Không đánh đổi di sản lấy lợi ích ngắn hạn

Google News

Vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long bị quây làm “hòn non bộ” và nhiều hành vi xâm phạm di tích, di sản trên toàn quốc gióng lên hồi chuông cảnh báo vấn nạn xâm hại di sản.

Nhiều chuyên gia lên tiếng phản đối dự án lấp vùng đệm Vịnh Hạ Long làm dự án bất động sản, bởi dự án đe dọa, xâm hại trực tiếp đến di sản. “Đôi khi, việc phân biệt giữa vùng lõi, vùng đệm di sản còn chưa rõ ràng khiến nhà đầu tư lợi dụng để tăng giá trị dự án. Đây cũng được coi là một hành vi lách luật khi sử dụng các cảnh quan của di sản thiên nhiên thành cảnh quan riêng của dự án”, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu ý kiến.

Khong danh doi di san lay loi ich ngan han

Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đang bị đe dọa

Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều vụ xâm hại di sản xảy ra khắp cả nước. Tháng 4/2023, tại vùng lõi di sản Tràng An thuộc xã Ninh Xuân, Hoa Lư (Ninh Bình), hàng loạt công trình mọc lên. Đa phần những công trình vi phạm thuộc loại hình kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống. Qua công tác tuần tra, phối hợp kiểm tra, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An (Sở Du lịch Ninh Bình) phát hiện Công ty TNHH MTV Cuộc sống Ninh Bình xây hàng loạt công trình trái phép trong vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An (Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới). UBND huyện Hoa Lư đã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng 110 triệu đồng đối với Công ty TNHH MTV Cuộc sống Ninh Bình.

Ngoài ra, tại khu vực Hang Lan, thôn Khả Lương, xã Ninh Thắng, một con đường và hàng chục homestay được xây dựng bên trong mốc giới vùng lõi di sản Tràng An có diện tích khoảng 6ha. Trước đó, công trình đường dẫn lên núi Cái Hạ (xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình) bị buộc dỡ bỏ vì nằm trong vùng lõi của khu Di sản

GS Đặng Hùng Võ nói rằng, việc phát triển du lịch một cách nhanh chóng ở Việt Nam gây ra tình trạng nhiều tư nhân lợi dụng cảnh quan thiên nhiên, di sản để tăng giá trị cho những dự án kinh doanh dịch vụ. Vai trò của các cơ quan chức năng trong việc này rất quan trọng, phải thực hiện đúng trách nhiệm thanh, kiểm tra, động viên nhân dân giám sát và khi dân có ý kiến phải nghiên cứu, ứng phó, giải quyết. “Các khu vực bảo vệ có thể sẽ có thay đổi theo thời gian. Vì vậy, chúng ta phải kiểm tra về việc phân vùng, nếu không sẽ dẫn đến hệ lụy xấu là sử dụng vùng đệm nhưng lại lợi dụng được cảnh quan của thiên nhiên”, GS. Đặng Hùng Võ nói.

Ông Trương Minh Tiến, Ủy viên BCH Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội đề nghị cần hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ, bảo tồn di sản; đặc biệt cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý như BQL di tích, chính quyền địa phương các cấp.

“Khi phát hiện việc xâm hại di tích, cần xử lý nghiêm minh theo luật pháp, thậm chí truy tố trước pháp luật, kỷ luật những người quản lý trực tiếp. Ở Việt Nam, hầu như chưa có vụ xâm hại di tích, di sản nào bị xử phạt nặng, việc truy tố, cưỡng chế cũng chưa nhiều”, ông Trương Minh Tiến nêu.

GS Đặng Hùng Võ đề xuất cần có khung pháp luật chặt chẽ khi đưa di sản vào khai thác du lịch. Trong khung pháp luật về di sản, cần đề cao việc bảo vệ, bảo tồn di sản lên trước, sau đó mới tính đến chuyện khai thác kinh tế dựa vào các di sản này. “Nếu làm được điều đó thì chúng ta mới phát triển đồng thời được du lịch và di sản theo hướng bền vững”, GS Võ nhìn nhận.

Điều 32 Luật Di sản văn hóa sửa đổi năm 2009 nêu rõ: Khu vực bảo vệ I (vùng lõi) là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích và khu vực bảo vệ II (vùng đệm) là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I. “Trong trường hợp không xác định được khu vực bảo vệ II thì việc xác định chỉ có khu vực bảo vệ I đối với di tích cấp tỉnh do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, đối với di tích quốc gia do Bộ trưởng Bộ VHTTDL quyết định, đối với di tích quốc gia đặc biệt do Thủ tướng quyết định”.

Luật Di sản văn hóa nêu việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh; đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VHTTDL. “Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích”.


Theo Gia Linh/Tiền Phong

>> xem thêm

Bình luận(0)