cho từng đối tượng đã chích ngừa đủ 2 mũi vắc xin, đã mắc bệnh và khỏi, đã chích một mũi và chưa tiêm mũi nào về nguy cơ cho bản thân họ, nguy cơ cho gia đình, nguy cơ cho đối tác, nguy cơ cho công ty, nguy cơ cho cơ quan. Những đối tượng này được đi đến đâu, tham gia phát triển kinh tế, hòa nhập mức độ nào. Đồng thời, phải mở rộng tiêm chủng càng nhanh càng tốt để tất cả các đối tượng đều đạt 2 mũi vắc xin để hòa nhập.
Bản tin Bộ Y tế tối ngày 7/9 cho biết, trong ngày 6/9 có 534.937 liều vắc xin COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 22.675.644 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 19.231.238 liều, tiêm mũi 2 là 3.444.406 liều.
Tại cuộc họp của Tổ công tác tổ chức cung ứng và tiêm vắc xin phòng COVID-19 ngày 7/9, Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, TPHCM đang khởi động chiến dịch tiêm vắc xin từ nay đến 15/9 để sớm đạt độ phủ vắc xin cao, chuẩn bị cho chính sách cấp “thẻ xanh vắc xin” khi mở cửa, bước vào trạng thái bình thường mới, duy trì kinh tế.
>>> Mời độc giả xem thêm video Ký kết chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin NanoCovax: