Lễ khai ấn đền Trần năm 2018 bắt đầu từ ngày 26/2 đến 3/3 (tức ngày 11-16 tháng Giêng) với trọng tâm là lễ khai ấn diễn ra vào đêm ngày 14 tháng giêng (1/3/2018). Ngoài ra, lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa truyền thống độc đáo như: Rước kiệu Ngọc Lộ; rước nước, tế cá; múa lân; biểu diễn võ thuật...
Theo ban tổ chức lễ khai ấn, vào lúc 23h15, đêm 14 tháng Giêng, Ban tổ chức lễ hội thực hiện nghi lễ khai ấn. Trong nghi lễ này có 14 cụ cao niên phường Lộc Vượng (TP Nam Định) cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể sẽ vào nội cung chứng kiến nghi lễ và đóng dấu khai ấn. Bốn cánh ấn bằng giấy màu vàng sẽ được Trưởng từ đền Trần cất giữ sau đó dâng lên các đình, chùa thuộc phường Lộc Vượng. Sau khi khai ấn xong, từ 23h55, Ban tổ chức sẽ mở cửa đền cho người dân, du khách vào lễ.
|
Dự kiến có hơn 10 vạn khách đến Đền Trần. |
Theo bà Phạm Thị Oanh, Phó chủ tịch UBND TP Nam Định - Trưởng ban tổ chức Lễ hội đền Trần 2018, hiện Ban tổ chức đã chuẩn bị đủ số lượng ấn và bắt đầu phát cho du khách từ 5h ngày 15 tháng Giêng (tức ngày 2/3) cho đến khi hết ấn.
Số lượng Ấn được phát tại 3 điểm gồm nhà giải vũ, phòng trưng bày và đền Trùng Hoa. Để tổ chức tốt lễ hội, Ban Tổ chức thành lập 4 tiểu ban nghi lễ, tuyên truyền, an ninh trật tự, hậu cần. Các tiểu ban có nhiệm vụ riêng triển khai thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Dự kiến, sẽ có khoảng 10 vạn người đổ về Nam Định để dự lễ Khai ấn đền Trần năm 2018. Để lễ hỗi diễn ra an toàn, văn minh, ban tổ chức lễ hội đã huy động, tăng cường hơn 2.000 chiến sĩ công an, bộ đội, dân quân tự vệ, tạo thành 5 vòng bảo vệ, lập 23 chốt bảo vệ phục vụ trước và trong đêm diễn ra lễ khai ấn.
Ngoài ra, để tránh tình trạng ném tiền vào kiệu trong đêm khai ấn, BTC lễ hội đã cho lắp đặt camera để theo dõi, nếu phát hiện có tình trạng ném tiền sẽ trích xuất camera tìm "thủ phạm" để xử lý.
Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện hàng rào sắt và lưới B40 cũng đã được ban tổ chức cho dựng xong để thiết lập các lối đi, ngăn dòng người ùa vào phía trong đền để "cướp lộc" như những năm trước.
Trước đó, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có văn bản yêu cầu Ban tổ chức lễ hội khai ấn đền Trần phối hợp với các cơ quan chức năng có phương án và tổ chức triển khai phân luồng, phân tuyến giao thông, bố trí bãi trông giữ phương tiện...
Cục Văn hóa cơ sở yêu cầu Sở VHTT&DL tỉnh Nam Định có phương án khắc phục hiện tượng phản cảm ở lễ hội đền Trần; bố trí các điểm phát ấn thuận lợi cho người dân, du khách, có phương án khắc phục hiện tượng phản cảm "đưa tiền lấy ấn".
Cục Văn hóa cơ sở cũng yêu cầu Ban tổ chức phải thực hiện đổi mới phương thức và bố trí khuôn viên rước kiệu phù hợp, đảm bảo không để hiện tượng đại biểu tham gia dự lễ ném tiền vào kiệu ấn, không để xảy ra hiện tượng cướp lộc trên ban thờ và có biện pháp khắc phục hiện tượng chen lấn, xô đẩy gây mất an ninh trật tự. Các phòng chuyên môn, thanh tra sở tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.
"Trong trường hợp để xảy ra các hiện tượng phản cảm, mất an ninh trật tự, ảnh hưởng tính mạng người tham gia lễ hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịchtỉnh Nam Định chịu trách nhiệm về quản lý hoạt động lễ hội theo quy định của Bộ", văn bản nêu rõ.
Ghi nhận của PV trưa ngày 1/3/2018, dù chưa đến thời điểm khai ấn nhưng dòng người đổ về đền Trần đã khá đông. Tại khu vực dẫn vào đền luôn chật kín du khách.
Phân luồng giao thông đường đến lễ hội khai ấn đền Trần:
Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh Nam Định đã lên phương án phân luồng giao thông từ xa cho nhiều trường hợp cụ thể.
Theo đó, nếu xảy ra ùn tắc trên QL10 đoạn từ ngã tư BigC Nam Định đến ngã tư Phù Nghĩa, phường Hạ Long, các phương tiện tuyến Hà Nam - Thái Bình sẽ theo QL21, 21B lên cầu vượt Lộc Hòa trên QL10, qua cầu vượt Lộc An, theo đường Lê Đức Thọ ra cầu Tân Phong, hướng về cầu Tân Đệ để sang Thái Bình.
Các phương tiện tuyến Ninh Bình - Thái Bình sẽ theo QL10 vào đường dẫn lên cầu vượt Lộc An, qua đường Lê Đức Thọ, ra cầu Tân Phong để tới cầu Tân Đệ sang Thái Bình. Phương tiện tuyến Thái Bình - Ninh Bình di chuyển theo chiều ngược lại.
Các phương tiện tuyến Thái Bình - Hà Nội đi qua cầu Tân Đệ rẽ vào đê Mỹ Tân, qua cầu Tân Phong, theo đường Lê Đức Thọ qua cầu vượt Lộc Hòa, sau đó rẽ phải ra QL21 đi thẳng hướng Phủ Lý (Hà Nam), không vào QL21B. Tất cả các hướng di chuyển đều có biển chỉ dẫn.
Trong trường hợp khu vực Đền Trần quá đông, lực lượng an ninh sẽ hướng dẫn các phương tiện đi lễ hội dừng đỗ trong Cung Thể thao tỉnh Nam Định, khu đô thị Hòa Vượng, khu đô thị Thống Nhất hoặc các nơi được phép dừng đỗ trên địa bàn TP Nam Định...