Nhiều phụ huynh đặt tên cho con theo "cấu trúc" rất đơn giản: hâm mộ thần tượng nào sẽ đặt giống y hệt. Qua đó, họ muốn gửi gắm ước vọng sau này con trưởng thành sẽ giỏi giang, thành công như thần tượng.
Ngô Thừa Ân (SN 2005, Kiên Giang) được đặt tên dựa theo niềm đam mê của cha. Cậu kể, từ khi lên 7 tuổi đã biết thắc mắc về cái tên của mình. Cha cậu giải thích, năm xưa mê xem phim “Tây Du ký”, lời giới thiệu: “Tây Du ký, nguyên tác Ngô Thừa Ân” đã ăn sâu vào tâm trí.
Ngày đưa vợ từ Kiên Giang qua An Giang sinh con, cha của Ân bỗng nhớ đến bộ phim “Tây Du ký” và hành trình thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng nên quyết định đặt tên con trai là Ngô Thừa Ân, trùng với tên tác giả của bộ truyện này.
|
Chàng trai tên Ngô Thừa Ân.
|
“Ông nội mình có cái tên rất đặc biệt – Ngô Quyền nên bố mình nghĩ “tên con trai không thể tầm thường được”. Cuối cùng, bố chọn một cái tên rất đặc biệt để đặt cho mình”, Ân chia sẻ trên Arttimes.
Sau đó, Ân đã lên mạng tìm hiểu về nhà văn Ngô Thừa Ân. Cậu ngưỡng mộ ngòi bút tài hoa, tài năng xuất chúng của nhà văn.
Nhắc đến chuyện đi học có gặp khó khăn gì không, Ân cho biết, 12 năm đi học, năm nào cũng phải giải thích cho giáo viên nghe nguồn gốc tên gọi của mình. Mỗi khi đến giờ kiểm tra bài cũ, thầy cô thấy cái tên Ngô Thừa Ân liền “lụm” luôn lên bảng trả bài. Đôi khi cậu lên bảng chỉ để trả lời cho câu hỏi: “Tại sao bố mẹ đặt cho cái tên này?”.
|
Cậu bé Ngô Thừa Ân
|
“Có năm nhận lớp, thầy cô đọc tên điểm danh, dò đến tên mình thì dừng lại một nhịp rồi hô to: “Ô, nhà văn viết Tây Du ký. Là em đó hả?”. Cả lớp quay lại nhìn, mình vừa ngượng, vừa quê. Đi làm thẻ căn cước cũng vậy, cán bộ đọc tên một cái, mọi người đồng loạt ngước sang nhìn với ánh mắt tò mò. Cái tên đặc biệt nhiều khi khiến mình nổi bật quá”, Ân kể.
Thời điểm dịch COVID-19 bùng nổ, phải học online tại nhà, Ân tăng liền 20kg. Kể từ đó, bạn bè thường gọi anh là “Ngô Thừa Cân”. “Thế là từ lớp 10 đến giờ, mình bị thay tên đổi họ, tên thì Ngô Thừa Ân nhưng dáng vẻ lại là Trư Bát Giới”, Ân hài hước nói.