Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương vừa ghi nhận một số thông tin về việc các đối tượng lợi dụng dịch COVID-19 để lừa đảo, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Theo đó, hiện có rất nhiều các tin nhắn, email và bài đăng trên các trang mạng xã hội có chứa các thông tin giả mạo về các trường hợp bị nhiễm bệnh.
Giữa thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, nhiều chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội đã xuất hiện gây hoang mang cho người tiêu dùng. Ảnh minh họa
Đối tượng sử dụng các thông tin sai sự thật kêu gọi người dân quyên góp cho nạn nhân hoặc trong tin nhắn, email có chứa các đường link, tệp đính kèm độc hại. Mục đích của việc làm này là nhằm đánh cắp dữ liệu cá nhân nếu người dùng truy cập vào những đường link, tệp độc hại đó.
Ngoài ra, trước tình trạng khan hiếm của các sản phẩm y tế như nước rửa tay khô, khẩu trang y tế, nhiều đối tượng đã lợi dụng việc này để dụ dỗ người tiêu dùng chuyển tiền trước để mua khẩu trang nhưng không giao hàng hoặc bỏ trốn, tăng giá sản phẩm cao bất thường hay cung cấp các loại khẩu trang không đảm bảo chất lượng, thu nhặt từ phế thải,…
Thậm chí, trên thị trường hiện nay cũng xuất hiện hàng loạt các thông tin về loại thẻ "chống virus COVID-19" có khả năng kháng khuẩn, làm sạch không khí và vaccine có khả năng phòng chống dịch bệnh được bày bán công khai. Chính điều này cũng gây nhiễu loạn tâm lý của người tiêu dùng, tạo sự hoang mang trong quần chúng nhân dân.
Nhiều trường hợp lừa bán khẩu trang y tế xuất hiện trên mạng xã hội mới đây đã khiến người dùng "ôm hận"
Trước tình hình trên, các cơ quan chức năng khuyến cáo, người dùng cần cẩn trọng với các email, cuộc gọi và tin nhắn từ địa chỉ không rõ ràng. Để cập nhật tình hình dịch bệnh, người dân có thể theo dõi qua các website và kênh thông tin chính thống. Không nhấp vào các đường link về COVID-19 từ các nguồn không rõ ràng.
Bên cạnh đó, người dân cũng nên nói không với tất cả các đề nghị, quảng cáo về các loại khẩu trang không rõ nguồn gốc, các loại thuốc, thẻ đeo có khả năng phòng ngừa virus,…
Tìm hiểu kĩ về các tổ chức kêu gọi quyên góp từ thiện hoặc gọi vốn cộng đồng. Trong trường hợp cần thiết, người dùng cần liên hệ với cơ quan bảo vệ người tiêu dùng trên toàn quốc để được hỗ trợ bảo vệ quyền lợi, tránh rơi vào những cái bẫy đã được "giăng sẵn".