Hàng hóa “tắc” đường xuất khẩu: Hải Phòng “bác” đề xuất của Hải Dương?

Google News

Mới đây, Hải Phòng đã có công văn phúc đáp UBND tỉnh Hải Dương về việc tạo điều kiện cho việc trung chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, Hải Phòng cho rằng, không cần thiết phải thực hiện phương án của UBND tỉnh Hải Dương đề xuất.

Hải Phòng cho rằng không cần thiết thực hiện đề xuất của Hải Dương
Trước tình trạng việc tiêu thụ nông sản, lưu thông hàng hóa từ tỉnh Hải Dương vào thành phố Hải Phòng vẫn còn nhiều vướng mắc, UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản 558 ngày 21/2 đề nghị UBND phố Hải Phòng thống nhất tạo điều kiện cho việc trung chuyển hàng hóa để giảm bớt các điều kiện, thủ tục, nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch.
Hang hoa “tac” duong xuat khau: Hai Phong “bac” de xuat cua Hai Duong?
Nông sản Hải Dương tiêu thụ nhờ "giải cứu". Ảnh: Zing 
Phương án của Hải Dương đưa ra, các phương tiện chở hàng hóa của Hải Dương (lái xe có giấy xác nhận kết quả âm tính SAR-COV-2 bằng phương pháp PCR của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương) đến tập kết tại khu vực chốt kiểm dịch giáp ranh giữa Hải Dương với Hải Phòng để lại xe và lái xe từ phía Hải Phòng đến điều khiển phương tiện lưu thông vào địa bàn thành phố Hải Phòng. Đối với hàng hóa vận chuyển bằng xe đầu kéo có thể thực hiện bằng việc đổi đầu kéo và lái xe đi từ tỉnh Hải Dương bằng đầu kéo và lái xe từ thành phố Hải Phòng.
Việc bố trí lái xe, phương tiện và cách thức giao nhận do các doanh nghiệp của Hải Dương và Hải Phòng liên hệ và chịu trách nhiệm.
Ngày 23/2, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã có công văn trả lời tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, Hải Phòng cho rằng, không cần thiết phải thực hiện phương án của UBND tỉnh Hải Dương đề xuất.
Cụ thể theo công văn hỏa tốc 1082 ngày 23/2, UBND TP Hải Phòng cho rằng, thực tế từ ngày 16/2, UBND TP Hải Phòng đã chỉ đạo các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của thành phố giải quyết cho các lái xe cùng phương tiện vận tải hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu từ các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại tỉnh Hải Dương vào thành phố Hải Phòng khi đảm bảo các điều kiện: Có hợp đồng, đơn hàng cụ thể và có các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định.
Lái xe, phụ xe phải có xét nghiệm âm tính đối với virus SARS- CoV-2 bằng phương pháp PCR tại các đơn vị Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định trong thời gian 3 ngày gần nhất.
Đồng thời các doanh nghiệp, chủ phương tiện và các lái xe, phụ xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, giấy tờ khi xuất trình cho cơ quan chức năng TP Hải Phòng kiểm soát.
Đối với các lái xe của Hải Phòng chở hàng đi tỉnh Hải Dương thì phải có xác nhận của chủ phương tiện hoặc UBND xã, phường, thị trấn khi trở về thì phải ở tại khu tập trung do chủ phương tiện bố trí và lấy mẫu để xét nghiệm, trường hợp cố tình về nhà thì mới bắt buộc vào nơi cách ly tập trung.
Hiện nay các lái xe cùng phương tiện vận tải hàng hóa của tỉnh Hải Dương và các lái xe Hải Phòng đi tỉnh Hải Dương khi trở về vẫn được vào thành phố Hải Phòng trên cơ sở đảm bảo các điều kiện trên. Vì vậy, không cần thiết phải thực hiện phương án của UBND tỉnh Hải Dương đề xuất.
Điều kiện của Hải Phòng gây khó cho hàng hóa của Hải Dương
Ông Phạm Thanh Hải - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết, đến tận tối 21/2, Hải Dương mới thông được 1 ít hàng đi xuất khẩu qua Hải Phòng.
Thực tế các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tại Hải Dương khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa ra cảng Hải Phòng để xuất khẩu là do vướng nhiều thủ tục, nhiều yêu cầu khắt khe rất khó thực hiện. Chi phí cũng bị đội lên rất nhiều, 1 chuyến xe container bình thường trước kia có 3,5 triệu đồng thì bây giờ tốn 7 triệu đồng.
Nguyên nhân chủ yếu là các yêu cầu từ phía Hải Phòng như: Hợp đồng, đơn hàng cụ thể, lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính đối với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR, giấy xác nhận của CDC tỉnh Hải Dương trong thời gian 3 ngày gần nhất...
“Hải Phòng cũng quy định vào Hải Dương khi về cách ly 14 ngày nên tài xế cũng ngại đi vào. Vào 1 chuyến xong nghỉ 14 ngày thì khó quá. Doanh nghiệp người ta ngại vào thì nông sản bị ế. Chi phí người đi mua tăng lên thì tiêu thụ không thể nhiều được” – ông Hải nói.
Ông Tăng Xuân Trường, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông sản Hưng Việt cho biết, công ty đã bị đối tác hủy hơn 20 container hàng nông sản xuất khẩu sang Malaysia, Nhật Bản vì không thể giao hàng đúng thời hạn do không thể vận chuyển hàng đến các cảng để xuất khẩu.
Ông Trường cho rằng, Hải Phòng chỉ chấp nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương (CDC Hải Dương) công nhận. Trong khi đó, năng lực xét nghiệm tại tỉnh này đang bị quá tải dẫn đến các bất cập.
Hang hoa “tac” duong xuat khau: Hai Phong “bac” de xuat cua Hai Duong?-Hinh-2
 Nông sản Hải Dương vẫn tắc đường xuất khẩu.
“Chúng tôi kiến nghị Hải Phòng công nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 do các đơn vị đã được Bộ Y tế công nhận, không chỉ là do CDC Hải Dương cấp. Đồng thời, kéo dài hiệu lực của kết quả xét nghiệm từ ba ngày lên ít nhất năm ngày. Vì lái xe vừa đi xét nghiệm về, chưa chạy được chuyến nào đã hết thời gian công nhận kết quả giấy xét nghiệm đó” – ông Tăng Xuân Trường kiến nghị.
Ngày 21/2, Bộ Công Thương cũng đã có Công văn số 901 /BCT-TTTN gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong đó đã đưa ra một số đề xuất nhằm gỡ khó cho việc lưu thông hàng hóa.
Hang hoa “tac” duong xuat khau: Hai Phong “bac” de xuat cua Hai Duong?-Hinh-3
 Công văn phúc đáp của UBND TP Hải Phòng.
Đáng chú ý, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế có hướng dẫn thống nhất về lưu thông người, hàng hóa, phương tiện giữa địa phương có dịch với các địa phương khác. Qua đó tránh việc mỗi địa phương tự áp dụng một cách, gây khó cho vận chuyển hàng hóa như hiện nay. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo và huy động các đơn vị có năng lực xét nghiệm COVID-19 hỗ trợ các tỉnh có dịch COVID-19. Từ đó bảo đảm phục vụ tối đa nhu cầu xét nghiệm của đội ngũ tài xế, áp tải hàng trong thời gian ngắn nhất nhằm hạn chế tối đa ách tắc lưu thông hàng hóa từ vùng dịch ra ngoài.
Ông Phan Thanh Hải cho rằng, hàng hóa nông sản Hải Dương sản xuất ra chỉ tiêu thụ khoảng 20% ở địa bàn tỉnh, còn lại 80% là xuất khẩu và lưu thông sang các tỉnh khác. Độ mở nền kinh tế là rất lớn, giao thương đan xen. Ở ngành công nghiệp, không phải 100% tất cả sản xuất ở Hải Dương mà có thể là một phần của sản phẩm của Hải Phòng hay 1 phần của Thái Bình nữa.
Do đó, những khó khăn vướng mắc không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, trước hết là tỉnh Hải Dương mà còn ảnh hưởng đến các địa phương khác vì tỉnh Hải Dương nằm ở trung tâm của tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Hải Dương. Nhiều hàng hóa ở Hải Dương chính là sản phẩm gia công, nguyên liệu đầu vào lắp ráp theo chuỗi ở các nhà máy tại các tỉnh, thành khác.
Việc "ngăn sông cấm chợ" có thể gây ách tắc chuỗi sản xuất. Nông sản đâu có để được lâu, rất nhanh hỏng. Rồi không có nguyên vật liệu thì nhà máy phải dừng, công nhân phải nghỉ. Từ việc không có hàng hóa dừng như thế thì vi phạm hợp đồng bạn hàng, mất luôn bạn hàng, mất luôn thị trường. Mọi khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ nhanh không thì hệ quả rất lớn” – ông Hải nói.
Theo Giám đốc Sở Công thương Hải Dương, ngay sau khi UBND tỉnh Hải Dương có công văn gửi TP Hải Phòng về việc tạo điều kiện cho nông sản Hải Dương lưu thông vào Hải Phòng để kịp thời xuất khẩu, địa phương đang chờ trả lời của Hải Phòng và chờ động thái của Chính phủ họp trực tuyến”.
>>> Mời độc giả xem thêm video Nhiều nơi xét nghiệm COVID-19 rộng, những ai là đối tượng?
  
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)