Chiều ngày 11/2, ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết, Thường trực Tỉnh uỷ Nam Định vừa ban hành Thông báo số 407/TB-TU thông báo về việc không tổ chức Lễ hội khai ấn đền Trần xuân Nhâm Dần 2022 để đảm bảo công tác phòng chống dịch.
“Do dịch bệnh tại Nam Định đang diễn biến phức tạp, có ngày lên tới trên 1.000 ca mắc, trong khi đó lễ khai ấn thường tập trung hàng vạn người, nguy cơ lây lan rất lớn nên tỉnh quyết định không tổ chức lễ khai ấn để hạn chế nguy cơ dịch”, ông Trần Anh Dũng nói.
|
Nam Định ra thông báo về việc dừng tổ chức Lễ hội khai ấn đền Trần. |
Bà Nguyễn Thị Như, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Nam Định thì trong 2 ngày 14 và ngày Rằm tháng Giêng này, đền Trần sẽ đóng cửa đền, không đón tiếp khách.
Như vậy, đây là năm thứ 2 liên tiếp tỉnh Nam Định không tổ chức Lễ hội khai ấn đền Trần. Nhưng cũng giống như năm 2021, dù không tổ chức lễ hội, nhưng UBND thành phố Nam Định vẫn cho phép nhà đền tổ chức khai ấn nội bộ.
“Trong nội tự, các bô lão dòng họ nhà Trần sẽ vẫn tổ chức nghi lễ khai ấn vào đêm 14 tháng Giêng để giữ gìn truyền thống nhưng chỉ tổ chức nội bộ, thực hiện các nghi lễ cơ bản và không mời khách, kể cả lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố năm nay cũng không tham dự nghi lễ khai ấn”, bà Như thông tin.
Cũng theo Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Nam Định, sau Rằm tháng Giêng, nhà đền sẽ phát ấn đền Trần.
“UBND thành phố đã yêu cầu Ban quản lý di tích đền Trần và nhà đền chuẩn bị khu vực riêng, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch thì mới được triển khai phát ấn đền Trần” bà Như thông tin thêm.
Liên quan đến việc tổ chức các lễ hội đầu xuân tại Nam Định, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hoá- Du lịch và Thể thao tỉnh Nam Định cho biết, từ trước Tết Nguyên đán, tỉnh Nam Định đã có văn bản về việc không tổ chức các lễ hội mùa xuân, trong đó có 2 lễ hội lớn, hàng năm thu thu hút hàng vạn người đổ về Nam Định tham dự là Lễ hội chợ Viềng Xuân (tổ chức đêm 7 tháng Giêng) và Lễ khai ấn đền Trần (tổ chức đêm 14 tháng Giêng âm lịch).
Trong một diễn biến liên quan, UBND tỉnh Thái Bình cũng đã có quyết định về việc dừng tổ chức lễ khai mạc và các hoạt động phần hội của lễ hội đền Trần; dừng tổ chức Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh (diễn ra ngày 21-3 hằng năm) để tập trung cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, UBND tỉnh Thái Bình quyết định dừng tổ chức lễ khai mạc và các hoạt động phần hội của lễ hội đền Trần năm 2022 tại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà. UBND tỉnh Thái Bình giao UBND huyện Hưng Hà tham mưu thực hiện các nghi lễ truyền thống của lễ hội đền Trần ở quy mô phù hợp, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý, kiểm soát, phòng dịch COVID-19.
Trả lời về việc từ sáng 1 Tết Âm lịch đến nay, đền Trần Nam Định vẫn mở cổng và có rất đông người đổ về đi lễ đầu năm, ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban quản lý di tích đền Trần cho biết: “Việc đi lễ đền Trần đầu năm đã trở thành một nếp quen văn hoá của người dân Nam Định. Để hạn chế tối đa nguy cơ dịch, hơn 50 cán bộ, nhân viên của Ban quản lý và nhà đền đã chia 2 ca túc trực ngày đêm để nhắc nhở, hỗ trợ người dân, du khách thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch. Qua kiểm tra, chúng tôi thấy những người đi lễ đền Trần đều tuân thủ rất nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn”.
Theo ước tính của Ban quản lý di tích đền Trần, trong 10 ngày đầu năm âm lịch Nhân Dần, tại đền Trần có tới vài vạn người dân, du khách trong và ngoài tỉnh đến đi lễ đầu năm.