Ông Đinh La Thăng có nguyện vọng xin chuyển sinh hoạt về Đoàn ĐBQH Thanh Hóa
Tại buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV diễn ra vào chiều 19/5 do ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - chủ trì, báo chí đã đặt câu hỏi về căn cứ pháp lý nào để Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho ông Đinh La Thăng chuyển về sinh hoạt tại Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội cho biết: “Tại Hội nghị T.Ư Đảng lần thứ 5 khóa XII vừa qua, trên cơ sở kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ban chấp hành T.Ư đã có Nghị quyết thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng là cảnh cáo”.
|
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ trì buổi họp báo.
|
"Ông Đinh La Thăng có đơn xin thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị và đã được Ban chấp hành T.Ư Đảng đồng ý. Thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị tức là thôi chức Bí thư Thành phố, thôi Trưởng đoàn Đại biểu TP. HCM. Bộ Chính trị đã điều điều động ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về giữ chức Bí thư Thành ủy TP. HCM. Đảng đoàn Quốc hội cũng đồng ý giới thiệu ông Nguyễn Thiện Nhân bầu làm Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM. Đoàn TP.HCM tới đây sẽ họp và bầu Trưởng đoàn mới", Tổng thư ký Quốc hội thông tin.
Tổng thư ký Quốc hội - ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ông Đinh La Thăng có nguyện vọng chuyển sinh hoạt về đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa, đồng thời đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa cũng có văn bản đề nghị cho ông Đinh La Thăng về sinh hoạt tại đoàn Thanh Hóa.
"Hai đề nghị như thế nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí. Trước đó, UBTVQH đã xem xét đơn xin chuyển sinh hoạt đoàn đại biểu Quốc hội của ông Đinh La Thăng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, đại biểu Quốc hội khóa 14. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, nhất trí về việc chuyển sinh hoạt Đoàn đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng từ Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa", ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay.
Vì sao dự án Luật Biểu tình vẫn tiếp tục chậm tiến độ?
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí về tiến độ thực hiện nghị định về xử lý cán bộ đã nghỉ hưu mà Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện?, Tổng thư ký Quốc hội - ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Hiện Quốc hội đang chờ Chính phủ trình sang Nghị quyết này. Tuy nhiên, hiện chúng ta đang sửa Luật về công chức, viên chức nên trong quá trình này sẽ bao hàm cho phép việc xử lý này. Nghị quyết thì Bộ Nội vụ đang nghiên cứu và sau đó sẽ báo cáo lên Chính phủ rồi trình sang Quốc hội".
Đối với Luật Biểu tình chưa được trình ra trong kỳ họp này, theo Tổng thư ký Quốc hội là do chất lượng của Luật và Chính phủ, cơ quan soạn thảo đang hoàn chỉnh.
Liên quan đến việc, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội đến giờ đã khuyết một số ĐBQH thì Ủy ban TVQH có xem xét việc bầu bổ sung không? Ông Phúc cho rằng, việc khuyết một số ĐBQH là điều không mong muốn.
"Vừa rồi chúng ta có khuyết 5 đại biểu, trong đó, 3 ĐBQH liên quan đến vi phạm nên bãi nhiệm và vì lý do sức khỏe, 2 ĐBQH vì từ trần. Tuy nhiên, phải có tỷ lệ, ít nhất là 10% thì mới xem xét đến việc bầu bổ sung ĐBQH. Hơn nữa ĐBQH không chỉ đại diện cho địa phương bầu ra mình mà là đại biểu của cả nước. Vì thế chúng ta không lo ngại việc khuyết một số ĐBQH ở một số đoàn sẽ ảnh hưởng đến tiếng nói của đoàn ĐBQH đó", ông Phúc cho hay.
Ông Võ Kim Cự xin nghỉ vì lý do sức khỏe là bình thường
Tại buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa 14, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội đã lý giải vì sao Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ông Võ Kim Cự thôi làm nhiệm vụ ĐBQH.
Về việc cho thôi nhiệm vụ ĐBQH của ông Võ Kim Cự vì lý do sức khỏe, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau khi bị kỷ luật theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra TƯ và thông báo của Ban Bí thư Trung ương, ông Võ Kim Cự đã có đơn xin thôi nhiệm vụ ĐBQH vì lý do sức khỏe.
"Căn cứ vào điểm 2 điều 38 Luật tổ chức Quốc hội thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và đồng ý cho thôi nhiệm vụ ĐBQH của ông Võ Kim Cự. Còn sức khỏe của con người ta có thể nay khỏe, mai yếu là chuyện bình thường, chưa kể những bệnh nghiêm trọng thì không biết đâu mà lường. Có khi chủ quan không đi khám bệnh nhưng lúc bị bệnh mới thì phát hiện ra thì không có gì bất thường mà là bình thường. Có khi bản thân ĐBQH thì người ta cũng biết sức khỏe chứ không nhất thiết phải khám bệnh, có văn bản gì cả. Việc đại biểu có đơn vì lý do sức khỏe xin thôi ĐBQH nên xét thấy như vậy thì Ủy ban TVQH cho thôi", ông Phúc nêu rõ.
Trả lời câu hỏi về việc, ông Võ Kim Cự đã bị mất tín nhiện như vậy thì tại sao cho ông thôi làm nhiệm vụ mà không phải đưa ra Quốc hội bãi nhiệm? Ông Phúc cho hay: “Việc này phải xem xét toàn diện trên nhiều yếu tố. Ông Võ Kim Cự đã đàm nhiệm các chức vụ Phó Chủ tịch, Chủ tịch rồi Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Năm 2015, khi ông Võ Kim Cự thôi làm Bí thư Tỉnh ủy thì lúc đó chúng ta chưa gì cả và khí thế đang hừng hừng. Và mời được một doanh nghiệp lớn như thế về đó không phải là dễ đâu, khó lắm. Tôi trước làm lãnh đạo tỉnh cũng biết rồi, kêu gọi đầu tư, mời các doanh nghiệp lớn về địa phương, nhất là địa phương nghèo như thế rất khó. Cho nên làm như thế rất tốt, kết quả thu hút đầu tư tốt. Sau đó, cuối năm 2015, ông Võ Kim Cự chuyển lên trên này làm Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Thàng 4/2016 mới xảy ra hiện tượng cá chết và sau đó, đến 22/5 chúng ta bầu cử Quốc hội, lúc đó cũng chưa có vấn đề gì cả, chỉ biết cá chết chứ chưa xác định nguyên nhân gì. 2 tháng sau, chúng ta mới xác định là Formosa còn lúc đầu cho là tảo đỏ hay nguyên nhân gì đó. Ông Cử bầu tại Hà Tĩnh với 75% cử tri, rất cao. Bầu ông Cự lúc đó với điều kiện Ủy ban Trung ương MTTQVN giới thiệu với cương vị là Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã VN, 1 thành viên của Ủy ban TƯ MTTQVN. Giới thiệu ông Cự ở cương vị đó chứ không phải là bị kỷ luật rồi mới giới thiệu vào đây. Vì thế, ở vị trí này, Liên minh không liên quan gì đến cá chết, Formosa cả. Nhưng do vừa qua, ông Cự thấy mình bị kỷ luật rồi và suy nghĩ, suy sụp tinh thần, sức khỏe yếu đi, xét thấy mình không hoàn thành nhiệm vụ nên xin thôi làm ĐBQH. Xét thấy đại biểu có đơn và ĐBQH nào có đơn thấy sức khỏe như thế thì Thường vụ Quốc hôi cũng phải cho thôi”.
Thông qua 13 dự án luật quan trọng, 5 dự thảo nghị quyết
Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV sẽ chính thức khai mạc vào ngày 22/5 sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng tập trung xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua Kỳ này gồm: Luật đường sắt (sửa đổi); Luật quản lý ngoại thương; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật thủy lợi; Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật cảnh vệ; Luật du lịch (sửa đổi); Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.
Các nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Nghị quyết về thi hành Bộ luật hình sự; Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào; Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Ngoài ra, các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, gồm: Luật quản lý nợ công (sửa đổi); Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật thủy sản (sửa đổi); Luật tố cáo (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.
Điểm mới của kỳ họp lần này là sẽ tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn.Kế hoạch trước đây là 2,5 ngày. Nhưng rất nhiều đại biểu và cử tri yêu cầu tăng thời gian chất vấn. Ủy ban thường vụ quốc hội đã thống nhất tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn lên 3 ngày tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV.
Quốc hội sẽ làm việc trong 22,5 ngày (không kể ngày nghỉ) và Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 21/6/2017.