Luật sư Hàn Ni từ “bị hại” trở thành “bị can“: Mạng ảo… tù thật?

Google News

Lợi dụng tính năng livestream, bà Nguyễn Phương Hằng và nhà báo Hàn Ni...đã gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội nên việc cơ quan điều tra xác minh, xử lý là cần thiết.

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Đặng Thị Hàn Ni về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, Phòng CSHS Công an thành phố đã tiếp nhận, thụ lý xác minh tố giác của ông Huỳnh Uy Dũng và Nguyễn Phương Hằng tố cáo Đặng Thị Hàn Ni đã đăng tải các đoạn ghi hình với nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm của ông Huỳnh Uy Dũng, Nguyễn Phương Hằng, xâm phạm lợi ích hợp pháp của Công ty Cổ phần Đại Nam và Quỹ từ thiện Hằng Hữu.
Điều tra xác định, Hàn Ni đã cố ý đăng tải nhiều đoạn ghi hình trên kênh youtube, với các nội dung chưa được kiểm chứng, những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư. Các nội dung đăng tải trên đã thu hút hàng chục ngàn lượt xem, bình luận, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, gây hoang mang trong nhân dân, xâm phạm quyền cơ bản của công dân.
Luat su Han Ni tu “bi hai” tro thanh “bi can“: Mang ao… tu that?
Luật sư Hàn Ni từ “bị hại” trở thành “bị can. 
Đáng chú ý, nhà báo Hàn Ni được coi là nạn nhân khi bị bà Phương Hằng nhắc tên, xúc phạm (cùng một số người khác) trong các buổi livestream. Bản thân bà Hàn Ni cũng là một trong số những nguyên đơn tố cáo bà Phương Hằng đến Cơ quan CSĐT Công an TP HCM và Công an Bình Dương.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, một người có thể là bị hại đồng thời cũng có thể trở thành bị can trong cùng một vụ án. Cũng có thể lúc đầu tưởng như là bị hại, nhưng sau đó lại thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng biến mình trở thành bị can trong vụ án hình sự. Bởi quá trình diễn biến hành vi của các bên, người. bị hại đã không giữ được bình tĩnh thực hiện hành vi vi vi phạm pháp luật.
Diễn biến sự việc những cuộc "đấu khẩu" bằng hình thức livestream trên mạng xã hội giữa bà Nguyễn Phương Hằng và nhà báo Hàn Ni cho thấy bà Phương Hằng là người nêu vấn đề trước, sau đó Hàn Ni đáp trả, từ đó bà Hằng có nhiều buổi phát trực tiếp trên mạng xã hội chỉ trích, bới móc, sỉ nhục, xúc phạm danh dự nhân phẩm của Hàn Ni. Nghiêm trọng hơn, nhóm người ủng hộ Nguyễn Phương Hằng đã đi tìm Hàn Ni để "hỏi chuyện" gây mất an ninh trật tự...
Khi tổ chức, cá nhân bị người khác xâm phạm, việc tự bảo vệ, phòng vệ phải phù hợp với quy định của pháp luật. Nếu lợi dụng việc phòng vệ, tự vệ để vượt quá giới hạn pháp luật cho phép xâm phạm đến quyền lợi ích hợp pháp của chủ thể khác phải chịu trách nhiệm. Pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng một hành vi vi phạm pháp luật để đáp trả lại một hành vi vi phạm pháp luật.
Trong vụ việc "đụng độ" giữa bà Nguyễn Phương Hằng và nữ nhà báo Hàn Ni trong suốt thời gian dài cho thấy, hoạt động đưa tin trên mạng xã hội của bà Phương Hằng rất bài bản, có ê kíp chuẩn bị nội dung, đạo diễn chương trình, cường độ liên tục, với nhiều nội dung gay gắt, ngôn ngữ lời lẽ có tính chất miệt thị, xúc phạm đến nhiều người trong đó có Hàn Ni.
Trong khi đó, ban đầu nữ nhà báo Hàn Ni tưởng như đáp trả "yếu ớt" với những giải thích, tuy nhiên lại đưa ra thông tin liên quan đến cá nhân Nguyễn Phương Hằng, tố cáo ngược hoạt động kinh doanh của bà Hằng...với nội dung chưa được kiểm chứng.
Đáng chú ý, cơ quan chức năng cũng đã tiếp nhận đơn thư tố cáo của hai bên và tiến hành xác minh theo quy định của pháp luật. Mâu thuẫn giữa các bên trở thành mẫu thuẫn giữa các nhóm xã hội, những người hâm mộ của hai bên đã tạo thành những hội nhóm chửi bới, xúc phạm, công kích lẫn nhau trên không gian mạng và thậm chí còn tìm gặp nhau để giải quyết màu thuận gây mất an ninh trật tự.
Hoạt động lợi dụng tính năng phát trực tiếp của mạng xã hội mà một một số cá nhân, trong đó có Nguyễn Phương Hằng, Hàn Ni...đã gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội nên việc cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý là cần thiết.
Nhiều người cho rằng, Hàn Ni là nạn nhân cần được pháp luật bảo vệ nên bất ngờ khi nữ nhà báo này bị khởi tố. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, một người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm pháp lý, không phải mọi trường hợp người bị tấn công trước hoặc bị tấn công nhiều hơn đều là bị hai. Việc khởi tố có căn cứ hay không sẽ phụ thuộc vào các tài liệu mà cơ quan điều tra đã thu thập được trong quá trình xác minh, thụ lý giải quyết vụ án này.
Nếu sự việc chỉ diễn ra theo "một chiều" là một người chửi bới và một người bị chửi, rõ ràng một bên sẽ là người vi phạm pháp luật, bên kia là người bị hại. Tuy nhiên, nếu sự việc diễn ra theo hướng hai bên "chửi nhau", đưa ra các thông tin chưa kiểm chứng, cả hai đều vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào tính chất mức độ hành vi, hậu quả xảy ra mà sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về nguyên tắc, mọi người đều có quyền tự do dân chủ trong đó có tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận cũng bị giới hạn bởi các quyền tự do khác của công dân. Pháp luật nghiêm cấm việc lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật đời tư cá nhân, xâm phạm quyền nhân thân và quyền hình ảnh của công dân.
Nếu đưa những thông tin hình ảnh thuộc bí mật kinh doanh, đời tư cá nhân nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín, người thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vụ án này sẽ là bài học cho những ai ảo tưởng vào sức mạnh mạng xã hội, lợi dụng tính năng của mạng xã hội để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến bí mật đời tư cá nhân, bí mật kinh doanh, bí mật nghề nghiệp, xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của người khác, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, đến văn minh lành mạnh của môi trường mạng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng

Nguồn: THĐT

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)