Cảnh sát cơ động chịu trách nhiệm trước ai khi nổ súng?
Ngày 25/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát cơ động.
Một số đại biểu đã nêu ý kiến về việc phòng ngừa sự lạm dụng hay lạm quyền trong quá trình hoạt động của cảnh sát cơ động.
|
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum). |
Liên quan đến nhiệm vụ của cảnh sát cơ động, đại biểu Tô Văn Tám - Kon Tum cho biết, tại khoản 2 quy định là cho phép cảnh sát cơ động được mang theo vũ khí, vật liệu nổ lên tàu bay dân sự.
Theo đại biểu Tám, khi đưa vũ khí lên máy bay thường là không được phép. Việc được phép trong trường hợp này là khi bảo vệ, vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị cáo, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Tuy nhiên, hàng đặc biệt là gì thì trong luật chưa có và cũng chưa quy định chủ thê nào có trách nhiệm giải thích. Ông Tám cho rằng, cần phải có giải thích để tránh sự sự lạm dụng.
Ngoài ra, theo đại biểu Tám, khi áp giải bị can, bị cáo thì thường chúng ta có những biện pháp chuẩn bị rất tốt, có thể là còng tay, thậm chí khi lên được rồi thì có thể còng chân.
“Trong trường hợp này có cần thiết phải mang theo vũ khí hay không? Tôi đề nghị trường hợp thứ hai khi mang vũ khí lên ở điểm b khoản 2 Điều 10 cũng cần phải nghiên cứu thêm cho rõ”, đại biểu Tám nêu quan điểm.
Cũng trong phát biểu của mình, đại biểu Tám còn nhấn mạnh tới quyền được nổ súng của cảnh sát cơ động.
Theo đó, tại Điều 15 khoản 2 quy định "khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức thì người chỉ huy có quyền ra lệnh nổ súng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình".
Đại biểu Tám cho rằng, điều luật chưa quy định rõ chịu trách nhiệm trước chủ thể nào. Đề nghị bổ sung quy định theo hướng khi ra lệnh nổ súng như vậy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cấp trên. Nếu chỉ quy định chịu trách nhiệm như thế thì chưa rõ là chịu trách nhiệm gì.
Quy định nghĩa vụ của cảnh sát cơ động khi vào cơ quan, chỗ ở cá nhân
Quy định cảnh sát cơ động được vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân được quy định tại Điều 13 dự thảo cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và nêu ý kiến.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre). Ảnh: Quốc hội. |
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho rằng, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở là một trong những quyền con người đã được Hiến định và tại Điều 14 của Hiến pháp năm 2013 có quy định là quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Tuy nhiên qua rà soát, đối chiếu với Luật Phòng, chống khủng bố thì cũng không có quy định cụ thể việc lực lượng phòng, chống khủng bố vào trụ sở, cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân.
Đại biểu đề xuất luật cần quy định lực lượng cảnh sát cơ động được vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để thực hiện nhiệm vụ, tuy nhiên, theo hướng quy định:
Thứ nhất là trường hợp nào thì lực lượng cảnh sát cơ động được vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để bảo vệ tính mạng của công dân, tài sản của họ, đảm bảo an toàn cho công dân trong trường hợp bạo loạn và trường hợp khẩn cấp hay là để thực hiện các biện pháp phòng, chống khủng bố để trấn áp tội phạm.
Hai là, khi vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân thì lực lượng cảnh sát cơ động được quyền thực hiện những công việc gì? Trường hợp cần thiết, thí dụ như được phá hủy các thiết bị khóa, các yếu tố và cấu trúc ngăn cản sự xâm nhập vào các khu vực, được kiểm tra các đồ vật và phương tiện ở đó.
Ba là khi vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân thì lực lượng cảnh sát cơ động có nghĩa vụ thực hiện những công việc gì? Trước khi vào nhà hoặc là trụ sở cơ quan, tổ chức phải thông báo cho công dân hoặc là người đại diện cho cơ quan tổ chức biết lý do để vào, trừ trường hợp cấp bách, nếu chậm trễ sẽ đe dọa ngay lập tức đến tính mạng hoặc sức khỏe của công dân và cán bộ, chiến sĩ, hoặc có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khác.
Phải sử dụng các biện pháp phương tiện an toàn, tôn trọng danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe của công dân, tránh để xảy ra thiệt hại không đáng có đối với tài sản của họ. Không tiết lộ thông tin về đời tư của công dân, bí mật thông tin nội bộ của cơ quan, tổ chức.
Trong khi đó, đại biểu Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) đề nghị bỏ hẳn Điều 13 và tích hợp vào khoản 6. Bởi qua nghiên cứu Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013, đại biểu thấy rằng những nội dung này đã được quy định đầy đủ tại Điều 31 Luật Phòng, chống khủng bố.
“Do vậy, tôi đề nghị bỏ Điều 13 là vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân mà quy định đầy đủ những nội dung này ngay tại khoản 6 Điều 10 và dẫn chiếu sang Luật Phòng, chống khủng bố”, đại biểu này nói.