|
Anh Sáu kiểm tra sức khỏe đàn ong tại khu nuôi ong của gia đình ở huyện Sơn Động (Bắc Giang). |
Hiện, mỗi năm anh Phùng Văn Sáu, một thợ nuôi ong chuyên nghiệp ở huyện Sơn Động (Bắc Giang), chăn hơn 200 đàn ong (hơn 200 thùng), mỗi năm quay mật, anh thu khoảng trên dưới 10 tấn mật, có năm được vài chục tấn, thu về hàng trăm triệu đồng. “Cứ khi nào có mật ong, nhấc điện thoại lên gọi là có người đến tận nơi lấy nên sản phẩm làm ra không bao giờ lo ế đâu” – anh Sáu chia sẻ.
Nói về bí quyết nuôi ong, anh Sáu cho hay: “Để đàn ong phát triển ổn định, đặc biệt là vào mùa đông, ngay đầu vụ người nuôi cần có biện pháp chống rét cho ong, bà con lưu ý đặt thùng cần tránh hướng gió đông bắc. Dùng bao tải hoặc rơm rạ ủ ấm cho tổ ong. Còn về mùa hè, theo kinh nghiệm của mình, mọi người nên chọn địa điểm đặt đàn ong gần nguồn phấn hoa, địa hình thoáng mát yên tĩnh. Không nên đặt đàn ong gần nơi đi lại, trên nền xi măng, nền sân gạch, nơi quá ẩm thấp hoặc gần chuồng gia súc”.
|
Nghề nuôi “con bay” đang mang lại thu nhập cao ổn định cho người nuôi ở các tỉnh trong cả nước. |
Theo anh Sáu, khi ong chúa đẻ mạnh, số lượng ong trong đàn đông đúc, nguồn thức ăn bên ngoài dồi dào, mật và phấn hoa tích trữ trong các tổ dư thừa, đàn ong sẽ xây mũ chúa mới và sẻ đàn tự nhiên, người nuôi ong sẽ có thêm một đàn ong mới. Song nhiều khi nguồn thức ăn thiếu, tổ ong nóng bức, ong chúa đẻ kém, trứng nở nhiều ong đực mà đàn ong cũng tạo mũ chúa mới để sớm sẻ đàn. Lúc này tuy được thêm đàn mới song cả hai đàn cũ và mới đều thiếu sinh lực, chóng suy tàn, khả năng tạo mật ong kém, gây thiệt hại cho người nuôi.
“Trong trường hợp này cần cho đàn ong xây thêm cầu mới để ong chúa có nơi đẻ trứng, tổ không chật chội; cắt bỏ bớt lỗ tổ ong đực ở các góc bánh tổ; thay thế ong chúa, bổ sung nguồn thức ăn cho đàn ong và tiến hành chống nóng, chống rét cho tổ ong” – anh Sáu chia sẻ.
|
Vợ chồng ông Bình bên khu nuôi ong của gia đình ở Phú Thọ. |
Cũng theo anh Sáu, hiện có rất nhiều người nuôi ong nhưng phần lớn là nuôi nhỏ lẻ quy mô nông hộ, điều nguy hiểm là bà con hay mắc phải sai lầm nguy hiểm là đặt các thùng ong gần khu vực có hoa có trắng (hay còn gọi hoa xuyến chi, hoa cứt lợn) đây là loại hoa nở nhiều vào đầu tháng 10 đến tháng 11 âm lịch. “Đây là loại hoa rất nguy hiểm, khi ong thiếu ăn ăn phải sẽ bị đầy bụng đi ngoài phân vàng hàng loạt nếu không chữa trị kịp thời sẽ trắng tay ngay” – anh Sáu khẳng đinh.
Anh Sáu cho biết, trong các loài hoa để ong lấy mật thì hoa cao su và hoa keo (cây gỗ keo) là tốt nhất. Bởi khi ong ăn được loại hoa này khi làm mật sẽ rất thơm và ngon chất lượng hảo hạng và bán được giá nhất. Đây cũng chính là loài cây nở hoa từ tháng 3 đến tháng 5 có nhiều ở vùng núi tại các xã trên địa bàn huyện Sơn Động (Bắc Giang), nơi mà hiện tại anh đang đặt đàn.
Chia sẻ về tương lai của nghề, anh Sáu bảo: “Ong ăn phấn hoa và cho mật, đây chính là sản phẩm tự nhiên, hoàn toàn sạch được người tiêu dùng trong và người nước rất ưu chuộng, bởi thế mà người nuôi ong chúng tôi luôn phát triển thịnh vượng”.
Còn theo kinh nghiệm của ông Trần Bình, một chủ nuôi ong lâu năm ở huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), để đàn ong phát triển tốt và cho mật chất lượng tốt, bà con nên chú ý đến cách bố trí các thùng ong. “Bà con nên đặt thùng ong ở chỗ cao ráo có bóng mát, cửa tổ của thùng quay về hướng nam để tránh ánh nắng, tránh rét. Thùng đặt cách mặt đất 30cm, các thùng cách nhau 3-4m. Mỗi thùng đặt 7 -10 cầu ong là vừa” – ông Bình chia sẻ.
“Đặc biệt, người nuôi ong cần luôn kiểm tra để duy trì con ong chúa tốt cho mỗi đàn. Khi ong chúa già cần được thay thế bằng cách kích thích để đàn ong tự tạo ong chúa mới hoặc đưa mũ ong chúa tốt từ đàn ong khác sang. Ong chúa tốt có thân hình lớn, đẻ đều, đẻ nhiều trứng hàng ngày, tỷ lệ trứng thụ tinh cao. Khi đàn ong đã phát triển đông đúc, chủ động tạo thêm mũ chúa để đàn ong sớm sẻ thành 2 đàn một cách tự nhiên” – ông Bình tiết lộ.