Mới đây, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã ban hành kết luận số 9 chỉ rõ sai phạm của Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai. Cụ thể, dù là đơn vị được giao làm đầu mối tổ chức đấu thầu thuốc tập trung của tỉnh, được phê duyệt dự toán mua sắm vật tư y tế, hóa chất giá trị lớn, tuy nhiên, tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong công tác đấu thầu thuốc gây thiệt hại nguồn ngân sách và nguồn thu sự nghiệp của bệnh viện với số tiền gần 2 tỷ đồng.
Kết luận nêu rõ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đã chia nhỏ các gói thầu, ban hành 1.165 quyết định chỉ định thầu mua vật tư, hóa chất cho từng đợt mua sắm với giá dưới 100 triệu đồng (tổng giá trị các mặt hàng hơn 95 tỷ đồng). Bên cạnh đó, đơn vị có 361 mặt hàng không tổ chức đấu thầu (Theo Điều 22, Luật đấu thầu 2013 thì việc mua sắm vật tư y tế, hóa chất của bệnh viện không thuộc trường hợp chỉ định thầu; Điều 89, Luật đấu thầu cũng nghiêm cấm việc chia dự án thành các gói thầu trái với quy định nhằm mục đích chỉ định thầu). Việc bệnh viện chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu cũng như không tổ chức đấu thầu với 361 mặt hàng là trái quy định của pháp luật. Dẫn đến, BVĐK Gia Lai đã làm thiệt hại ngân sách và nguồn thu sự nghiệp của bệnh viện số tiền 1,987 tỷ đồng.
|
Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai. Ảnh: Báo Đầu tư. |
Từ những sai phạm trên, Thanh tra tỉnh Gia Lai kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo ông Phạm Bá Mỹ - Giám đốc BVĐK Gia Lai tổ chức kiểm điểm trách nhiệm về hạn chế, thiếu sót trong công tác đấu thầu thuốc chữa bệnh; kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối và kiến nghị xử lý kỷ luật theo thẩm quyền đối với sai phạm liên quan đến công tác mua sắm vật tư, hóa chất.
Dư luận đặt ra câu hỏi, để xảy ra những sai phạm trên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo nội dung kết luận, thì cơ quan thanh tra xác định sai phạm chỉ đến mức kỷ luật, không chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra.
“Nếu cơ quan thanh tra chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra hoặc qua đơn thư tố cáo, tố giác, qua phản ánh của báo chí... mà có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra mới khởi tố. Việc những vi phạm trên có dấu hiệu tội phạm hay không, có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự các cán bộ có liên quan đến tội phạm về chức vụ hay không thì phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ do cơ quan chức năng thu thập”, luật sư Cường cho hay.
“Theo kết luận của cơ quan thanh tra thì bệnh viện này đã vi phạm quy định về đấu thầu, vi phạm quy định về quản lý kinh tế và gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho Nhà nước. Bởi vậy cơ quan thanh tra sẽ phải làm rõ những vi phạm này đã đến mức nghiêm trọng, đến mức nguy hiểm cho xã hội hay chưa? Hành vi vi phạm có thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm về một trong các tội danh về chức vụ, quản lý kinh tế hay chưa? Có đề nghị xem xét xử lý hình sự hay không hay chỉ xử lý kỷ luật”, Luật sư cường nêu ý kiến.
Ngoài ra, luật sư nói thêm: "Nếu hành vi sai phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm mà cơ quan thanh tra không kiến nghị với cơ quan điều tra khởi tố vụ án thì cơ quan thanh tra cũng phải chịu trách nhiệm về vấn đề này."
Đồng thời, theo luật sư Đặng Văn Cường, nếu cơ quan thanh tra chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra hoặc cơ quan điều tra có tin báo từ các nguồn thông tin khác mà đủ căn cứ xử lý về tội cố ý làm trái thì sẽ xem xét xử lý theo Điều 165 BLHS Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo quy định của pháp luật, tội cố ý làm trái được quy định tại điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999, đến Bộ luật hình sự năm 2015 thì tội này được thay thế thành 9 tội danh: Vi phạm các quy định về cạnh tranh (Điều 217); Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (Điều 218); Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219); Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220), Vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221); Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222); Thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 223); Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224)…
Bởi vậy nếu hành vi vi phạm quy định về quản lý kinh tế có liên quan đến việc lĩnh vực đấu thầu xảy ra trong giai đoạn bộ luật hình sự năm 1999 có hiệu lực nhưng nay mới phát hiện ra thì sẽ bị xử lý về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại điều 222 bộ Luật hình sự năm 2015.
Điều 222. Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính177 về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu;
b) Thông thầu;
c) Gian lận trong đấu thầu;
d) Cản trở hoạt động đấu thầu;
đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;
e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;
g) Chuyển nhượng thầu trái phép.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Hai tội danh sau đây cũng có thể được xem xét, nếu thỏa mãn các dấu hiệu của tội danh này thì cũng sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật:
Điều 219. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí
1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
d) Gây thất thoát, lãng phí từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 220. Tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Vi phạm quy định về quyết định chủ trương đầu tư;
b) Vi phạm quy định về lập, thẩm định chủ trương đầu tư;
c) Vi phạm quy định về quyết định đầu tư chương trình, dự án;
d) Vi phạm quy định về tư vấn, thiết kế chương trình, dự án.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.