Từ toán học đến máy tính
GS. Phan Đình Diệu (1936-2018) là giáo sư, nhà toán học, nhà khoa học máy tính nổi tiếng Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh, GS. Phan Đình Diệu chọn học sư phạm để có học bổng vì kinh tế khó khăn. Nhưng cũng chính tại đây, ông đã tìm thấy sự say mê đối với ngành toán học. Năm 1957, ông tốt nghiệp và được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy.
|
GS. Phan Đình Diệu là nhà khoa học tên tuổi của Việt Nam. |
Năm 1967 khi tròn 30 tuổi, GS. Phan Đình Diệu hoàn thành luận án tiến sĩ khoa học ở Liên Xô (cũ) ngành Toán học tính toán và Điều khiển học, Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov. Ông là nhà toán học Việt Nam đầu tiên đi du học ở Liên Xô (cũ) mà luận án TSKH được đăng thành một tuyển tập riêng của Viện Toán học mang tên V. A. Steklov của Viện Hàn lâm KH Liên Xô.
Về nước với dự định trở lại công việc giảng dạy và nghiên cứu toán học, nhưng theo sự phân công của cấp trên, ông đến công tác tại Uỷ ban Khoa học Nhà nước, bộ phận máy tính để xây dựng phòng Toán học tính toán vừa được thành lập. Năm 1971, ông được đề nghị làm vào thời điểm cả nước chỉ mới có một dàn máy tính được đặt tại đây.
Từ khởi đầu đầy khó khăn và hạn chế này, bằng tài năng và quyết tâm ông đã xây dựng một đội ngũ những nhà khoa học có khả năng nghiên cứu ở trình độ cao về một số hướng phát triển hiện đại của khoa học máy tính và tin học.
Năm 1975, trong một chuyến thực tập tại Pháp, ông được tiếp xúc với nhiều thành tựu hiện đại của ngành tin học trên thế giới. Từ đó, ông say mê tìm hiểu hai hướng phát triển mà ông cho là có triển vọng nhất và có thể ứng dụng và phát triển ở Việt Nam là vi tin học (trên cơ sở kỹ thuật vi xử lý và máy vi tính) và viễn tin học (trên cơ sở công nghệ viễn thông và mạng máy tính).
Về nước, với nhận định về tình hình thế giới, cho rằng thông tin, tri thức ngày càng đóng vai trò quan trọng và coi đây là cuộc cách mạng lớn thay đổi nhân loại, ông đã đề xuất dự án thành lập một Viện nghiên cứu lấy tên là Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển.
Năm 1977, Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (tiền thân của Viện Tin học và Viện Công nghệ Thông tin) chính thức được thành lập, và ông là Viện trưởng đầu tiên. Dưới sự lãnh đạo tâm huyết và quyết đoán của ông năm 1981, chiếc máy vi tinh đầu tiên sản xuất tại Việt Nam và Đông Á ra đời đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành CNTT của Việt Nam lúc đó tại Đông Nam Á.
Nhà kiến thiết tài ba
Sau này, GS. Phan Đình Diệu làm Phó viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), Phó trưởng thường trực Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia về công nghệ thông tin (1993-1997), Thành viên Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia Việt Nam (từ năm 1992).
|
Cố GS. Phan Đình Diệu bên gia đình |
Ông cũng là Ủy viên của Đoàn chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về khoa học giáo dục.
Đặc biệt GS. Phan Đình Diệu là đại biểu Quốc hội khóa 5, 6; Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa 3, 4, 5, 6, 7; Chủ tịch sáng lập Hội Tin học Việt Nam.
Ở trên cương vị nào, GS. Phan Đình Diệu cũng nghi những dấu ấn quan trọng. Đặc biệt, ông được ghi nhận là một trong những nhà khoa học đã đóng góp công sức để "mở đường" đưa Internet vào Việt Nam vào năm 1997. Với ông, "Công nghệ thông tin là một ngành mà tôi rất tha thiết. Cả phần đời sung sức nhất của mình, tôi đã dành để nghiên cứu, xây dựng và góp phần phát triển nó".
Nhận xét về ông, GS.TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục&Đào tạo viết: Ông là một trong những người được ghi nhận có công đầu trong việc đào tạo và phát triển ngành tin học Việt Nam, là chuyên gia trong các lĩnh vực: Toán học kiến thiết, logic toán, lý thuyết thuật toán, ôtômat và ngôn ngữ hình thức, lý thuyết mật mã và an toàn thông tin...
Nói về giáo sư Phan Đình Diệu là nói đến một trí thức lớn của Việt Nam - người đã đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển ngành khoa học tính toán và tin học Việt Nam, người có sức ảnh hưởng lớn lao đến xã hội qua những đóng góp tâm huyết với tầm nhìn xa rộng cho sự phát triển đất nước - GS.TSKH. Nguyễn Hữu Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định.
Còn với GS. Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Toán học Việt Nam, GS. Phan Đình Diệu là một người độc đáo, sâu sắc và chính xác. Sự độc đáo thể hiện ngay từ khi ông chập chững vào làng Toán. Vì thích số học mà ông đã tự học tiếng Trung để dịch cuốn Số học của Hoa La Canh. Vì yêu thích sự chính xác mà ông chọn môn logic khi đi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô (cũ).
Theo GS. Hà Huy Khoái, với nhãn quan sáng suốt, từ những năm 70 của thế kỷ trước, GS. Phan Đình Diệu cho rằng tin học chính là khoa học của tương lai. Việt Nam nhất thiết phải xây dựng ngành Tin học. Có thể nói rằng trình độ tin học của Việt Nam thời kỳ đó cao hơn nếu so với những nước trong vùng Đông Nam Á.