Việc này được xét từ báo cáo của Bộ Công Thương tại văn bản số 901 ngày 21/2.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID – 19, Chỉ thị số 5/CT-TTg ngày 28/1/2021 về một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID – 19, Chỉ thị số 6/CT-TTg ngày 19/2/2021 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và Thông báo số 28/TB-VPCP ngày 17/2/2021 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID -19.
|
Khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch COVID – 19. đang được tháo gỡ. |
Các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan trên cơ sở báo cáo và kiến nghị của Bộ Công Thương, chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao; khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ, có các giải pháp khả thi, kịp thời để tạo thuận lợi cho việc lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là đối với nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và nông sản tại các địa phương có dịch COVID – 19.
Không để tình trạng ách tắc trong khâu giao nhận, vận tải làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, đồng thời bảo đảm yêu cầu công tác phòng chống dịch bệnh theo quy định.
Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng tại thị trường trong nước và xuất khẩu; chủ động theo dõi, nắm tình hình, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan tháo gỡ các khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ những nội dung vượt thẩm quyền.
Báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết, thực tế, hầu hết các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại cửa ngõ ra vào địa bàn các tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng hoá ra vào tỉnh Hải Dương. Điều này làm cho hàng hoá bị ách tắc, nông sản bị hư hỏng, gây nhiều khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu đến hạn phải giao hàng, gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.
Theo phản ánh từ các địa phương, doanh nghiệp, việc thực hiện yêu cầu xét nghiệm COVID-19 của Bộ Y tế tại Công văn số 898/BYT-MT ngày 7/2/2021 về việc hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa có nhiều điểm chưa phù hợp dẫn đến việc nông sản bị tồn ứ khó tiêu thụ, cụ thể:
Theo quy định, tất cả các lái xe khi qua trạm kiểm dịch phải có giấy xét nghiệm COVID-19. Tuy nhiên, các đơn vị y tế chỉ phục vụ xét nghiệm cho người thuộc diện cách ly, chưa xét nghiệm dịch vụ. Hơn nữa, năng lực xét nghiệm của các địa phương có dịch chưa đáp ứng đủ, kịp thời. Kết quả xét nghiệm không thể hiện rõ thời hạn hiệu lực của phiếu xét nghiệm… khiến nhiều doanh nghiệp, lái xe phải tạm ngừng hoạt động hoặc kinh doanh cầm chừng.
Một số doanh nghiệp phản ánh, khi làm xét nghiệm tại một số cơ sở y tế tư nhân đã không được công nhận (doanh nghiệp không biết kiểm tra âm tính COVID-19 ở đâu và giấy xác nhận có thời hạn bao lâu…). Trong khi đó, thời gian nhận kết quả PCR mất nhiều thời gian, CDC Hải Dương và các điểm xét nghiệm đang quá tải với việc xét nghiệm phòng chống dịch nên không thể đáp ứng được yêu cầu xét nghiệm của các doanh nghiệp và lái xe. Quy định này đến ngày 23/2, Hải Phòng mới nới rộng ra là chấp nhận xét nghiệm của thêm các tổ chức do Bộ Y tế cho phép.
Bên cạnh đó, chưa có quy trình hướng dẫn thống nhất bảo đảm an toàn phòng chống COVID-19 trong sản xuất, thu hoạch, bao gói, vận chuyển nông, lâm thủy sản tươi sống từ vùng dịch ra ngoài (hiện các địa phương áp dụng quy trình khác nhau: thành phố Hải Phòng thì cấm, thành phố Hà Nội không cấm người và hàng hóa của tỉnh Hải Dương…) nên cả bên mua và bên bán đều gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh nông sản…
Thông tin về an toàn y tế của các sản phẩm được sản xuất tại các tỉnh đang có dịch của chính quyền và các cơ quan chuyên môn có liên quan (ngành nông nghiệp và ngành y tế) chưa được đưa ra chính thức, tạo tâm lý e dè của nhà thu mua và người tiêu dùng…
Những khó khăn vướng mắc nêu trên đã dẫn đến tình trạng nông sản bị tồn ứ, khó tiêu thụ ngay tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Báo cáo nhanh của Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết, nông sản sản xuất ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ cầm chừng. Hiện hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh Hải Dương bị ảnh hưởng nặng nề.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19 sáng 24/2, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, việc ách tắc hàng hóa thời gian ban đầu tại Hải Dương là kinh nghiệm cho các địa phương khác. Bộ Công Thương đã kết nối với các đơn vị tiêu thụ lớn, tập đoàn bán lẻ để tiêu thụ hàng hóa cho Hải Dương, tuy nhiên, vướng không phải do nhu cầu không có, chuỗi siêu thị không nhiệt tình mà là do vấn đề vận tải.
“Mặc dù Bộ Y tế đã có hướng dẫn về vận tải hàng hóa an toàn, nhưng có tình trạng các tỉnh hiểu khác nhau, áp dụng khác nhau. Đến nay, vấn đề cơ bản đã được xử lý nhưng đây là kinh nghiệm cần rút. Tháo gỡ để hàng hóa lưu thông là điều kiện căn bản để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ” - Thứ trưởng Đặng Hoàng An nói.
Nhấn mạnh không ngăn sông cấm chợ trong lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế ban hành ngay quy trình tiêu thụ nhanh các sản phẩm nông nghiệp trong vùng có dịch, vừa bảo đảm yêu cầu phòng dịch, vừa không để ách tắc.
Đồng thời yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, nhất là các tỉnh đang có dịch có biện pháp cụ thể để kiểm soát dịch, đồng thời đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế không can thiệp sâu vào những vấn đề cụ thể của địa phương, giao quyền cho địa phương ban hành các biện pháp cụ thể ở địa phương mình như phong tỏa, thực hiện các chỉ thị 15, 16… tùy tình hình địa phương và kịp thời giải tỏa khi tình hình đã ổn định, cụ thể như TPHCM sáng nay được công bố với hàng chục điểm được giải tỏa, không còn phong tỏa, Thủ tướng nói. “Các đồng chí xem xét cụ thể để không ách tắc”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí cho rằng, các địa phương, nhất là khu vực có cảng như Hải Phòng phải bảo đảm lưu thông hàng hóa bình thường, biện pháp thông thoáng, chủ động phòng chống nhưng không ngăn sông cấm chợ và yêu cầu phải có ngay một quy chế giữa 3 bộ để có thể thực hiện chủ trương lưu thông hàng hóa bình thường, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh.
>>> Mời độc giả xem video Những việc cần làm ngay để phòng, chống COVID-19