Chiều ngày 28/3, xác nhận thông tin với báo chí về vụ việc Chủ tịch xã gây tai nạn rồi dùng người nhận tội thay, lãnh đạo Công an huyện Tiên Lữ cho biết, ông Phạm Văn Thụy - Chủ tịch UBND xã Trung Nghĩa (TP Hưng Yên) đã đến cơ quan điều tra trình báo là người trực tiếp điều khiển ô tô 29A – 105.65 gây ra vụ tai nạn trên chứ không phải anh Nguyễn Văn Quyền (SN 1984, ở thôn Tính Linh, xã Trung Nghĩa, Hưng Yên) đã đến công an trình báo rằng bản thân anh này mới là người điều khiển chiếc xe ô tô gây tai nạn như trước đó.
Dưới góc độ pháp lý của vụ việc, trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, nếu cơ quan điều tra có căn cứ xác định ông Thụy là người có lỗi vi phạm luật giao thông đường bộ điều khiển ô tô đâm vào 4 em học sinh (1 người chết, 3 người bị thương nặng) rồi bỏ chạy thì có dấu hiệu cấu thành tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 260 BLHS 2015.
|
Chiếc xe ô tô gây tai nạn khiến 4 học sinh thương vong. |
Trường hợp của anh Nguyễn Văn Quyền (SN 1984), là người đã đến cơ quan điều tra trình diện và khai nhận chính là người gây tai nạn cho 4 cháu học sinh. Thế nhưng kết quả điều tra ban đầu đã làm rõ anh này đã đứng ra nhận thay ông Thụy.
Theo luật sư Thơm, thực tế qua nhiều vụ án giao thông, các cơ quan tiến hành tố tụng đã gặp không ít khó khăn khi tiến hành điều tra, truy tố và xét xử đối với người phạm Tội vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ.
“Theo Khoản 1, Điều 389 BLHS Tội che dấu tội phạm quy định “Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Đối chiếu quy định này không có Điều 260, nên những người che giấu người thực hiện hành vi phạm tội được quy định tại Điều 260 sẽ không bị coi là tội phạm. Mặt khác, theo quy định tại Khoản 1 Điều 390 BLHS Tội không tố giác tội phạm cũng không quy định đối với Điều 260 nên cũng không có căn cứ xử lý”, luật sư Thơm nói.
|
Ông Phạm Văn Thụy - Chủ tịch UBND xã Trung Nghĩa (Hưng Yên). Ảnh: Báo Giao Thông. |
Người nhận tội thay là nhân chứng gián tiếp ?
Luật sư thơm phân tích: Về nguyên tắc, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Xét hành vi của đối tượng nhận tội thay người khác đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan tố tụng trong việc bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Hành vi nhận tội thay của đối tượng đã được ông Thụy mô tả chi tiết diễn biến sự việc, biết rõ hành vi phạm tội nên được coi là nhân chứng gián tiếp.
Theo lý luận tội phạm, người làm chứng được chia thành hai loại: Nhân chứng trực tiếp là người nghe và thấy khi việc phạm pháp xảy ra. Thứ hai là nhân chứng gián tiếp là người không nghe thấy trực tiếp mà nghe nói lại.
“Đối tượng nhận tội trong vụ việc này là nhân chứng gián tiếp và sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 382 BLHS 2015…”, luật sư Thơm cho hay.
Điều 382 BLHS 2015. Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối
1. Người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.
Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
5. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.